Hỏi 50:

Tôi có cô em ở Việt Nam bị bệnh đã hơn 10 năm nay uống thuốc Đông Y nhưng không hết, theo lời của cô em thì trong người của cô ấy có một loại Phong di chuyển trong cơ thể, giống như có con gì chạy, đôi khi thấy cục u nổi lên và di chuyển trên cánh tay có thể thấy được, rất là đau nhức, có khi di chuyển lên răng rồi lên mắt 10 đến 15 phút mới hết, trở đi trở lại nhiều lần.

Kính xin Bác Sĩ chuẩn đoán dùm bị bệnh gì, cách điều trị, nguyên do tại sao và thuốc gì để uống?

Chân thành cám ơn Bác Sĩ và cầu chúc gia đình Bác Sĩ vạn sự cát tường.

Utphan


Đáp:

Ông diễn tả khá chính xác một loại bệnh mà tôi nghĩ tới ngay. Đó là bệnh viêm xương khớp. Vì theo dân gian, loại bệnh này thường được gọi là bệnh Phong với các cơn đau chạy từ chỗ này tới chỗ khác trong cơ thể, như lời ông diễn tả. Vậy thì tôi xin nói về Phong, chính xác hơn là Viêm Xương Khớp.

Không biết năm nay ông bao nhiêu tuổi, nhưng tôi nhớ có một nhạc sĩ Việt Nam là Nguyễn Hiền có nhái câu thơ như sau:

“Nắng mưa là bệnh của trời

Đau xương nhức khớp, bệnh người tuổi cao”

Có ý nói là ở tuổi về già, thì đa số quý vị này bị bệnh đau xương khớp. Vậy thì tôi xin nói về bệnh Phong Viêm xương khớp này.

Đau khớp là gì?

Khớp là chỗ tiếp nối giữa hai hoặc nhiều xương, như khớp xương hông, cổ tay, cổ…. Khớp có nhiều thành phần khác nhau như dây chằng, gân, sụn, túi dịch nhờn…Tất cả đều có thể bị kích thích vì nhiều lý do và đưa tới đau khi khớp chuyển động hoặc không chuyển động. Cơn đau có thể là vài giờ hoặc nhiều ngày tùy theo nguyên nhân gây ra đau.

Đau khớp là bệnh rất thường thấy, cứ 3 người thì một người than phiền bị đau khớp một lần trong tháng. Đầu gối là khớp bi đau nhiều nhất rồi đến khớp vai và háng. Với tuổi cao, đau khớp lại xảy ra nhiều hơn vì các thành phần cấu tạo của khớp cũng bắt đầu suy yếu sau những năm tháng xử dụng trong việc di chuyển cũng như do nhiều bệnh “già” khác nhau.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây ra đau khớp:

1-Thương tích khớp như trật khớp, căng rách dây chằng, tổn thương sụn…khi khớp chuyển động mạnh trong công việc lao động hoặc vận động cơ thể.

2-Trong các bệnh nhiễm như cảm cúm, viêm xương, viêm gan, giang mai, ban sởi…

3-Thoái hóa khớp như viêm xương khớp, vẩy nến, thấp khớp, thống phong, viêm gân…

3-Các bệnh tổng quát như ung thư xương, cường tuyến giáp, hemophilia…

Dấu hiệu triệu chứng

Dấu hiệu thay đổi tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Dấu hiệu thường thấy là

-sưng, đỏ, đau và nóng ở khớp.

-Giảm mức cử động hoặc khớp bị cứng.

-Khớp không chịu đựng được sức nặng đè lên

-Thay đổi hình dạng khớp

Hậu quả của Đau khớp

Nếu không được điều trị, đau khớp có thể đưa tới thay đổi hình dạng khớp, giới hạn hoặc mất cử động, tổn thương vĩnh viễn khớp, đời sống khó khăn, tàn tật…

Điều trị

Dù do nguyên nhân nào, đau khớp có thể điều trị được bằng dược phẩm, vật lý trị liệu và các phương thức khác với mục đích giảm đau, viêm và bảo vệ các chức năng của khớp. Đông dược cũng có nhiều tác dụng tốt, tuy nhiên theo nhiều bệnh nhân, tây dược cho kết quả mau hơn.

Chườm lạnh

Nhiệt độ lạnh làm mạch máu co hẹp, giảm máu lưu thông do đó tế bào nơi bị tổn thương không sưng.

Khi mới bị bệnh, chườm nước đá lạnh lên chỗ đau khoảng 15 phút mỗi giờ, nhiều lần trong ngày đầu. Ngày kế tiếp, chườm 4 hoặc 5 lần. Đây là phương thức rất công hiệu để giảm đau, sưng.

Để tránh da bị cóng, đừng chườm nước đá trực tiếp lên da mà lót với một miếng vải hoặc khăn mặt mỏng.

Chườm nóng

Nước ấm nóng làm mạch máu mở rộng, máu lưu thông tới nhiều hơn. Khi khớp bớt sưng nhưng còn đau, chườm hoặc ngâm phần bị đau vào nước nóng ấm và massage nhẹ sẽ giúp giảm đau rất nhiều.

Massage

Trước khi massage, thoa nơi đau với chút dầu nóng rồi nhẹ nhàng xoa bóp, để máu lưu thông, bớt đau. Nhớ thoa một chiều theo hướng máu chảy về tim.

Dược phẩm

Với đau vừa phải, không sưng có thể dùng thuốc chống đau viêm mua tự do acetaminophen (Tylenol) rất công hiệu với liều lượng 4 gr/ngày. Khi dùng thuốc này, không uống rượu vì có thể gây tổn thương cho gan.

Với đau nhiều hơn đồng thời khớp lại sưng có thể dùng các dược phẩm như aspirin, ibuprofen(Advil, Motrim) hoặc naprosen (Alevee). Nên dè dặt khi dùng các dược phẩm này vì chúng có các dụng phụ như làm chảy máu ở dạ dày.

Trường hợp trầm trọng, bác sĩ có thể cho dùng các thuốc chống đau mạnh hơn như  Celebrex, steroid…

Thuốc chích

Khi thuốc uống và thoa không công hiệu, bác sĩ sẽ chích vào khớp thuốc steroid mỗi 3 hoặc 4 tháng hoặc chất hyaluronan, một loại chất nhờn tổng hợp tương tự chất nhờn tự nhiên của khớp.

Thuốc thoa

Methyl salicylate (Ben Gay), Capsaicin là chất có trong chili pepper chặn dẫn truyền cảm giác đau và kích thích cơ thể sản xuất chất giảm đau endorphins.

Giải phẫu

Đây là phương thức hữu hiệu để giảm đau, nhưng thường chỉ áp dụng khi các phương thức kể trên không mang lại kết quả như ý muốn.

Tập luyện cơ thể

Dược phẩm giảm đau, chườm nóng lạnh rất hữu hiệu để giảm đau khớp, nhưng cũng chỉ là phương thức cấp kỳ, tạm bợ. Theo các nhà chuyên môn, tập luyện hữu hiệu nhiều hơn và lâu dài hơn. Lựa phương pháp tập luyện thích hợp có thể giúp tránh bệnh trở nên trầm trọng hơn, thậm chí cũng để tránh giải phẫu khớp bị đau. Tập luyện giúp các thành phần hỗ trợ khớp trở lên mạnh hơn đồng thời giúp khớp chuyển động trơn chu. 

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu có mấy mục tiêu như sau:

-Giúp làm các cơ hỗ trợ khớp được mạnh mẽ hơn nhờ đó giảm cơn đau.

-Giúp giảm cứng khớp và mở rộng tầm cử động của khớp.

-Giúp bệnh nhân thực hiện dễ dàng sự đi lại, đứng ngồi, lên cầu thang, bước ra vào bồn tắm.

Huấn luyện viên sẽ hướng dẫn bệnh nhân các động tác thích hợp để giảm đau và sinh hoạt như thường lệ cũng như tránh những động tác làm khớp đau thêm.

Chuyên viên vật lý trị liệu cũng có thể gắn dụng cụ giảm đau TENS  (Transcutaneous electrical nerve stimulation) vào khớp và dùng luồng điện rất nhỏ để kích thích giảm đau ở khớp.

Dùng nẹp (brace) để hỗ trợ khớp đang bị viêm đau, giúp khớp mạnh hơn để làm việc, nhưng không nên dùng quá lâu kẻo khớp “lười”, phụ thuộc vào nẹp.

Nói chung, khớp mà bị viêm đau sẽ giới hạn tất cả các sinh hoạt thường nhật của ta. Cho nên, cần gượng nhẹ với các khớp, ngõ hầu ta không rơi vào hoàn cảnh ngồi đó nhăn nhó nhìn người khác enjoy cuộc sống với các khớp cử động bình thường.

Hy vọng các điều kể trên giúp em ông giải quyết được bệnh Phong, chạy khắp cơ thể này.                                                                                

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức.

 


GHI CÂU HỎI