Suy Nghiệm Lời Chúa
Chủ đề sự sống của Mùa Phục Sinh vẫn liên tục cho tới thời điểm này, Chúa Nhật XXIV Thường Niên, một sự sống như Chúa Kitô và với Chúa Kitô.
Thật vậy, Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật XXIV Thường Niên hôm nay có thể tóm gọn như sau: Đức Kitô cần phải Vượt Qua từ khổ giá tới phục sinh, và vì thế ai muốn theo Người cũng phải chấp nhận thân phận gian nan khốn khó như Người và với Người.
Đức Kitô cần phải Vượt Qua từ khổ giá tới phục sinh:
"Bấy giờ Người hỏi: 'Còn các con, các con bảo Thầy là ai?' Phêrô lên tiếng đáp: 'Thầy là Ðức Kitô'. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó...".
Ai muốn theo Người cũng phải chấp nhận thân phận gian nan khốn khó như Người và với Người:
"Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình".
Có một chi tiết đặc biệt trái ngược trong bài Phúc Âm hôm nay đó là trong khi "Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả" về căn tính "Thày là Đức Kitô" như câu tuyên xưng của Tông đồ Phêrô thì "Người công khai tuyên bố các điều đó" nghĩa làvề cuộc vượt qua của Người, như Người vừa tiết lộ trước đó.
Sở dĩ Người nghiêm cấm không cho các môn đệ nói ra hay loan truyền về căn tính Kitô của Người là vì chung dân chúng và riêng thành phần thày dạy và có thẩm quyền trong dân không chấp nhận chân lý này. Ngày nay cộng đồng Do Thái giáo vẫn không tin nhân vật Giêsu Nazarét là "Đức Kitô", ai tin sẽ bị tuyệt thông, bị loại ra khỏi Hội Đường, như Giáo Hội Công giáo cũng tuyệt thông những ai không tin Chúa Kitô.
Thế nhưng vấn đề then chốt được đặt ra ở đây là tại sao Chúa Kitô lại cần phải Vượt Qua? Phải chăng chỉ vì Người là "Đức Kitô", hay nói ngược lại chính vì Người là "Đức Kitô" mà Người cần phải Vượt Qua. Như thể mầu nhiệm Vượt Qua là những gì bất khả phân ly với Người, và đã là "Đức Kitô" thì Người không thể nào không Vượt Qua.
Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay đã nói trước về thân phận của "Đức Kitô" cần phải được ứng nghiệm, đúng như lời Chúa Giêsu tiên báo về thân phận là "Đức Kitô" của mình, một "Đức Kitô" Thiên Sai Cứu Thế không oai phong quyền lực như thế gian tưởng và như dân của Người mong đợi, mà là một "Đức Kitô" hèn yếu và vô cùng bất hạnh, như vị tiên tri đã báo trước:
"Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi".
Đó là lý do khi vị lãnh tụ tông đồ đoàn là Phêrô, vị vừa đại diện các tông đồ khác tuyên xưng rất chính xác về Người: "Thày là Đức Kitô", vị đã chỉ vì kính yêu Người đã "kéo Người lui ra mà can trách Người", nhưng đã bị Người thậm tệ quở trách hết sức nặng lời rằng: "Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người". Người không quở trách vị tông đồ lãnh đạo hoàn toàn lòng ngay này một cách âm thầm mà là một cách công khai, như Phúc Âm thuật lại: "Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô", như thể cảnh giác cho cả tông đồ đoàn về một sai lầm vô cùng trầm trọng cần phải tránh, không bao giờ được tái phạm.
Thật vậy, nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét nếu không phải là "Đức Kitô" thì nhân vật ấy hoàn toàn không phải là Con Thiên Chúa, không phải là Đấng Thiên Sai của dân Do Thái, và vì thế cũng không phải là Đấng Cứu Thế của chung nhân loại ("Redemptor Hominis" - "Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần" đây là nhan đề cho bức thông điệp đầu tay của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 4/3/1979).
Chính vì không chấp nhận nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét này là "Đức Kitô" Thiên Sai Cứu Thế mà Hội Đồng Đầu Mục Do Thái bấy giờ đã lên án tử cho Người và tìm hết cách để giết Người cho bằng được bởi tay dân ngoại Rôma! Tuy nhiên, về phía các tông đồ, cho dù có nhận biết và tuyên xưng Người là "Đức Kitô" chăng nữa, như bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, các vị vẫn vấp phạm vì Người, vị thì âm mưu phản nộp Người, vị thì công khai chối bỏ Người v.v. Tại sao thế?
Phải chăng cho dù niềm tin của các vị thật chính xác nhưng cảm nghiệm của chính bản thân các vị về niềm tin này vẫn chưa xác thực, bởi tâm trí của các vị còn bị chi phối theo khuynh hướng tự nhiên cũng như bởi lý lẽ trần gian: "vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người"?
Đúng thế, đức tin là một ân ban chứ không phải xuất phát từ con người. Bản thân của con người giống như một mảnh đất nhận được hạt giống thần linh đức tin này, mà nếu nó là một mảnh đất tốt thì hạt giống đức tin sẽ dễ dàng nẩy mầm và mọc lên thành cây. Kinh nghiệm cho thấy, mảnh đất nhân tính của loài người đã trở thành xấu bởi nhiễm nguyên tội, với đầy mầm mống tội lỗi là đam mê nhục dục và tính mê nết xấu, chưa kể đến tình trạng mù quáng của trí khôn và bản chất yếu nhược của ý chí.
Bởi thế, bản tính của con người cần phải thích ứng với đức tin và đáp ứng theo đức tin bằng những việc làm xứng hợp và cần thiết thì thực tại đức tin mới có thể trở thành hiện thực nơi họ. Theo chiều hướng ấy Thánh Giacôbê trong Bài Đọc Thứ 2 hôm nay đã đặt vấn đề hiện thực đức tin như sau:
"Nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? ... Nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ"
Trong trường hợp của vị lãnh tụ tông đồ đoàn Phêrô ở bài Phúc Âm hôm nay, sở dĩ ngài tin một đàng mà hành động một nẻo, nghĩa là "không hành động theo đức tin", trái lại, hầu như phản nghịch nhau hoàn toàn, là vì ngài vẫn còn bị trần gian chi phối và ảnh hưởng. Ở chỗ, theo lý luận tự nhiên, có thể ngài đã nghĩ như thế này: nếu Thày của mình là "Đức Kitô" Thiên Sai Cứu Thế thì Người không thể nào chết được, không thể nào lại bị khổ nạn và tử giá như một con người bình thường, như một tội phạm.
Tội nghiệp ngài, tưởng lập luận như vậy là đúng, là phải, nên vì lòng ngay mà ngài đã tỏ ra sốt sắng lên tiếng can ngăn Đấng ngài vốn tôn sùng và đã bỏ hết mọi sự mà theo cho tới bấy giờ, không ngờ hậu quả hoàn toàn ngược hẳn lại, đó là ngài đã bị một cái búa giáng xuống đầu, không còn biết trời đất đâu nữa. Nếu trường hợp của ngài rơi vào thành phần nghe xong bài giảng của Người về Bánh Sự Sống đến không chịu được cần phải quay lưng bỏ đi, nghĩa là họ phải chịu cú trời giáng này, thì chắc chắc họ sẽ không thể nào chịu nổi. Thế mà anh chàng Simon được đổi tên là Đá cứng này vẫn vững vàng theo Chúa cho đến cùng, đúng như lời Chúa Giêsu kêu gọi những ai muốn theo Người ở cuối bài Phúc Âm hôm nay.
Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa những câu Thánh Vịnh liên quan đến thân phận của một "Đức Kitô" đích thực đúng như Thiên Chúa sai đến làm Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần - Redemptor Hominis, chứ không phải là một kitô giả, một kitô theo lập luận của trần gian, theo lòng mong ước của con người tự nhiên:
1) Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu Chúa.
2) Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: "Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!"
3) Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi.
4) Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.