Sức Khoẻ và Đời Sống


Tuổi nào cần dự phòng loãng xương?

suckhoedoisong.vn

Loãng xương- căn bệnh thầm lặng

Loãng xương thường xảy ra phổ biến ở người lớn tuổi, nhất là với phụ nữ. Loãng xương thường được gọi là một "căn bệnh thầm lặng" bởi vì nó thường tiến triển mà không có triệu chứng cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng bệnh đã trở nên nặng rồi. Gãy xương có thể xảy ra một cách tự nhiên hoặc là kết quả của những va chạm nhỏ hay té ngã.

Nhiều người nghĩ rằng loãng xương là một phần tự nhiên và không thể tránh khỏi của tuổi già. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế tin rằng loãng xương chủ yếu là phòng ngừa được. Ngay cả những người đã có bệnh loãng xương có thể thực hiện các bước để ngăn chặn hoặc làm chậm tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.

Do vậy, dự phòng loãng xương không thể để đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”, mà là một nỗ lực cần tiến hành trong suốt cả cuộc đời, càng sớm càng tốt, ngay từ giai đoạn bào thai để tối ưu hoá khối lượng đỉnh của xương ngay từ khi còn trẻ, duy trì mật độ xương và giảm mất xương khi bạn già đi...

Thuốc nào để phòng ngừa?

Canxi

Một nguồn cung cấp không đầy đủ canxi trong suốt cuộc đời được cho là đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh loãng xương. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy lượng canxi thấp có liên quan với khối lượng thấp xương, mất xương nhanh, và tỷ lệ gãy xương cao. Nếu như mỗi cá nhân chúng ta tiêu thụ đủ lượng canxi và vitamin D trong suốt cuộc đời có nhiều khả năng để đạt được khối lượng xương tối ưu sớm trong cuộc sống và ít có khả năng bị mất xương sau này. Nhưng trên thực tế cho thấy lượng canxi trung bình của chúng ta hàng ngày là thấp hơn nhiều so với mức khuyến cáo cho sức khỏe xương tối ưu.

Nhu cầu canxi khuyến nghị cho người Việt Nam: trẻ từ 0-6 tháng tuổi là 300mg canxi/ngày, từ 6 tháng đến 1 tuổi là 400mg, từ 1-3 tuổi là 500mg, từ 4-6 tuổi là 600mg, từ 7-9 tuổi là 700mg, từ 10-18 tuổi là 1000mg. Phụ nữ và nam giới trưởng thành: từ 19 – 49 tuổi là 700mg/ngày, từ 50 tuổi trở lên là 1000mg/ngày. Phụ nữ có thai (trong suốt thời kỳ mang thai) là 1200mg/ngày. Phụ nữ cho con bú (trong suốt thời kỳ cho con bú) là 1000mg/ngày (Nguồn Viện Dinh dưỡng).

Như vậy, tuổi vị thành niên là giai đoạn quan trọng nhất để xây dựng khối lượng xương giúp bảo vệ chống lại bệnh loãng xương sau này trong cuộc sống. Vì vậy nhu cầu về canxi ở thời kỳ này đòi hỏi cũng lớn hơn. Do đó, nó đặc biệt quan trọng đối với cha mẹ, người chăm sóc và bác sĩ nhi khoa để nói chuyện với trẻ em và thanh thiếu niên về việc phát triển thói quen làm cho xương khỏe mạnh, bao gồm cả ăn thức ăn giàu canxi và nhận được vận động đầy đủ.

Nguồn cung cấp vitamin D từ từ nhiên và thực phẩm

Nhu cầu về canxi cũng đặc biệt tăng lên ở phụ nữ trong thời gian mang thai và cho con bú, phụ nữ sau mãn kinh và nam giới lớn tuổi. Ở người lớn tuổi nhu cầu canxi tăng lên. Khi bạn lớn tuổi, cơ thể của bạn trở nên kém hiệu quả hấp thụ canxi và các chất dinh dưỡng khác hoặc cũng có thể liên quan đến thiếu hụt vitamin D làm giảm hấp thu canxi ở ruột. Người lớn tuổi cũng có nhiều khả năng có vấn đề sức khỏe mãn tính và sử dụng các loại thuốc có thể làm giảm hấp thu canxi. Vì vậy, việc bổ sung canxi và vitamin D có thể giúp làm chậm mất xương và ngăn ngừa gãy xương hông. Kết quả từ một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy bổ sung canxi kết hợp với vitamin D cho phụ nữ mãn kinh, đặc biệt là những người trên 60 tuổi, một liều 1.000 mg canxi cacbonat kết hợp với 400 IU vitamin D3 dẫn đến cải thiện mật độ xương hông và giảm gãy xương hông.

Vitamin D

Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc xương thông qua cơ chế phân phối canxi và phospho, làm tăng hấp thu canxi và phốt pho qua đường tiêu hóa. Tại xương, vitamin D cùng hormon cận giáp kích thích chuyển hoá canxi và phốt pho, làm tăng quá trình lắng đọng canxi của xương. Lượng vitamin D đầy đủ trong cơ thể là điều kiện thiết yếu để canxi và phốt pho được gắn trong mô xương.

Nguồn bổ sung vitamin D là từ ánh nắng mặt trời hoặc thông qua chế độ ăn uống. Mặc dù nhiều người có thể có được đủ vitamin D tự nhiên, nhưng việc sản xuất vitamin D cũng sẽ giảm ở người cao tuổi, người ở lâu trong nhà hoặc ở nơi không có đủ ánh nắng mặt trời, và trong một số người bị bệnh mãn tính về thần kinh và tiêu hóa. Khi có nguy cơ bị thiếu vitamin D cần phải bổ sung vitamin D. Tiêu thụ hàng ngày được khuyến nghị của vitamin D là 200 đơn vị quốc tế (IU) cho trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn đến 50 tuổi, 400 IU cho nam giới và phụ nữ độ tuổi 51-70 và 600 IU đối với người trên 70 tuổi.

Như vậy, để giữ cho xương chắc khỏe, cần duy trì thời gian hợp lý để da tiếp xúc với nắng mặt trời. Bữa ăn cần cung cấp đủ năng lượng và protein như thịt, cá trứng sữa. Cần ăn cả các loại thức ăn giàu chất khoáng như canxi, magiê, phospho, vitamin D và vận động thể lực hợp lý, đều đặn; tránh rượu, thuốc là, càphê. .Nếu thiếu hụt cần bổ sung bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh dùng thừa. Vì nếu dùng thừa canxi và vitamin D sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho sức khoẻ.

DS Hoàng Thu

Sức Khoẻ & Đời Sống

Trang Nhà