Sức Khoẻ và Đời Sống


7 chế độ ăn uống lành mạnh trong mùa hè

Theo Afamily

Mùa hè là cơ hội để các bệnh truyền nhiễm và ngộ độc thực phẩm gia tăng, để đảm bảo sức khỏe cho thành viên trong gia đình, chị em cần chú ý đến chế độ ăn uống lành mạnh.

1. Lượng protein vừa đủ:

Trong thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao cần đảm bảo cung cấp lượng protein vừa đủ bởi sự phân giải protein trong cơ thể gia tăng khiến nhu cầu tiểu tiện nhiều hơn dẫn tới sự cân bằng nitơ âm tính. Không nên cung cấp quá nhiều protein tránh gia tăng gánh nặng cho thận. Protein chiếm 50% thành phần dinh dưỡng trong thịt, cá, trứng, sữa và đậu vì vậy không nên ăn quá nhiều các loại thực phẩm trên.

2. Ăn nhiều trái cây và rau quả:

Cung cấp đầy đủ vitamin bị mất đi do toát mồ hôi và mất nước, đặc biệt cần bổ sung lượng vitamin C cao gấp hai lần so với bình thường và vitamin B là hết sức cần thiết. Hoa quả giàu vitamin C như cà chua, dưa hấu, mơ, mận và đào. Vitamin B có trong ngũ cốc, đậu, gan động vật, thịt và trứng.

3. Bổ sung nước và muối khi cơ thể ra quá nhiều mồ hôi và nhiệt độ cơ thể cao:

Khi cơ thể mất nước hoặc ra nhiều mồ hôi còn làm mất đi natri, kali và các nguyên tố khác. Thiếu natri còn làm tình trạng mất nước nghiêm trọng hơn. Bạn có thể bổ sung nước và muối bằng cách uống các loại canh rau, canh thịt , canh cá… Uống một chút nước canh trước bữa ăn có thể tăng cảm giác thèm ăn và ăn ngon miệng hơn. Với người bị ra mồ hôi nhiều nên bổ sung lượng nước muối thích hợp giữa hai bữa ăn để giữ nước cho cơ thể. Một số loại hoa quả và rau củ có chứa lượng kali cao nên được bổ sung như rau cần tây, đậu, nấm, khoai tây, rong biển, lạc, cam và táo.

4. Ăn thực phẩm thanh đạm, giải nhiệt:

Trong mùa hè nên ăn các loại quả như dưa hấu, lê, đào, dâu tây, cà chua, đậu xanh, dưa chuột… Tăng cường các loại gia vị như gừng, tỏi, dấm giúp ăn ngon miệng hơn; thực phẩm nhuận tràng như bầu, bí, rau thơm, gừng, ngó sen, lúa mạch, khoai lang cũng nên được bổ sung nếu có thể.

5. Ăn ít dầu mỡ:

Mùa hè nhiệt độ thường cao, dễ đổ mồ hôi, chức năng tiêu hóa yếu hơn, thiếu ngủ và thói quen ăn đồ lạnh, thức ăn giàu mỡ là các yếu tố gia tăng gánh nặng cho dạ dày, ảnh hưởng quá trình tiêu hóa. Vì vậy, bạn nên ăn chế độ ăn thanh đạm, ít dầu mỡ. Nên ăn cháo vào buổi sáng và tối khiến cơ thể giải nhiệt và bổ sung dinh dưỡng cần thiết. Một số loại cháo bổ dưỡng như cháo đỗ xanh, cháo hạt sen, cháo trứng rất tốt cho sức khỏe.

6. Không ăn đồ ăn lạnh:

Dù mùa hè nóng nực oi bức nhưng không nên ăn nhiều đồ ăn lạnh như đồ uống lạnh, kem , bia lạnh hoa quả. Ví dụ không nên ăn dưa hấu ngay sau khi được lấy ra từ từ lạnh, bạn nên để ra ngoài khoảng 5-10. Thực phẩm lạnh khiến mạch máu đường tiêu hóa bị co lại đột ngột gây rối loạn, co thắt đường tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy và cản trở khả năng tiêu hóa thức ăn. Những bệnh nhân mãn tính không nên sử dụng thường xuyên đồ ăn lạnh. Mùa hè không nên ăn quá no, đặc biệt vào bữa tối. Người cao tuổi và trẻ em hệ tiêu hóa thường kém hơn vào mùa hè nên không nên ăn quá no tránh khó tiêu, đau dạ dày…

7. Chú ý vệ sinh thực phẩm:

Mùa hè là mùa bệnh truyền nhiễm qua đường ruột và ngộ độc thực phẩm tăng cao, vì vậy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần được đề cao, rau quả tươi và trái cây nên được rửa sạch và khử trùng trước khi sử dụng. Không ăn thức ăn thừa qua đêm mà không được bảo quản, không uống nước lã, thức ăn ôi thiu. Đồ dùng trong gia đình như bát đũa, thớt, dao cần được rửa sạch và phơi khô dưới nắng, dội nước sôi khi sử dụng để đảm bảo vệ sinh và ngăn ngừa bệnh.