Sức Khoẻ và Đời Sống


Món ăn tăng sức đề kháng

Theo Lương y Đinh Công Bảy (Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM)

- Người lao động

Thời tiết thay đổi đột ngột thường làm cho sức đề kháng giảm sút khiến chúng ta dễ mắc bệnh.

Những món ăn sau đây có tác dụng tốt trong việc tăng sức đề kháng. Cụ thể:

- Canh đậu, ý dĩ: Nguyên liệu gồm đậu phộng (50 g), hạt ý dĩ (bo bo, 50 g), đậu đỏ (50 g), táo tàu (30 g). Tất cả rửa sạch, nấu với 1 lít nước, đến khi đậu đỏ và ý dĩ chín mềm là được. Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng. Món này ngoài tăng sức đề kháng của cơ thể còn có tác dụng bổ tì, an thần, trừ thấp.

- Canh bí đỏ, thịt heo: Nấu thịt heo (150 g hoặc sườn heo 200 g, làm sạch, ướp gia vị trước) với lượng nước thích hợp. Thịt chín cho bí đỏ (200 g gọt vỏ, xắt miếng) và đậu phộng (100 g rửa sạch, giã dập) vào.

Nấu tiếp đến khi bí chín mềm, nêm nếm gia vị vừa ăn là được. Dùng ăn nóng trong bữa cơm. Món ăn này ngoài tăng cường sức đề kháng còn tác dụng bồi bổ tì thận, thích hợp với người suy nhược cơ thể hoặc ăn uống kém; ngoài ra, còn có tác dụng phòng chống bệnh của tạng tì và tạng thận.

- Cháo cá diếc: Cá diếc (250 g) làm sạch vảy, bỏ nội tạng, nấu với gạo nếp (60 g) thành cháo, thêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn nóng lúc đói bụng. Món này rất bổ tì, ích khí, trừ phong thấp đau nhức.

- Đuôi heo hầm củ sen: Củ sen (300 g) gọt sạch vỏ, rửa sạch, cắt khúc ngắn, đập cho hơi dập;  đuôi heo (cả xương, 600 g) cạo sạch lông, chặt thành miếng vừa dùng, rửa sạch rồi cho vào soong nước lạnh với 1 muỗng cà phê muối và đầu hành (rửa sạch, đập dập) đun sôi, vớt bọt, để lửa nhỏ cho sôi liu riu. Hầm khoảng một giờ thì cho củ sen và hành tím (5 củ nướng chín, bóc vỏ) cùng 2 muỗng canh nước mắm và 1 muỗng cà phê đường.

Hầm thêm một giờ nữa cho củ sen mềm là được, nêm nếm vừa ăn. Khi ăn, rắc thêm hành lá, rau ngò và ít tiêu, ăn nóng khi đói bụng. Món này rất tốt cho người thận suy, tinh lực yếu, đau lưng mỏi gối, mất ngủ, gân cốt không có sức. Phụ nữ dùng món này sẽ giúp điều hòa khí huyết, sắc mặt hồng hào, da mịn màng, trắng đẹp, chống nhăn da, nứt da, lão hóa da.

- Đuôi heo hầm đậu đen: Đuôi heo (500 g) làm sạch, cắt khúc hầm với đậu đen (50 g, đã ngâm mềm). Nêm nếm muối, tiêu, đường, nước mắm vừa ăn. Dùng ăn vào lúc đói bụng. Món này bổ thận, ích tinh, dưỡng huyết, trừ phong thấp, chữa đau lưng mỏi gối, suy nhược sinh dục, phụ nữ lãnh cảm, da dẻ không tươi nhuận.

 

Vừa tăng cường sinh lực vừa đen râu, tóc

Đó là món đuôi heo hầm đậu phộng. Cách làm như sau:

Cho một lượng nước vừa đủ vào nồi đất, nấu thật sôi rồi thả đuôi heo (1 cái làm sạch, cắt khúc), đậu phộng (50 g), hạt óc chó (10 hạt), vỏ quýt (4 g) vào nồi, đậy kín nắp, nấu sôi rồi giảm bớt lửa. Hầm khoảng 3 giờ, nêm vừa ăn. Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng.

Món này bổ thận, ích tinh, kiện tì, ích khí, bổ tủy, tăng cường sinh lực, làm đen râu, tóc, giúp da mịn màng, hồng hào.