Thưa bà Lan, Tết là thời
gian đón mừng một năm mới và cũng là thời gian mà mọi người thăm viếng
gặp gỡ để chúc nhau một mùa Xuân vạn hạnh, sức khỏe dồi dào. Đây cũng là
thời gian mà bà con mình tham gia các lễ hội cúng bái xa gần. Mà gặp gỡ
nhau là có chuyện ăn uống, dù linh đình hoặc đạm bạc.
Những món ăn thuần túy quê hương thanh đạm được dọn ra, sánh vai cùng
những món ăn âu mỹ nhiều dinh dưỡng đẹp mắt.
Nhưng trong ăn uống cũng có nhiều điều cần lưu ý.
Món ăn có thể là những miếng bánh chưng, chả lụa, miếng mứt bầy sẵn trên
bàn mỗi khi tới nhà nhau cùng ăn để chúc Tết mừng Xuân. Rồi đến tiệc
tùng linh đình tại nhà hàng tửu quán khách khứa ra vào tấp nập.
Hoặc bát bún riêu, đĩa bánh cuốn Thanh Trì, khúc bánh mì bán rong nơi
bến phà bến xe ăn vội trong khi di chuyển đón Tết tại quê nhà, nơi Lễ
hội. Ăn uống như vậy nhiều khi cũng hơi xô bồ, vội vàng, thực phẩm chưa
kịp nấu chín hoặc cất giữ trong điều kiện không an toàn. Và đó là điều
có thể gây ra ngộ độc thực phẩm, đặc biệt đối với giới cao niên, khả
năng tiêu hóa hơi khó khăn và sức đề kháng cơ thể cũng có phần giảm
thiểu.
Ngộ độc thực phẩm có thể là do hóa chất độc hại, nhưng thông thường nhất
vẫn là do các vi sinh vật sống lẩn quẩn quanh ta. Chúng chỉ chờ cơ hội
là xâm nhập cơ thể con người cũng như xâm lấn vào thực phẩm. Đặc biệt là
thực phẩm tươi bầy bán ở ngoài chợ bụi bậm ruồi bu, khi mua về lại để
ngoài nhà bếp nóng ẩm. Lại còn thực phẩm đã nấu mà không cất giữ cẩn
thận, thực phẩm làm sẵn như bánh chưng, bánh cuốn, chả rán, mắm tôm mắm
tép để lâu ngày mốc meo, hư hỏng.
Lại còn vi khuẩn do bàn tay dơ bẩn của người phục vụ, nhân viên nhà bếp,
từ nồi niêu soong chảo, dao thớt chưa kịp rửa…Và cũng từ bàn tay của
chúng ta nữa chứ.
Một món ăn chưa kịp nấu chín, mấy món ăn để khơi khơi ngoài không khí
không che đậy, những miếng bánh chưng ăn dở bầy trên bàn trong khí hậu
ẩm ướt của miền Bắc hoặc nhiệt độ cao của miền Nam là những món ăn bổ
béo cho vi sinh vật, mốc meo nấm dại. Mà nếu chúng ta lại ăn vào, thì ôi
thôi chắc là chẳng Tào Tháo Đuổi thì cũng Thượng Thổ hạ Tả liên hồi.
Vậy thì phải làm sao bây giờ. Chẳng lẽ lại không ăn.
Thực ra cũng chẳng khó gì đâu, thưa quý vị.
Chúng ta chỉ cần nhớ lại kinh nghiệm người xưa là “Bệnh tùng nhập khẩu”,
hoặc những nhắc nhở “ Ăn ba phần đói, bẩy phần no” để chọn lựa món ăn an
toàn mà đưa vào miệng. Đặc biệt là với lớp người có tuổi, lao động thể
chất không nhiều như thuở thanh niên trai tráng, cho nên bữa ăn có thể
giảm đi phần số lượng nhưng vẫn đầy đủ các chất dinh dưỡng.
-Ăn vừa đủ với nhu cầu, ăn làm nhiều bữa nhỏ cho nhẹ dạ dễ tiêu.
-Chọn lựa món ăn nhiều rau trái có nhiều chất xơ, cho đại tiện dễ dàng,
tránh cảnh ngồi lâu cả giờ nhăn mặt đi cầu.
-Để “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” vợ chồng con cái ta cùng nhau áp dụng một
số biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm căn bản như sau đây:
-Nấu chin các món ăn nhất là gà cá thịt để tiêu diệt vi khuẩn.
-Đừng để thực phẩm tươi như thịt cá lẫn với nhau vì vi khuẩn có thể từ
món này chạy sang món kia.
-Cũng không để chung thực phẩm đã nấu với thực phẩm chưa chế biến.
-Cất giữ thựa phẩm nơi mát, không quá nóng, quá ẩm ướt.
-Rửa dao thớt sau mỗi lần cắt thái thực phẩm sống để tránh lưu nhiễm vi
khuẩn
-Thực phẩm đã nấu mà chưa ăn cần được che đậy kín để tránh ruồi bu mang
bệnh tới hoặc tránh bụi bậm bay vào.
-Rửa sạch hoặc bóc vỏ trái cây trước khi ăn.
-Uống nước đã đin sội, khử trùng.
-Đừng tiếc rẻ mà vứt bỏ ngay các món ăn nghi là đã hư hao nhiễm khuẩn.
-Rửa tay bằng xà bông trước và sau khi làm bếp, trước khi ăn, sau khi
dùng nhà vệ sinh. Đây là một hành động rất giản dị, không tốn kém nhưng
lại hữu hiệu để phòng tránh lây lan bệnh nhiễm đấy các bác ạ.
Đặc biệt là không nên ăn các loại trái cây không đúng mùa, nhập từ các
nước lân bang, nom tươi đẹp bề ngoài nhưng bề trong thì đầy những hóa
chất bảo quản độc hại.
Với quý vị có các bệnh kinh niên lại càng cần lưu ý tới mấy món ăn
truyền thống ngày Tết.
-Thịt mỡ dưa hành, cà muối xổi là nhiều chất béo, nhiều muối mà nếu tiêu
thụ nhiều thì huyết áp lên cao, mập phì cũng dễ.
-Với người bị viêm gan suy thận tuyệt đối không uống rượu, dù là rượu
nội rượu ngoại, rượu quốc lủi, rượu ngâm lộc hươu, cao hổ cốt hoặc sâm
nhung bổ thận. Nếu cứ tiếp tục “chén chú chén anh”, dô dô cạn ly cạn hũ
thì gan sẽ chẳng mấy chốc mà suy yếu, đưa tới nguy cơ xơ cứng, ung thư
gan. Ấy là chưa kể tai nạn xe cộ, gây thương tích tử vong…
-Đang bị tiểu đường thì nên giới hạn tiêu thụ chè xanh, đậu đỏ, bánh
ngọt, bánh lam, nước ngọt có hơi.
Ngày Tết mà nói chuyện đau bệnh thì cũng là điều cũng chẳng nên. Nhưng
nhắc lại để mà có cái Tết vui vẻ với gia đình con cháu, thì cũng là điều
cần làm phải không thưa bà Lan và quý vị độc giả.