Sức Khoẻ và Đời Sống Dùng thuốc qua mũi có hại không? | ||||||
Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức | ||||||
Có thể dùng đường mũi để đưa thuốc vào cơ thể với hai mục tiêu: trị bệnh tại chỗ (local) và trị bệnh toàn thân (systemic). Trong đó bao gồm cả một số loại vaccin chủng ngừa (thay vì phải dùng đường tiêm), thậm chí là các vitamin. Tác dụng trị liệu tại chỗ được dùng cho các loại thuốc như thuốc trị nghẹt mũi, dị ứng... Còn trị liệu toàn thân được dùng cho các loại thuốc như trị hen suyễn (có thuốc symbicort turbuhaler), thuốc trị nhức nửa đầu (migraine, thiên đầu thống, có thuốc imigran nasal spray)... và để chủng ngừa thì có trường hợp dùng vaccin ngừa cúm (thuốc flu-mist). Ngay cả vitamin, đã có thuốc vitamin B12 dùng qua đường mũi (nascobal).
Một số ưu điểm Thuốc hấp thu qua niêm mạc mũi, không bị chuyển hóa như qua đường tiêu hóa. Thuốc uống (thuốc viên, thuốc nước) khi uống đều phải qua giai đoạn chuyển hóa ở gan và bị phân hủy bởi tác động của nhiều loại men chuyển hóa. Ví dụ, các loại thuốc như desmopressin trị đái tháo nhạt, đái dầm được bào chế dưới dạng bơm, xịt vào mũi để tránh bị phân hủy khi đi qua đường tiêu hóa hoặc thuốc sumatriptan trị nhức đầu kiểu “migraine” dùng cách đưa qua đường mũi vừa cho tác động nhanh hơn vừa tránh bị phản ứng gây nôn khi uống thuốc dưới dạng viên. Những giới hạn và tác hại Những loại thuốc phải dùng thường xuyên và đưa vào cơ thể nhiều lần trong ngày không thích hợp với đường mũi vì có thể gây hại cho tế bào màng mũi khi dùng liên tục. Hơn nữa, dùng thuốc qua đường này khó kiểm soát chính xác số lượng thuốc được hấp thu qua đường mũi. Vì thế, bệnh nhân dùng thuốc qua đường mũi phải được hướng dẫn tỉ mỉ cách bơm xịt và hít thở đúng để thuốc (đặc biệt là thuốc trị suyễn, COPD) không bị thất thoát. Cần lưu ý, thuốc dùng qua mũi vẫn có thể gây ngộ độc, đặc biệt là trẻ em nếu dùng thuốc không đúng. Ví dụ, dầu gió, cao xoa (còn gọi là dầu cù là) rất thông dụng và để có tác dụng thông mũi, sát trùng đường hô hấp và giảm đau thì trong dầu gió hay cao xoa chứa nhiều loại tinh dầu bay hơi như: tinh dầu bạc hà (menthol), tinh dầu long não (camphor), đặc biệt, một số dầu xoa có chứa thêm methyl salicylat, tinh dầu bạch đàn (tinh dầu khuynh diệp), tinh dầu thông... Đã có nhiều thông tin báo cáo trẻ sơ sinh bị ngộ độc vì bà mẹ dùng dầu gió xức cho mình và làm dầu này dính trên mũi của trẻ. Nguyên nhân là do menthol, camphor có tác dụng kích ứng hô hấp trẻ sơ sinh, khi trẻ hít phải các chất này sẽ làm trẻ ngưng thở do suy hô hấp. Phụ nữ cho con bú cũng tránh không nên dùng thuốc thoa có chứa methyl salicylat vì thuốc có thể dính ở đầu vú, trẻ ngậm vú sẽ nuốt phải methyl salicylat và ngộ độc. Vì vậy, không nên dùng dầu gió, cao xoa, thuốc thoa có chứa tinh dầu cho trẻ sơ sinh, phụ nữ cho con bú. Một loại thuốc dùng qua mũi là thuốc nhỏ mũi có tác dụng co mạch chống sung huyết nhằm trị nghẹt mũi, sổ mũi có thể trở thành tai họa cho trẻ nhỏ. Khi thời tiết thay đổi, trẻ em dễ bị nghẹt mũi, sổ mũi, làm cho trẻ bỏ bú, bỏ ăn, gây lo lắng cho các bậc phụ huynh. Một số cha mẹ tự mua thuốc nhỏ mũi co mạch nhỏ cho trẻ và có trường hợp trẻ bị ngộ độc. Từ năm 1985 - 2012, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã xác định có 96 trường hợp trẻ em ở Mỹ từ 1 tháng đến 5 tuổi bị ngộ độc vì các chế phẩm chứa chất co mạch là naphazolin. Còn ở nước ta trong thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh đã cấp cứu cho một số trẻ nhũ nhi bị thở yếu, tay chân lạnh, tím tái vì được cho nhỏ mũi thuốc có chứa naphazolin. Ta cần biết, bị sổ mũi, nghẹt mũi là do ở niêm mạc mũi bị rối loạn như bị dị ứng gây giãn mạch, tiết dịch và có hiện tượng sung huyết. Vì thế, khi dùng thuốc nhỏ mũi có chứa dược chất có tác dụng cường giao cảm thần kinh (hay trực giao cảm thần kinh) như naphazolin (nasoline, rhinex 0,05%), oxymetazolin, xylometazolin... làm cho co mạch và giảm sung huyết ở niêm mạc mũi, làm nước mũi hết chảy ràn rụa. Đối với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi, tác dụng gây co mạch của thuốc không chỉ khu trú ở niêm mạc mũi mà gây co mạch toàn thân, tức co mạch ở cả tim, gan, thận... đưa đến tai biến gây tím tái, vã mồ hôi, choáng, phải được cấp cứu tại bệnh viện. Vì vậy, đối với trẻ dưới 8 tuổi, tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mũi chứa dược chất làm co mạch, chống sung huyết để nhỏ mũi. Cũng vì tác dụng cường giao cảm thần kinh gây co mạch mà người lớn là bệnh nhân bị bệnh tăng huyết áp, tim mạch, cường giáp hay phụ nữ có thai và cho con bú phải rất thận trọng, chỉ nên dùng thuốc nhỏ mũi loại này khi được bác sĩ chỉ định, không nên tự ý sử dụng bừa bãi. Đặc biệt, thuốc nhỏ mũi co mạch chống sung huyết dùng lâu dài có thể gây hiện tượng “bật lại” (rebound) tức lúc đầu làm hết sổ mũi, nghẹt mũi nhưng sau đó gây nghẹt mũi trở lại, làm viêm mạn tính niêm mạc mũi rất khó trị. Như vậy, chính thuốc nhỏ mũi loại này gây ra một loại bệnh gọi là “bệnh viêm mũi do thuốc” mà việc điều trị bệnh này rất khó khăn. Vì vậy, có khuyến cáo không dùng thuốc nhỏ mũi co mạch, chống sung huyết quá 5 ngày. Trẻ nhỏ, trẻ nhũ nhi, phụ nữ có thai hoặc người lớn cần nhỏ mũi thường xuyên nên dùng dung dịch natri clorid 0,9%, còn gọi là dung dịch “nước muối sinh lý” để nhỏ. | ||||||