Hỏi 64:
Thưa bác sĩ. Bác sĩ vui lòng giải thích cho độc giả về hậu quả của bệnh Mập Phì và cách giảm cân. Cảm ơn bác sĩ.

 (N.D. Long).


Đáp:

Mập phì hiện nay là mối e ngại của nhiều người trên thế giới. E ngại vì mập quá sẽ có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Do đó, JoAnn Manson, một nhà chuyên môn về Dịch Tễ học tại Đại học Harvard có ý kiến là “Dù chỉ béo mập vừa phải cũng đưa tới nguy cơ sớm tử vong ”.

 Người mập phì thường hay mau mệt, hụt hơi thở, thiếu sức sống, đau nhức xương thịt. Họ cũng hay bị bệnh tiêu hóa, bệnh tim, bệnh tiểu đường, xơ gan, sưng phổi, viêm túi mật, giãn tĩnh mạch, cao huyết áp, lâu lành vết thương, thống phong,  hiếm muộn, giảm khả năng đề kháng với bệnh tật...

Mập phì cũng tăng nguy cơ ung thư vú, tử cung, nhiếp tuyến, ruột già, thực quản. Riêng nguy cơ ung thư vú tăng rất cao ở phụ nữ tăng cân vào tuổi đôi mươi và vào thời kỳ mãn kinh.

 Trong thực tế,  không có bất cứ loại thần được hay phương thức thần kỳ có thể giảm cân tức khắc như rất nhiều quảng cáo thường được nghe và đọc.

Mặt khác, có những giới hạn không thể vượt qua. Chẳng hạn, nhiều người muốn giảm cân trở lại như thuở thanh xuân học sinh, sinh viên. Đây là một ảo tưởng chẳng bao giờ có thể thực hiện được. Dù lá áp dụng bất cứ phương pháp giảm cân nào, chỉ cần mỗi tuần giảm được 1kg hoặc 2 đơn vị BMI cũng đã mang lại rất nhiều ích lợi cho sức khỏe. Hơn nữa, việc giảm cân cũng  cần phải có thời gian để đạt được mục đích.

Trước khi quyết định giảm cân cần phải hỏi ý kiến bác sĩ  và quan  trọng hơn cả là phải tìm ra các nguyên nhân gây béo phì.

Mỗi người có một cơ thể khác nhau, cách mập khác nhau, cho nên muốn giảm cân cũng phải có một chương trình, kế hoạch riêng.

Vì thế, việc trước tiên không phải là muốn giảm bao nhiêu trọng lượng cơ thể, mà phải lập ra một chương trình hành động toàn diện bao gồm: chế độ ăn uống lành mạnh, vận động cơ thể đều đặn và lâu dài, thay đổi các thói quen xấu và lưu tâm tới các nguy cơ do mập béo gây ra.

 Các biện pháp cụ thể để giảm cân được trình bầy sau đây:

1-Giới hạn năng lượng tiêu thụ

a-Để giảm cân, việc đầu tiên là phải giảm số năng lượng từ thực phẩm mang vào cơ thể, nhưng vẫn có đầy đủ chất dinh dưỡng. Một trong nhiều mục đích là để cơ thể phải lấy năng lượng từ mỡ béo tích tụ ở vùng mông, vùng bụng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Trung bình mỗi ngày chỉ nên tiêu thụ từ 1200-2000 Kcalories, tùy theo mức độ hoạt động

b-Nên ăn nhiều loại hạt ngũ cốc, trái cây, rau ... là những thứ không có hoặc có rất ít chất béo và năng lượng. Nhiều người khuyên nên ăn vừa phải tinh bột Carbohydrat, khá đủ đạm, thêm một ít chất xơ để bụng mau no và thức ăn chậm ra khỏi bao tử.

c-Về chất béo, thì cố gắng không quá 30% tổng số năng lượng một ngày, từ 20 dến 25% là tốt nhất.

Chẳng hạn như về sữa. Thay vì dùng một ly 240 phân khối sữa nguyên chất với 47% năng lượng từ chất béo, ta có thể dùng một ly sữa không chất béo (dưới 0,5% chất béo) hoặc sữa giảm béo (2% béo)  chỉ có dưới 35% năng lượng.

d-Tương tự, nếu sử dụng thịt cũng phải chú ý chọn loại rất ít hoặc không có mỡ béo. Bánh mì ăn với bơ không tốt bằng với mứt trái cây, vì bơ cung cấp tơí 120 calories trong một muỗng ăn canh, trong khi đó mứt trái cây chỉ có 50 calories mà lại không có chất béo.

đ- Chia đều phần ăn của một ngày cho ba bữa sáng trưa chiều để mỗi bữa có ít nhất 25% tổng số năng lượng mỗi ngày. Làm như vậy sẽ giúp ta cảm thấy ngon miệng trước mỗi bữa ăn, chứ không phải là một bữa cơm chiều thịnh soạn vì bữa trưa không ăn.

Nhiều người còn cho rằng nên chia lượng thức ăn ra thành năm sáu lần trong ngày.

e-Món tráng miệng cũng chỉ cần giới hạn trong mức độ hợp lý chứ không cần thiết phải bỏ hẳn, chẳng hạn như một ly trái cây, một miếng bánh ngọt nhỏ...

g-Cần phải áp dụng nghiêm ngặt  chế độ dinh dưỡng đã được bác sĩ hướng dẫn đề ra. Ăn nhiều loại thực phẩm đa dạng, cân bằng theo nhu cầu năng lượng và ăn với mức độ vừa phải.

h-Ghi rõ thành một bảng liệt kê những thức ăn nên tránh như rượu, dầu salad, món ăn tráng miệng nhiều đường, béo...và luôn luôn ghi nhớ để tránh.

i-Khi đi ăn tiệm, đừng đọc thực đơn quá lâu trước khi kêu món ăn, vì dễ bị quyến rũ bởi nhiều món. Cần biết trước mình muốn ăn món nào chứ không chịu ảnh hưởng của người khác khi chọn món ăn. Đừng ngại đặt thẳng vấn đề với  người phục vụ về các yêu cầu của mình chẳng hạn như bỏ da, cho ít bơ... Tránh các món ăn chiên, món nhồi vì có nhiều bơ; chọn các món ít béo như  khoai bỏ lò, rau, các món luộc, hấp...

Sau khi ăn xong, yêu cầu dọn đĩa để khỏi nhâm nhi ăn thêm.

k-Ăn chậm chạp, tận hưởng hương vị của thực phẩm.

l-Không nên coi tivi khi đang ăn vì có thể sẽ theo thói quen mà ăn nhiều.

2-Các chế độ dinh dưỡng với mục đích giảm béo

 Có nhiều chế độ dinh dưỡng được quảng cáo, giới thiệu để giúp giảm mập như các chương trình ăn nhiều chất đạm - ít carbohydrtat; nhiều carbohydrate - ít đạm; nhiều chất xơ; các chương trình Herbalife, Jerry Craig, Divas, Adkins, Dean Ornish, Pritikin, Sugar Busters, Protein Power...Người đề xướng ra chương trình nêu ra những ưu điểm và thuyết phục người béo phì  áp dụng bằng cách mua tài liệu, thực phẩm của chính họ

Vì thế, vấn đề này cần được cân nhắc kỹ. Về nguyên tắc, dù nhắm đến bất cứ mục đích nào, thì cơ thể vẫn cần phải có một chế độ ăn uống cân bằng có đủ cả chất đạm, chất béo, carbohydrat,  sinh tố và khoáng chất, chứ không thể chỉ giới hạn ở một vài loại chất dinh dưỡng. Vấn đề ở đây là sự cân đối hợp lý tỷ lệ các thành phần chất dinh dưỡng trong một chế độ ăn uống để có thể đạt đến mục đích đề ra.

Hơn nữa mục đích giảm cân phải  là học cách để sống với thực phẩm chứ không phải loại bỏ thứ này thứ kia. Kinh nghiệm nhiều người cho thấy khi giảm cân theo cách ăn uống hạn chế thì mập trở lại rất nhanh. Họ ám ảnh với chế độ đang tuân theo, đếm từng calori và tự an ủi rằng: “Sau khi đã hết béo phì, ta sẽ được tha hồ ăn món ta thích”. Và kết quả của sự “thả cửa” đó tất yếu sẽ dẫn đến béo phì trở lại trong một thời gian rất ngắn.

Trên đây là những hướng dẫn căn bản để giảm cân qua sự ăn uống. Độc giả cũng nên có một chương trình vận động cơ thể, vì vận động tiêu thụ nhiều năng lượng nhất là từ chất béo nằm ở vùng bụng vùng hông. Người vừa thon thả đẹp đẽ mà sức khỏe lại tốt hơn.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


GHI CÂU HỎI