Sức Khoẻ và Đời Sống


 “Làm hại” con vì… đồ chơi

TheoTuân Nguyên

Cho trẻ chơi bất kỳ thứ gì, mua cho trẻ con cả thùng đồ chơi, mua bất kỳ món đồ chơi nào trẻ đòi, mua vì thấy “bắt mắt”… là tâm lý chung của nhiều bậc cha mẹ hiện nay. Và khi trẻ tự “mày mò” trong mớ hỗn độn đồ chơi ấy, những tai nạn đáng sợ đã xảy ra…

Hóc… đồ chơi – tai nạn đáng sợ

Liên tiếp trong thời gian qua, những ca hóc dị vật, tai nạn thương tích vì đồ chơi phải nhập viện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc làm cha mẹ. Mới đây nhất, vào đầu tháng 4, BV. Nhi Đồng 2 TP.HCM đã tiếp nhận bé Nguyễn Duy K., 3 tuổi, nhà ở Biên Hòa, Đồng Nai, nhập viện vì ho, khò khè kéo dài cả tháng mà điều trị không khỏi. Khai thác bệnh sử từ mẹ bé thì được biết, 1 tháng trước đó, trong lúc đang chơi với cây kèn nhựa, bé đột ngột bị ho sặc sụa, nước mắt nước mũi giàn dụa, cây kèn bé chơi đã bị mất một mẩu nhỏ ở đầu kèn. Dựa vào thông tin này, các bác sĩ đã nghi ngờ bé K. bị dị vật lọt đường thở dù phim X-quang chụp hình phổi không thấy gì đặc biệt. Tuy nhiên, khi khám phổi cho bé, các bác sĩ đã nghe được một âm thanh rất đặc biệt như tiếng “te te” như tiếng của không khí khi thổi qua một ống hẹp và rỗng. Một tuần theo dõi bé K. tại BV, sau khi đã điều trị kháng sinh và kháng viêm tích cực, các BS tại đây đã quyết định nội soi phế quản cho bé để kiểm tra dị vật và gắp ra nếu có. Kết quả, các bác sĩ đã lôi ra khỏi đường thở của bé một mẩu nhựa trắng hình ống dính rất nhiều đàm nhớt. Đây đúng là bộ phận thường được gắn ở phía trong đầu kèn nhằm tạo âm thanh khi thổi. Vài ngày sau, bé K. khỏe hẳn và xuất viện.

đồ chơi 1

Cũng nhập bệnh viện nhi trong tình trạng ho, quấy khóc, liên tục đưa tay móc vào miệng, bé L.V.A, 2 tuổi, ngụ TP.HCM, được BS của BV. Tai Mũi Họng xác định có dị vật là búi tơ như lông tóc vướng trong đường thở. Tiến hành nội soi gắp dị vật, một búi nhỏ, xốp bằng hạt ngô do sợi những sợi lông bằng nilon kết thành. Theo lời kể của mẹ bé, bé A có “thói quen” dứt, gặm lông của mấy con thú nhồi bông chị mua để bé chơi và chèn bé khi ngủ. Trường hợp khác, cha mẹ bé Q., 3 tuổi (ngụ tại Tân An – Long An), đã phải một phen chết điếng khi phải đưa con nhập BV. Nhi Đồng 1 vì lỡ “quăng” mấy đồng tiền xu (được thối lại khi đi siêu thị) cho con chơi. Hậu quả là bé Q. nghịch bỏ tiền vào miệng và đồng xu “lạc chỗ” vào thực quản. Cũng may, do được phát hiện kịp thời, bé được đưa ngay vào BV cấp cứu và được nội soi gắp dị vật ra.

Không may mắn như các trường hợp trên, đã có trẻ bị tử vong do biến chứng của hóc dị vật từ đồ chơi. Thủ phạm gây ra cái chết thương tâm cho bé trai N.T.Đ. (2 tuổi, ngụ tại TP.HCM) chỉ là chiếc đinh vít bé xíu rơi ra từ đồ chơi có chiều dài 5mm và dày 6mm. Trước nhập viện ít ngày, khi chơi trong nhà, bé Đ. có biểu hiện ho sặc sụa. Dù người nhà phát hiện nhưng không chú ý vì cho rằng bé chỉ bị ho bình thường. Những ngày sau đó, bé có biểu hiện khó thở và mệt mỏi. Trong một lần ăn cháo, cháu bị ho sặc dẫn đến tím tái. Gia đình chuyển bé đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngưng tim ngưng thở, ngay lập tức bé được đặt nội khí quản trợ thở, tiến hành hồi sức tích cực. Tiến hành chụp X-quang, bác sĩ nhận thấy phế quản bên trái của bệnh nhi có chiếc đinh vít nhỏ nằm chắn ngang khiến phổi gần như bị xẹp hoàn toàn. Thời gian từ khi bé bị ho sặc lần cuối đến lúc nhập viện khá lâu nên bệnh nhi bị thiếu oxy nghiêm trọng dẫn đến chết não. Dù các bác sĩ đã tận tâm cứu chữa nhưng một ngày sau khi nhập viện cháu bé đã không qua khỏi.

Cẩn trọng lựa chọn đồ chơi cho trẻ

Những đồ chơi có nhiều chi tiết nhỏ, lại dễ bể, vỡ, tháo lắp… là nguyên nhân phổ biến của rất nhiều ca hóc dị vật ở bệnh nhi. Ngoài việc có thể hóc dị vật, trẻ cũng có thể nhiễm độc từ một số đồ chơi trôi nổi có chứa chì, các hóa chất độc hại từ chất liệu nhựa, nước sơn. Chúng sẽ đặc biệt nguy hiểm với những em bé có thói quen ngậm đồ chơi. “Tiêu biểu” cho loại này là những đồ chơi chứa pin, các loại bóng bay nhuộm phẩm màu, đồ nhựa tái chế. Tại BV. Nhi Đồng 2 đã cấp cứu nhiều ca nuốt pin gây ngạt đường thở; tổn thương đường tiêu hóa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên thị trường hiện có khá nhiều loại đồ chơi sử dụng pin và hầu như rất dễ tháo rời, rơi pin khi va đập hay trẻ tò mò cậy ra và… bỏ vô miệng. Thường gặp nhất là ở các loại pin tiểu nhỏ, pin nút. Trong khi đó, pin lại chứa rất nhiều chì, chất acid, nếu trẻ bị hóc lâu và pin phân hủy thì sẽ rất nguy hiểm.

Theo ThS.BS. Bùi Nguyễn Đoan Thư – Khoa Hô hấp chuyên sâu BV. Nhi Đồng 2, đối với trẻ nhỏ, đồ chơi nhiều màu sắc là một yếu tố thu hút các bé ngậm đồ chơi hoặc bỏ đồ chơi vào miệng. Trong khi trẻ nhỏ kể từ thời điểm mọc răng thường cắn, gặm đồ chơi. Do đó, cần hết sức cẩn thận và các bậc cha mẹ nên cố gắng cùng chơi chung với trẻ để vừa hướng dẫ trẻ chơi, vừa phòng ngừa các tai nạn. Để phòng tránh hiểm họa từ đồ chơi, các BS khuyên tốt nhất phụ huynh nên chọn cho trẻ đồ chơi có nguồn gốc rõ ràng, nguyên liệu dùng làm đồ chơi không gây độc hại, hình dạng không góc cạnh và không nên có những bộ phận tách rời khiến bé dễ nuốt vào và bị hóc sặc, đồ chơi phải đảm bảo vệ sinh, cấu tạo chắc chắn, an toàn, dễ rửa sạch; đồ chơi có ghi chú lứa tuổi phù hợp, không cho trẻ chơi với những dụng cụ sinh hoạt gia đình có nhiều chi tiết nhỏ; riêng đồ chơi dùng pin thì nên chọn loại có hộc pin được gắn chặt. Song song đó, cần chú ý hơn tới sức khỏe con em mình, không nên chủ quan khi thấy con trẻ bị ho sặc và nên biết cách xử lý khi trẻ hóc dị vật và đưa trẻ tới cơ sở y tế kịp thời để được xử lý và điều trị.

 

Sức Khoẻ & Đời Sống

Trang Nhà