PVLC Tuần 1 Mùa Vọng

TỈNH THỨC ĐI VÀO THẾ GIỚI MỚI

Bài của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

- Gr 33,14-16

- 1Tx 3,12 – 4,2

- Lc 21, 25-28.34-36

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Thật ngạc nhiên. Ta cứ tưởng trong mùa Vọng, phải có những bài Sách Thánh báo tin Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Nhưng không ngờ những bài Sách Thánh và đặc biệt bài Tin Mừng hôm nay lại báo tin Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Tại sao thế? Thưa vì Giáo hội muốn cho ta hiểu ý nghĩa thần học của việc chờ mong Chúa đến. Hằng năm vào mùa Vọng, Giáo hội mời gọi ta chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến. Thực ra Chúa đã đến rồi khi sinh ra tại hang đá Bêlem cách nay hơn 2.000 năm. Tuy nhiên ta vẫn luôn chờ mong vì Chúa đến hằng ngày với ta. Và nhất là Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Việc Chúa đến lần thứ hai đưa ra những hướng dẫn quan trọng cho cuộc đời chúng ta.

Hướng dẫn thứ nhất: Có hai thế giới. Thế giới hiện tại và thế giới tương lai. Thế giới hiện tại này sẽ qua đi. Vạn vật có khởi đầu và có kết thúc. Con người có sinh có tử. Đó là định luật tự nhiên. Không chỉ những gì yếu đuối, bé nhỏ mới qua đi. Cả những gì lớn lao, mạnh mẽ, có vẻ bền vững nhất như mặt trời, mặt trăng cũng qua đi. Điều quan trọng nhất là chính ta cũng sẽ qua đi. Khi thế giới này qua đi, một thế giới mới sẽ bắt đầu: thế giới vĩnh cửu.

Hướng dẫn thứ hai: Chúa làm chủ lịch sử. Sở dĩ thế giới cũ tan biến đi vì Chúa đã định cho nó một thời hạn. Khi thế giới đến ngày cùng tháng tận, Chúa sẽ đến. Quyền uy của Chúa thể hiện qua việc Chúa xét xử thế giới cũ và khai sinh thế giới mới. Sau cảnh tan vỡ kinh hoàng của thế giới cũ sẽ là một khởi đầu mới đem đến niềm hi vọng mới cho con người. Có thể nói thế giới không chấm dứt nhưng biến đổi. Từ một thế giới mong manh mau tàn đến một thế giới vững bền vĩnh cửu. Từ một thế giới tương đối đến một thế giới tuyệt đối.

Hướng dẫn thứ ba: Ta tự quyết định vận mệnh đời mình. Thế giới này sẽ qua đi. Thế giới mới sẽ xuất hiện. Ta sẽ bị hủy diệt cùng với thế giới cũ. Hay sẽ được hạnh phúc trong thế giới mới? Điều đó tùy thuộc bản thân ta. Chúa đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng. Thế giới cũ sẽ suy tàn. Nên ai quá gắn bó với nó sẽ khổ sở. Thế giới mới sẽ tới. Ai biết chuẩn bị chờ đón sẽ được hạnh phúc. Phải làm gì? Thưa phải tỉnh thức và cầu nguyện.

Tỉnh thức không “chè chén say sưa”, tức là không quá mê mẩn những đam mê hưởng thụ đời này. Tỉnh thức không “lo lắng sự đời”, nghĩa là không quá mê say danh, lợi, thú, là những giá trị đời này. Tỉnh thức biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên những chân trời cao thượng. Tỉnh thức tuy còn sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau.

Cầu nguyện vì tinh thần mau mắn nhưng xác thịt nặng nề. Cầu nguyện để biết tỉnh thức. Vì khi cầu nguyện ta tách ra khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất để vươn tới thế giới tâm linh. Nhất là cầu nguyện để xin ơn Chúa giúp. Con người phàm trần xác thịt nặng nề luôn bị trần gian lôi kéo. Chỉ với ơn Chúa giúp ta mới thoát ra khỏi vòng giam hãm của vật chất để vươn tâm hồn lên thế giới thiêng liêng.

Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới khao khát Chúa đến. Có tỉnh thức cầu nguyện, khi Chúa đến ta mới đứng dậy và ngẩng cao đầu lên. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới gặp được Chúa. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới được vào thế giới mới với Chúa. Tỉnh thức cầu nguyện, ta có thể gặp Chúa ngay bây giờ trong ngày hôm nay. Tỉnh thức cầu nguyện ta sẽ gặp được Chúa trong ngày lễ Chúa Giáng sinh. Tỉnh thức cầu nguyện chắc chắn ta sẽ được gặp Chúa trong ngày cùng tận của thế giới. Chúa sẽ đón ta vào hưởng hạnh phúc trong một thế giới mới hạnh phúc tuyệt đối và không bao giờ tàn lụi. 

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến cứu con. 

 

III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU

1. Chúa đã đến rồi sao ta vẫn còn chờ mong Chúa đến?

2. Chúa làm chủ lịch sử. Bạn có cảm nghiệm về điều này trong đời sống không? 

3. Ta phải làm gì để được niềm vui trong ngày Chúa đến?

4. Tỉnh thức nghĩa là gì?

5. Tại sao phải cầu nguyện?


Để tiếp tục bài Suy Niệm PVLC  Chúa Nhật 1 Mùa Vọng Chu kỳ Năm C
của ĐTGM Ngô Quang Kiệt trên đây, 

chúng ta cùng nhau cử hành  toàn bộ PVLC Tuần 1 Mùa Vọng 
ở những đường kết nối từng ngày, bao gồm bài viết / text, phát thanh / audio mp3 và phát hình / video thứ tự như sau:


Phung Vu Loi Chua Mua Vong Tuan I

(Bài viết chia sẻ PVLC cả tuần ở đường link trên đây)

Chúa Nhật: Đợi Chờ và Nghênh đón Ơn Cứu Độ

https://youtube.com/live/fcZRdjsHubA

MV-CN1C.mp3 / 

https://youtu.be/P4rkTP_ffPY

DTCPhanxico-HuanTuTruyenTinCN.1.MV.mp3 / 

https://youtu.be/xfs6t-vM3_Q

Thu.2.TuanI-MV.mp3

Thu.3.TuanI-MV.mp3

ThanhPhanxicoXavier-LinhDaoTruyenGiaoXavier.mp3 

https://youtu.be/47HLVxC8_cs (3/12 - Thứ Ba)

Thu.4.MV-I.mp3

ThanhGioanDamasceno.mp3 / 

https://youtu.be/Z_flrOYuWnM (4/12 - Thứ Tư)

Thu.5.MV-I.mp3

Thu.6.MV-I.mp3

MV.TuanI-7.mp3

ThanhAmbrosio.mp3 / 

https://youtu.be/MHi4VGUHO7c (7/12 - Thứ Bảy)

 

Nhập thể cảm nghiệm  

Hôm nay, theo phụng niên của mình, Giáo Hội bắt đầu tiến vào Mầu Nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh, với Chúa Nhật Mùa Vọng Thứ I trong 4 tuần lễ tượng trưng cho 4 ngàn năm trông đợi Đấng Thiên Sai Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô.

Bởi thế, chủ đề cho cả Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, thậm chí bao gồm cả Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh, căn cứ vào phụng vụ Lời Chúa tổng quan cho cả các Mùa Phụng Vụ bất khả phân ly này, đó là chủ đề "Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14), giống như chủ đề chung cho cả 3 mùa phụng vụ còn lại trong năm: Mùa Chay, Mùa Phục Sinh và Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, đó là chủ đề: "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25).

Theo chủ đề chung trên đây cho cả Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh và Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh, thì đề tài cho riêng 4 tuần lễ Mùa Vọng đó là "Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể".

Đó là lý do ngay Bài Đọc 1 hôm nay, được trích từ Sách Tiên Tri Giêrêmia, chúng ta đã thấy hình ảnh xa xa về một Vị Thiên Chúa nhập thể làm người sẽ xuất hiện "vào những ngày đó và vào thời gian đó", từ chi tộc Giuđa và theo giòng dõi Đavít "như một chồi công chính":

"Ðây lời Chúa phán: Ðã đến ngày Ta sẽ thực hiện tin mừng Ta loan báo về nhà Israel và nhà Giuđa. Trong những ngày đó và trong thời gian đó, Ta sẽ làm nảy sinh cho Ðavít một chồi công chính, Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở. Trong những ngày đó, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ sống yên ổn. Và đây là tên người ta sẽ gọi Ngài: 'Thiên Chúa, Ðấng Công Chính của chúng tôi'".

Thiên Chúa nhập thể để làm gì, nếu không phải để công chính hóa con người tội lỗi, con người đã trở nên bất chính bởi nguyên tội. Ngài nhập thể làm người "như một chồi công chính" và chính là "Đấng công chính của chúng tôi". Và vì thế Cựu Ước đã hướng về Người và trông chờ Người đến, như tâm nguyện đầy nhận thức được bày tỏ trong Bài Đáp Ca hôm nay:

1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. 

2) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. 

3) Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành, dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa. Chúa thân mật với những ai tôn sợ Chúa, và tỏ cho họ biết lời minh ước của Ngài.

Đối với dân Tân Ước của Thiên Chúa, thì lại ngưỡng vọng về lần đến thứ hai của Đấng đã đến lần thứ nhất để cứu độ loài người nói chung và để công chính hóa những ai tin vào Người bằng việc lãnh nhận Phép Rửa nói riêng. Do đó, việc họ sống công chính bằng lòng bác ái yêu thương sau khi lãnh nhận Phép Rửa tái sinh là thái độ họ luôn hướng về Người và trông chờ Người đến, theo tinh thần và ý nghĩa của huấn dụ Thánh Phaolô Tông Đồ trong Bài Đọc 2 chu kỳ Năm C hôm nay:

"Anh em thân mến, xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người như chúng tôi đối với anh em, để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến cùng với tất cả các Thánh. Amen".

Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng Năm C này, đoạn cuối cùng cũng chính là nguyên hai đoạn của bài Phúc Âm Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần XXXIV Thường Niên hôm kia và hôm qua, hai ngày cuối cùng của cả phụng niên. Cả hai bài Phúc Âm hôm kia và hôm qua, hai ngày cuối cùng của phụng niên, và bài Phúc Âm hôm nay, ngày đầu tiên của phụng niên (cách riêng ở Năm C) đều chất chứa những lời vừa cảnh báo vừa huấn dụ của Chúa Giêsu y hệt nhau:

"Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!" (Bài Phúc Âm hôm kia Thứ Sáu Tuần XXXIV Thường Niên) ... "Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến" (Câu cuối cùng củaBài Phúc Âm hôm qua Thứ Bảy Tuần XXXIV Thường Niên cũng của Bài Phúc Âm hôm nay).

Ngoài những gì đã chia sẻ trong bài Phúc Âm cho Thứ Bảy Tuần XXXIV Thường Niên - 

 Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XXXIV Thường Niên

ở đây, ở vào thời điểm Mùa Vọng mở màn cho một năm phụng vụ mới, hướng về Chúa Kitô đến lần thứ nhất này, chúng ta cần hiểu những lời Chúa Giêsu khuyến dụ các môn đệ của Người như thế nào đây, nếu không phải hiểu theo chiều hướng ngưỡng vọng về lần đến thứ hai của Người, một lần đến cuối cùng hoàn toàn khác với lần đến thứ nhất của Người, ở chỗ, trong khi lần thứ nhất có vẻ âm thầm và an bình thì lần thứ hai công khai trước toàn thế giới của con người, với đầy những biến động và chấn động, cả ở nơi thiên nhiên lẫn loài người, như lời Chúa Giêsu báo trước ở đầu Bài Phúc Âm hôm nay:

"Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến".

Thật vậy, đối với Kitô hữu thuộc thành phần dân Tân Ước thì Chúa Kitô của họ quả thực đã đến rồi, và vì thế họ trông chờ Người không phải như dân Cựu Ước trông chờ Đấng Thiên Sai của họ (mà cho đến bây giờ họ thậm chí vẫn còn chờ), nhưng Đấng Thiên Sai của dân Cựu Ước ấy lại chính là Đấng Cứu Thế của chung nhân loại và của riêng Kitô giáo đã đến lần thứ nhất trong giòng lịch sử nhân loại ở miền đất được họ gọi là Thánh Địa, đúng như các lời tiên tri đã tiên báo, "tại Bêlem miền đất Giuđa" (xem Mica 5:1).

Dân Do Thái xưa, cho dù trông mong Đấng Thiên Sai được Thiên Chúa hứa sai đến với họ, như đã được tiên báo trong Thánh Kinh của họ, nhưng khi Người xuất hiện họ chẳng những đã không nhận ra Người, "không nhận biết Người" và "không chấp nhận Người" (Gioan 1:10-11), mà còn vì thế cuối cùng họ đã lên án Người và sát hại Người.

Cũng có thể tương tự như thế, dân Tân Ước, cho dù sống theo đức tin tông truyền, công nhận Đức Giêsu Nazarét chính là Đấng Thiên Sai của dân Do Thái nên cũng chính là Đấng Cứu Thế của toàn thể nhân loại và của riêng Kitô giáo, nhưng thực tế phũ phàng cho thấy, trong đời sống đạo của họ, họ vẫn sống như "không nhận biết Người" và "không chấp nhận Người", chẳng khác gì như dân Do Thái xưa. 

Ở chỗ, họ sống, không nhiều thì ít, không lâu thì mau, không nặng thì nhẹ, không cố tình thì vô tình, ngược lại với tinh thần Phúc Âm trọn lành của Chúa Kitô (xem Mathêu đoạn 5-7 về Bài Giảng Trên Núi), sống phản lại với lời kêu gọi bỏ mình và vác thập giá mà theo Người (xem Mathêu 16:24), sống tương phản với tinh thần và mẫu gương của Người không hưởng thụ nhưng phục vụ cho đến cùng của Người (xem Mathêu 20:28; Gioan 13:1). 

Bởi thế, họ như chưa thực sự cảm nghiệm được Người, như thể Người chưa hề đến lần thứ nhất nơi họ trước những ai chưa tin vào Người. Và vì vậy, để vừa chứng thực là Chúa Kitô thực sự đã đến lần thứ nhất và vừa ngưỡng vọng Người đến lần thứ hai, Kitô hữu chúng ta cần phải: "đứng dậy và ngẩng đầu lên". 

Nghĩa là, về phần tiêu cực, chúng ta cần phải "đứng dậy", một cử chỉ như muốn cương quyết dứt khoát từ bỏ cuộc sống hưởng thụ, ở chỗ hoàn toàn cởi bỏ con người cũ, con người xác thịt, luôn hướng hạ và chỉ biết sống hiện sinh như được Chúa Giêsu nói đến ở đầu Bài Phúc Âm hôm nay: "chè chén say sưa và lo lắng việc đời". 

Trái lại, về phần tích cực, chúng ta còn phải "ngẩng đầu lên", một thái độ tỏ ra luôn khao khát và tìm kiếm những sự trên trời (xem Colosê 3:1-2), một cử chỉ hướng về, chiêm ngắm và gắn bó với Đấng đã cứu độ mình (xem Gioan 14:1), một tác động tỏ ra mong muốn noi theo bắt chước mẫu gương của Chúa Kitô (xem Gioan 13:15).

Có thế, Chúa Kitô mới thực sự "hóa thành nhục thể" nơi bản thân Kitô hữu và mới sống động trong đời sống của Kitô hữu, và như thế họ mới chứng thực được rằng Người là "Đức Kitô Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian" (Gioan 11:27), và đồng thời cũng là Đấng đang đến qua các hoạt động tông đồ truyền giáo của họ nói riêng và của Giáo Hội nói chung, cho đến khi Người hoàn toàn tỏ hiện vào lần đến cuối cùng của Người để "Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự" (1Corinto 15:28).