Sức Khoẻ và Đời Sống Nguy hiểm tiềm tàng của thuốc chống loãng xương |
|
TS.BS. Hoàng Xuân Bao-skđs |
|
Gần đây, việc dùng các loại thuốc được cho là có tác dụng phòng và điều trị chứng loãng xương (osteopenia) đang bùng phát trên toàn cầu. Ở nước ta, số người dùng các thuốc này cũng ngày càng nhiều, trong khi họ rất ít được giải thích và thông tin về tác dụng thật sự cũng như những nguy hiểm tiềm tàng do việc lạm dụng thuốc có thể gây ra. Vì sao các thuốc phòng, chống loãng xương bị lạm dụng? Một trong những nguyên nhân chính làm nhiều bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân các loại thuốc phòng và chống loãng xương là việc coi hiện tượng giảm dần chất canxi trong xương cùng với tuổi tác ở mỗi người bình thường thành một bệnh lý. Tương tự như việc một số bác sĩ và các hãng dược phẩm coi chu kỳ kinh nguyệt, thai nghén và sinh sản của phụ nữ ngày nay như một bệnh lý và luôn tìm cách can thiệp bằng các loại thuốc, phẫu thuật, thử nghiệm… nhiều khi các biện pháp này là không cần thiết và gây hại nhiều hơn là có lợi. Một điều chúng ta cần ý thức là: hiện tượng loãng xương có thể làm tăng khả năng gãy xương nhưng cũng có thể không. Nhiều tình huống và bệnh lý khác có nguy cơ gây gãy xương cho người lớn tuổi mà không liên quan gì đến loãng xương như: kém thị lực, bị hội chứng kích thích bàng quang dẫn đến phải đi tiểu nhiều, điều kiện ăn ở đi lại, chăm sóc…
Tác dụng thực của thuốc chống loãng xương Nhóm dược phẩm phổ biến và được chỉ định nhiều nhất cho người bị chẩn đoán loãng xương do tuổi tác, bệnh tật (các bệnh ung thư) và cả thuốc men (chủ yếu là corticosteroid) là bisphosphonate với các biệt dược nổi tiếng như fosamax, actonel, reclast, boniva. Đôi khi liệu pháp nội tiết tố estrogen, các dược phẩm có khả năng kích thích cảm thụ quan của estrogen hoặc SERMs như evista hoặc thuốc kích thích tăng sản của xương như forteo cũng được chỉ định. Trong khi các thuốc này đã được chấp nhận vì có khả năng làm tăng nồng độ chất canxi trong xương thì một số nhà nghiên cứu đã đưa ra câu hỏi mà hiện nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác: Liệu các thuốc này có làm xương chắc và ít gãy hơn không? Theo các nghiên cứu của họ, đại bộ phận các thuốc này chỉ ngăn cản sự đào thải của các khối canxi đã không còn liên kết với xương chứ không làm được việc tăng sức khỏe và sự hàn gắn của canxi vào các mô xương. Và những nguy cơ Sau một thời gian sử dụng các thuốc phòng loãng xương, đặc biệt là nhóm bisohosphonate, người bệnh đã nhận thấy và báo cáo các tác dụng phụ là khá phổ biến và trong rất nhiều trường hợp. Đặc biệt, một số tác dụng phụ rất nguy hiểm có thể xảy ra như loét và thủng thực quản, dạ dày, ruột. Một nguy hiểm tiềm tàng khác của fosamax đã được các nha sĩ phát hiện là khả năng gây hoại tử xương hàm và có thể dẫn đến tàn phế, thậm chí cả tử vong cho người sử dụng thuốc. Fosamax cùng hai dược phẩm aredia và zometa đã bị buộc phải dán nhãn đen để cảnh báo về tác dụng phụ nguy hiểm này. Hai nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine còn cho thấy, fosamax đã làm tăng các trường hợp bị loạn nhịp tim và rung nhĩ ở phụ nữ lên tới 50%. Ngoài ra, một số hậu quả ít nguy hiểm có thể xảy ra và làm ảnh hưởng không tốt tới chất lượng cuộc sống của người dùng thuốc đó là: ợ chua, đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, trào axít thực quản, táo bón và nhiều rối loạn tiêu hoá khác. Các thuốc tác dụng qua estrogen và cảm thụ quan của nội tiết tố này cần được theo dõi và nghiên cứu kỹ hơn nhiều trước khi có thể khẳng định về hiệu quả và độ an toàn. Sử dụng lâu dài các chất can thiệp vào các nội tiết tố và cảm thụ quan của nó đã dẫn tới nhiều biến chứng không có lợi cho sức khoẻ và cả những bệnh tật nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch… tương tự như các biến chứng xảy ra cho phụ nữ được chỉ định liệu pháp estrogen cho hội chứng tiền mãn kinh. Forteo là thuốc duy nhất có khả năng làm tăng trưởng mô xương và có thể làm chắc xương, nhưng các nghiên cứu đã cho thấy nó còn có thể kích thích sự hình thành tế bào ung thư xương. Làm gì để phòng và trị loãng xương? Một chế độ dinh dưỡng có nhiều rau quả tươi để cung cấp đầy đủ cho cơ thể khoáng chất magie, canxi, vitamin K, glycine đã được chứng minh trên các nghiên cứu cơ bản và dịch tễ là có tác dụng tích cực cho việc phòng chống loãng xương. Tập luyện ít nhất 2 lần/tuần và tiếp xúc điều độ với ánh nắng mặt trời để có đủ vitamin D cũng giúp xương không bị mất tế bào và đỡ bị gãy xương. Những người có thị lực kém, người phải đi tiểu nhiều do hội chứng kích thích bàng quang cần được chăm sóc và hết sức cẩn thận để không bị ngã trong sinh hoạt hàng ngày. Tránh tình trạng khi có biểu hiện loãng xương trên trắc nghiệm DEXA là phải dùng thuốc để phòng hoặc điều trị lâu dài chỉ vì các thuốc này được chấp nhận ở nước này, nước kia. |
|