Thưa ông bà,
Xin chúc mừng ông bà
ở tuổi này còn nuôi ý định đi thăm các cháu ở xa bằng phương tiện chuyên
trở nhanh chóng và tương đối an toàn. Nói là tương đối an toàn, vì ở
tuổi cao cũng cáo một số rủi ro có thể xẩy ra. Vì quý vị cao niên ta
thường có một số bệnh lâu ngày như phong thấp, cao huyết áp, nhiếp hộ
tuyến sưng, khiếm khuyết thính thị giác nên nhiều khi e ngại khi định di
chuyển bằng máy bay.Thấy được vấn đề đó, nên tại Mỹ, năm 1986 đạo luật
Air Carrier Access đã được ban hành, Bộ Giao Thông Vận Tải được lệnh ra
những quy luật nhằm bảo vệ, giúp đỡ người cao tuổi, người có bệnh, khi
họ sử dụng đường hàng không. Tại Việt Nam ta cũng có những quy định
tương tự.
Khi có
bệnh, ta nên hỏi ý kiến bác sĩ trước, coi xem có an toàn hay không khi
đi bằng phi cơ. Thường thường, bị nhồi máu cơ tim, không có biến chứng
thì ba tuần sau khi lành bệnh, có thể bay được. Huyết áp cao, không kiểm
soát được thì nên tránh bay.
Bị tiểu đường, nhất
là loại 1, phụ thuộc vào thuốc Insulin, và di chuyển qua nhiều múi giờ,
thì nên cẩn thận. Mang Insulin nhiều hơn nhu cầu một chút, giữ trong tủ
lạnh, với kim chích, máy thử đường, ít viên kẹo. Tới nơi, điều chỉnh lại
giờ ăn cơm, giờ dùng thuốc, phân lượng Insulin tùy theo lượng đường
trong máu. Kinh nghiệm nhắc ta cho dễ nhớ là khi di chuyển về hướng Đông,
ngày ngắn đi thì số lượng Insulin cần cũng ít đi. Còn đi về phương Tây
thì ngày dài, Insulin cần tăng chút đỉnh. Nhưng nhớ đo đường huyết theo
lịch trình định sẵn.
Nhiều vị bị giãn nở
tĩnh mạch hạ chi, ngồi lâu trong máy bay chật hẹp, không cử động, lại
bắt chân chữ ngũ, khiến máu lưu thông bị trở ngại.Tất cả có thể gây ra
biến chứng máu đóng cục ở tĩnh mạch ngầm. Để tránh, ta nên mang tất đàn
hồi, lâu lâu đứng lên làm vài vòng bách bộ trong lòng máy bay, hay cử
động chân tay tại chỗ.
Nếu mắc chứng kinh
phong, nên tăng thuốc một chút để tránh lên cơn bất tử.
Bị bệnh tâm trí, nên
uống viên thuốc an thần, cữ rượu.
Khi bị bệnh thiếu máu
(anemia ) nặng, nên trì hoãn bay để điều trị vì đôi khi cần thêm dưỡng
khí để thở.
Mới giải phẫu ghép
nối động mạch tim mà không có biến chứng, cũng nên đợi hai tuần lễ cho
an toàn. Các giải phẫu khác ở bụng, ngực ... nên đợi lành hẳn vết mổ,
không biến chứng, đại tiểu tiện thông suốt, trước khi bay.
Nếu phu nhân lại đang
“lão bạng sinh châu”, thì nên cẩn thận. Một vài hãng máy bay yêu cầu có
giấy chứng nhận của bác sĩ là ngày khai hoa nở nhụy không xẩy ra trong
vòng 4 tuần, khi bay ngoại địa. Còn nội địa thì 7 ngày trước khi sanh
vẫn được bay. Lý do chính là họ ngại sanh đẻ trên máy bay, rắc rối, chứ
việc bay không có ảnh hưởng xấu gì cho thai mẫu, thai nhi.
Chúng tôi cũng xin
thưa thêm là trên mỗi máy bay, đều có một hộp cấp cứu y tế. Trong hộp có
máy đo huyết áp, ống nghe khám bệnh, vài ống chích và kim chích thuốc,
một cặp bao tay cao su. Về thuốc thì có 50ml nước biển dextrose chích,
10 viên Nitroglycerin cho bệnh đau nhói tim (angina), hai ống Benadryl,
2 ống Epinephrine 1:1000 cấp cứu dị ứng. Trong thời gian bay, hộp cấp
cứu chỉ được mở khi được bác sĩ, hiện diện trên máy bay hoặc từ bản
doanh công ty hàng không cho phép. Dưỡng khí cũng được dự trữ trên máy
bay cho trường hợp khẩn cấp.
Trên đây là mấy nét
chính. Chúng tôi đề nghị ông bà nên hỏi ý kiến bác sĩ của mình trước khi
quyết định mua vé máy bay.
Chúc ông bà thượng lộ
bình an.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức