Hỏi 52:

Thưa bác sĩ

Năm nay tôi 68 tuổi, thường hay bị mất ngủ. Tôi đã đi bác sĩ và được biên toa cho mấy thứ thuốc ngủ và bác sĩ dặn là không nên dùng lâu, sợ bị ghiền. Tôi cũng rất sợ bị ghiền thuốc, vậy xin bác sĩ cho biết có loại thuốc nào giúp mình ngủ mà không bị ghiền?

Cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Văn Tôn


Đáp:

Thưa ông,

Chúng tôi rất thông cảm về sự mất ngủ của ông vì đây cũng là rối loạn thường thấy ở người tuổi cao. Sau đây, chúng tôi xin cùng độc giả “nghiên cứu” về thắc mắc của ông.

Trước hết, xin nói qua về sự ngủ.

Về nhu cầu ngủ, khả năng ngủ, bao nhiêu cho đủ, cho vừa, để hiệu năng sinh hoạt ngày hôm sau không trở ngại, tất cả đều tùy theo tuổi tác. 

Trẻ sơ sinh ngủ tới 17 giờ một ngày, mà sanh non tháng lại ngủ nhiều hơn; 6 tháng, ngủ 14 tiếng; 16 tuổi ngủ 10 tiếng; kể từ khi vào đại học cho tới  trưởng thành thì ngủ 7,8 tiếng. Như vậy thì một người già 75 tuổi đã dành 25 năm chỉ để ngủ. 

Phụ nữ mang thai ngủ 10 tiếng; trẻ con Mỹ ngủ nhiều hơn trẻ con Anh, Đức. Thông thường thì nữ giới ngủ nhiều hơn nam giới một chút.

Theo lời đồn đại thì các thiên tài như Edison, Napoleon ngủ đêm rất ít, còn thiên tài Einstein lại ngủ rất nhiều. Có người tin rằng ai ngủ nhiều, tính tình phóng khoáng nhưng lại dễ bị kích thích tâm thần, còn ngủ ít laị có năng lực tốt, nhiều tham vọng và tôn trọng quy luật                                                                                        

Ngủ là một sự bắt buộc phải có, nhưng tại sao lại bắt buộc thì ta không biết.Ta chỉ biết được cơ thể cần ngủ do sự quan sát hậu quả của sự mất ngủ. Một giấc ngủ ngon mang lại sự vui vẻ cho tâm hồn, sự đầy năng xuất của các chức năng. Thiếu ngủ, khả năng nhận thức bị ảnh hưởng trầm trọng.

Mất ngủ mà đi bác sĩ xin toa mua thuốc ngủ thì rất phiền, vì bác sĩ cứ ngại mình lạm dụng thuốc, như trong trường hợp của ông. Cho nên ông đã nghĩ tới các loại thuốc trợ ngủ. Với những mất ngủ ngắn hạn, có thể mua thuốc trợ ngủ không cần toa bác sĩ nhưng không nên dùng quá 2 tuần lễ.

Có 2 loại thường dùng là:

-Thuốc có chất chống dị ứng diphenhydramine như Benadryl, Sominex, Nytol.

-Thuốc có chất chống dị ứng Doxylamine như Unisom

Ngoài ra, còn Melatonine là một loại hormone do não bộ tiết ra. Hormon này điều hòa giấc ngủ theo ngày và đêm có thể giúp ta rơi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Vài điều cần lưu ý:

a-Trước khi dùng, nên hỏi ý kiến bác sĩ để coi xem các thuốc trợ ngủ này có phản ứng với các thuốc khác mà ta đang dùng hay không.

b- Thuốc trợ ngủ nhóm chống dị ứng có thể tăng tính cách trầm trọng của người  đang bị bệnh suyễn, bệnh nghẹt thở kinh niên, suy gan trầm trọng, bí tiểu tiện, cao áp nhãn kín. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng, kể cả phụ nữ đang có thai hoặc cho con bú sữa mẹ. Thuốc có thể làm giảm sản xuất sữa và chạy vào sữa khiến cho bé bị ngây ngất.

c-Không nên uống rượu khi đang dùng thuốc ngủ vì tình trang ngây ngất sẽ tăng

d-Không nên lái xe khi đang dùng thuốc trợ ngủ để tránh rủi ro tai nạn khi đang ở trong tình trạng ngây ngất, buồn ngủ.

Trước khi dùng thuốc trợ ngủ, nên lưu ý mấy điều như sau:

-Có uống nhiều hơn thường lệ nước uống có chất caffeine như cà phê, trà , cola  hay không?

-Có đang dùng các chất có tác dụng kích thích hệ thần kinh như Ritalin.

-Có ngủ trưa quá lâu.

-Có thay đổi việc làm từ ngày sang đêm hoặc thay đổi giờ giấc ngủ.

-Có bị các cơn nhức đầu đau xương khớp quấy rầy khiến cho không ngủ được.

Chúc ông nhiều may mắn.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức.


GHI CÂU HỎI