Hỏi 51:

Chào bác sĩ

Tôi có cháu bé năm nay 2 tuổi, muốn gửi cháu ở nhà giữ trẻ. Xin bác sĩ cho biết là tôi cần để ý những điều gì khi gửi cháu vào đây?

Cảm ơn bác sĩ.

Lisa Nguyễn


Đáp:

Chào Lisa

Câu hỏi của Lisa rất thực tế và nhiều bà mẹ cũng rất để ý tới chuyện này. Hiện nay, số trẻ em được gửi ở nhà giữ trẻ tại mọi quốc gia ngày một tăng. Lý do là vì nhu cầu đời sống, người phụ nữ cũng tham gia công việc ngoài xã hội như đàn ông, nên con em được gửi trong khi bố mẹ đi làm.

Tại Hoa Kỳ, hàng năm con số trẻ em ở nhà giữ trẻ lên đến 7, 8 triệu, tuổi trung bình từ 1 tới 4 tuổi.

Muốn mở một nhà giữ trẻ, ta phải xin giấy phép sở Y Tế. Họ sẽ tới thanh tra cơ sở, kiểm soát dụng cụ, tình trạng vệ sinh, khả năng chuyên môn nhân viên trước khi cấp giấy phép. Trước khi quyết định gửi em bé, cha mẹ cần để ý coi xem nhà giữ trẻ có hội đủ các điều kiện này không.

So với trẻ em được chăm sóc ở nhà, các em gửi tại nhà giữ trẻ hay bị vài  bệnh nhiễm trùng. Tuổi càng nhỏ bệnh càng thường xẩy ra và càng nặng. Các em lại được cho uống nhiều thuốc kháng sinh hơn nên có nhiều em rơi vào tình trạng nhờn thuốc.

Sở dĩ trẻ em hay bị bệnh là vì có nhiều em sống chung ở một nơi. Khi một em mang bệnh là lây lan sang em khác. Nhiều khi do nhân viên chăm sóc không chu đáo, hoặc do họ có bệnh mà vẫn tới làm việc và truyền bệnh cho trẻ em.

Bệnh thường thấy ở nhà giữ trẻ là:

1-Bệnh về bộ phận hô hấp: 90% các trường hợp nhiễm độc là các bệnh về hô hấp như viêm tai, sưng phổi, sưng cuống phổi, viêm cuống họng.

Bệnh truyền do vi khuẩn bay trong không khí khi các em ho, hắt hơi  và các em khác hít vào. Bệnh cũng có thể do sự tiếp xúc trực tiếp khi các em chơi với nhau hoặc qua trung gian đồ chơi có nhiễm tác nhân gây bệnh.

2- Bệnh về tiêu hóa: như là đi tiêu chẩy, thường do siêu vi trùng các loại gây ra, đôi khi do trùng E Coli.

Bệnh truyền do các em tiếp xúc với phân của em bị nhiễm độc, trong khi chơi chung đồ chơi hay dùng chung cầu vệ sinh, quây quần với nhau trong một phòng. Nhân viên cũng có thể truyền bệnh nếu không rửa tay sạch sẽ trước khi cho các em ăn.

Để tránh các bệnh này, nhân viên cần rửa tay sạch sẽ cẩn thận  nhất là khi sửa soạn thức ăn cho các em; ngăn cách các em bị bệnh; đồ chơi dùng riêng, tã riêng.

3- Các bệnh ngoài da như ghẻ, trái dạ, chấy rận.

4- Một vài bệnh truyền qua máu, nước tiểu hay nước miếng như Viêm gan loại B, HIV.

Để tránh các bệnh truyền nhiễm kể trên, các em cần được chích ngừa bệnh trước khi gửi vào nhà giữ trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ và nhân viên nhà giữ trẻ cần thông báo cho nhau khi trẻ có bệnh để được chăm sóc, chữa trị.

Thời gian an toàn để các em trở lại nhà giữ trẻ sau khi điều trị  bệnh là:

* Khi bị tiêu chẩy, phải chờ ngưng tiêu chẩy, ăn lại bình thường.

* Ghẻ lở ngoài da  phải lành hẳn.

* Lên ban sởi hay trái rạ đợi 6 ngày sau khi  hết dấu hiệu bệnh trên da.

* Quai bị phải đợi 9 ngày sau khi  hết sưng hạch nước miếng.

* Đau mắt sau khi được khám bác sĩ và chữa trị.

* Chấy rận sau khi được chữa và không còn trứng trên tóc.

Trên đây là các hướng dẫn căn bản để Lisa cũng như các bậc bố mẹ cần lưu ý, trước khi quyết định gửi con mình. Chúc Lisa may mắn và baby được chăm sóc cẩn thận.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức.

 


GHI CÂU HỎI