Hỏi 86:

Ông xã tôi mỗi lần đi ăn phở buổi sáng thường hay bị nấc cụt, nhất là khi ông ta ăn nhiều ớt cay. Tại sao vậy, bác sĩ nhỉ?Ông nhà tôi rất khỏe mạnh.

Cô Vinh-Arlington


Đáp:

Chào cô

Thực là phiền toái khi đang ăn tô phở ngon mà lại bị một tràng nấc cục quấy rầy, khiến cho ăn mất ngon. Tô phở nóng hổi thơm tho mà bị bỏ dở nửa chừng thì tô phở cũng buồn. Mà mình lại hãy còn đói. Chúng tôi thông cảm với phu quân của cô. Vậy thì xin cùng tìm hiểu xem tại sao lại có nấc cục và làm sao cho nó hết.

Nấc cục, tiếng Anh gọi là Hiccup mà tiếng Pháp là Hoqueter. Đây là bật hơi từ cuống họng ra thành tiếng ngắt quãng khi  hoành cách mô chuyển động.

Nấc gồm hai động tác xẩy ra cùng một lúc: Hoành cách mô đột nhiên co và hạ thấp xuống khiến cho ta phải hít thêm không khí vào để cân bằng áp xuất. Cùng lúc đó bộ phận thanh môn (Glottis) ở cuống họng đậy lại, chặn sự lưu thông của không khí, tạo ra âm thanh của tiếng nấc. Động tác đó liên tục xẩy ra làm ta nấc cách quãng đến mươi phút mới hết và tạo ra một tràng nấc cụt ngắn.

Nấc cục thường thường không trầm trọng, kéo dài vài phút rồi tự hết. Đôi khi nấc cục tiếp tục cả vài tiếng đồng hồ rồi tái phát và thường là do một bệnh nào đó trong cơ thể. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ baby tới các cụ cao niên và thường thấy ở nam giới nhiều hơn là ở nữ giới.

Nguyên nhân

Có nhiều lý do khiến hoành cách mô co như là:

- Ta ăn nhanh , nuốt thực phẩm không kịp thở, không khí theo thức ăn vào cuống họng.

-Ăn quá no, uống quá nhiều khiến cho hoành cách mô bị kích thích, co lại và nấc cụt xảy ra.

-Uống rượu mạnh, nước có nhiều gas, thực phẩm nhiều chất béo.

-Ăn thực phẩm có nhiều chất cay chua.

-Khi trải qua một xúc động thần kinh vui buồn, căng thẳng.

-Nấc cụt trong bệnh tai biến động mạch não, u bướu hoặc viêm não, bệnh thận suy. Trong thận suy, chất ure trong máu lên cao, kích thích hoành cách mô, đưa tới nấc cụt.

-Tác dụng phụ của một vài loại dược phẩm như thuốc an thần, chất nicotine, thuốc trị bệnh Parkinson như levodopa.

-Khi hít phải những hơi khói độc hại.

-Baby nấc cụt khi khóc lâu hoặc ho.

Khi nào cần đi bác sĩ

-Đi bác sĩ khi nào nấc cụt kéo dài trên 3 giờ và gây ra trở ngại cho việc ăn uống, ngủ nghỉ hoặc nấc cục kèm theo nóng sốt, đau bung, ói mửa…

Điều trị theo mẹo

Có nhiều cách để  chấm dứt nấc cụt mà mục đích là để làm gián đoạn diễn tiến sự nấc.

a-Nín thở một lúc, cho tới khi hết nấc cục

b-Uống một hơi hết ly nước lạnh 

c-Ngậm một thìa đường, một ít nước đá cục rồi nuốt từ từ nhiều khi cũng có công hiệu.

d-Một cách khác là hít thở vào một cái túi giấy trong ít phút.

đ-Có người lại bảo cứ lấy cái lông gà ngoáy vào lỗ mũi cho tới khi hắt hơi là hết nấc hoặc lấy ngón tay ngoáy ngoáy vào lỗ tai.

e-Nếu nấc vì rượu thì ăn vài miếng vỏ chanh tươi.

g-Ngày xưa, thiên hạ tin rằng khi nấc cụt cứ cầu nguyện ông Thánh Jude là hết.

h-Nhờ người nào đó hù dọa làm cho mình giật mình

i- Tập trung kể tên 10 người hói đầu mà mình biết, để không để ý tới nấc cụt.

k-Để một thìa đường hoặc mật ong vào lưỡi

Nếu nấc cụt kéo dài, không hết sau những mẹo trên thì nên đi bác sĩ. Như đã nói ở trên, một vài bệnh như viêm gan, bệnh bao tử, ruột hay bệnh của bọng đái đều có triệu chứng nấc cụt. Bác sĩ có thể cho thuốc loại Thorazine hoặc Phenyltoin. Đôi khi, gây tê liệt hoặc cắt bỏ giây thần kinh điều khiển co dãn của hoàng cách mộ cũng được thực hiện khi nấc cụt quá trầm trọng.

Tiện đây, xin nói qua về nấc cụt ở trẻ em.

Thai nhi trong bụng mẹ vào quý 2 của thai kỳ thường hay nấc cụt nhiều lần trong ngày mà bà mẹ có thể cảm thấy. Đây là hiện tượng tự nhiên, không nguy hiểm và tái diễn đều đặn cho tới khi bé chào đời.

Baby thường nấc cụt khi bú sữa lại nuốt nhiều không khí. Khi bé lớn hơn, nấc cụt là do ăn quá no, uống nhiều nước có gas hoặc quá háo hức, đôi khi do trào ngược thực quản.

Nấc ở trẻ em ít khi gây ra do bệnh của cơ thể, và thường thường không nguy hại, tự hết. Nếu bé đang ăn mà nấc cụt, bảo bé nhả thức ăn khỏi miệng, chờ hết nấc cụt hãy ăn tiếp.

Cũng có thể cho bé uống một chút nước, làm một động tác nào đó khiến cho bé giựt hoặc cho bé ngậm tý sữa.

Nếu bé đau bụng, phẩn có máu, đưa bé đi bác sĩ.

Về trường hợp của ông xã, như cô nói, ông ấy có sức khỏe tốt, cho nên tôi nghĩ là ổng ăn nhiều ớt, lại sì sụp thưởng thức phở nóng đang ngon, cho nên bị nấc cụt. Lần sau, khi đi ăn với nhau, nên nhắc ông ấy cứ từ từ mà thưởng thức món ăn và giảm bớt gia vị cay chua.

Để enjoy thực phẩm.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


GHI CÂU HỎI