Chào bà Trần Uyển Phương,
Chúng tôi rất tâm đắc với
phương thức giải quyết dị ứng của bà, vì nó cũng phần nào hợp tình hợp
lý và nhiều người trong y giới cũng có cùng ý kiến.
Trong đời sống hiện tại,
với môi trường ô nhiễm đủ thứ từ phấn của cỏ cây hoa lá tới hóa chất bụi
bặm, cộng thêm thời tiết nóng lạnh đảo ngược bất thường, thì số người bị
dị ứng gia tăng. Ho hen khó thở, nhẩy mũi hắt hơi, nước mắt giàn giụa
gây trở ngại cho đời sống sinh hoạt hàng ngày, gây khó khăn cho giấc ngủ
cũng như làm phiền lòng người này người khác. Đang hàn huyên tâm sự vui
chơi, đang trang nghiêm đọc kinh cầu nguyện mà hắt hơi liên tục, nhớt
dãi văng bắn tứ tung thì cũng mất vệ sinh, khiếm nhã. Mà chạy ra tiệm
mua những loại thuốc chống allergy thì, như bà nói, uống vào nó làm cho
ngầy ngật, khó chịu lờ đờ suốt ngày mà dị ứng vẫn còn, thì cũng đáng
giận, chẳng thèm dùng như bà đã làm.
Thực ra, những thuốc gọi là
chống dị ứng mà bà mua không cần toa hoặc do bác sĩ biên toa, không có
công dụng chữa hoặc phòng tránh dị ứng, mà chúng chỉ giảm thiểu những
dấu hiệu do dị ứng gây ra. Chúng làm bớt sổ mũi hắt hơi, khó thở ho
hen... chứ nguyên nhân đưa tới dị ứng vẫn còn đó, vẫn lởn vởn trong môi
trường, trong cuộc sống của chúng ta, rất khó mà loại bỏ. Chúng luôn
luôn rình rập tấn công những người mẫn cảm với chúng, những chất gây ra
dị ứng. Chúng là những mốc meo trong buồng tắm, là những bọ mạt trong
phòng ngủ phòng khách, bụi bặm trên màn cửa, trên những tấm thảm, và
chúng là phấn từ những bông hoa ngoài vườn, những cây sồi cây thông
ngoài công viên, dọc xa lộ... là hóa chất phân bón, dầu xăng ngoài
garage, trong thành phố ô nhiễm.
Vậy thì bi giờ phải làm sao?
Chẳng lẽ ta lại thu mình trong một nhà kính, không tiếp xúc với ngoại
cảnh ngoại vật hoặc sống giữa biển khơi, sa mạc, núi cao. Phải kiếm cách
mà đối phó chứ.
Xin đề nghị vài phương thức:
- Với chất gây dị ứng: chất
nào mà ta có thể loại bỏ được như meo mốc, bụi bặm trong nhà thì quét
dọn nhà cửa, lau rửa nơi có mốc meo...Với chất gây dị ứng từ không gian,
thì tránh chúng đi mà nếu không tránh được thì giới hạn sự tiếp xúc với
chúng. Chẳng hạn phấn hoa thường có vào sáng sớm thì tránh ra ngoài vào
giờ này, mang khẩu trang khi ra ngoài, lái xe cửa kính lên cao... Tránh
voi chẳng xấu mặt nào.
- Ngoài ra nhiều người sau
một thời gian tiếp xúc dần dần với chất gây dị ứng cũng trở thành thân
thuộc với nhau, bớt khó chịu. Đây cũng là phương pháp phòng ngừa trong
đó bác sĩ chích cho bệnh nhân một chút xíu chất gây dị ứng rồi tăng thêm
liều lượng cho đôi bên trở nên thân thiện, sống chung hòa bình với nhau.
Nó cũng tương tự như chuyện bà nói, nhà nghèo ăn ở bẩn thỉu thì họ cũng
quen đi, ít bệnh tật. Công chúa đứt tay, thợ cầy lủng ruột đó mà.
- Nếu bà thấy dấu hiệu dị
ứng quá phũ phàng dai dẳng gây khốn khổ thì đi bác sĩ khám bệnh và bs sẽ
điều trị với dược phẩm ít gây ra ngầy ngật, buồn ngủ.
Cũng xin nói cho rõ là dị
ứng là do một chất nào đó gây ra chứ không phải là virus. Virus có thể
gây ra cảm lạnh với dấu hiệu tương tự dị ứng như là sổ mũi hắt hơi...
Chúc bà mọi sự bình an, sớm
không còn bị dị ứng quấy rầy.