Hỏi 46:

Tôi đang có thai được hơn năm tháng và vì công việc cho nên thường phải bay nơi này nơi khác.

Xin bác sĩ cho biết là đi máy bay như vậy có ảnh hưởng gì tới thai hay không. Hiện nay tôi thấy trong người khỏe mạnh, thai máy đều đặn và tôi mới đi khám thai, bác sĩ nói mọi chuyện đều bình thường.

Bà Nguyên (Dallas)


Đáp:

Chúc mừng bà sắp có cháu bé. Không biết lần này là lần thứ mấy và cháu là trai hay gái.

Chúng tôi xin góp ý về câu hỏi của bà, và cũng là thắc mắc của nhiều bà con mình.

Theo Hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ, thời gian an toàn nhất để bay là từ 18 tới 24 tuần lễ của thai kỳ. Bay sau 28 tuần lễ sẽ có nhiều rủi ro sanh non. Bay trước 12 tuần lễ thì nôn khan nhiều hơn hoặc rủi ro sẩy thai gia tăng.

Nói chung, thai phụ có thể bay không giới hạn nếu thai kỳ ở tam cá nguyệt thứ nhất và thứ 2. Tới tam cá nguyệt thứ ba thì có vài giới hạn. Sau 36 tuần lễ thì nhiều hãng không nhận vì đây là thời gian mà sự “nở nhụy khai hoa” có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Cũng nói thêm là nhiều khi khách vì một nhu cầu nào đó mà vẫn muốn đi máy bay, nhưng cố tình che đậy, giấu giếm thai nghén thì nhân viên soát vé lên tầu cũng  bó tay, trừ khi bụng mang dạ chửa rõ rành rành. Thai phụ có thể bó bụng, mặc quần áo rộng thùng thình để che giấu, như trường hợp một phụ nữ Phi Luật Tân lén lút sanh rồi bỏ con trong cầu tiêu trên chuyến bay từ Bahrain Trung Đông tới thủ đô Manille vào ngày 16 tháng 9, 2010.

Một số thắc mắc:

1. Thời kỳ nào an toàn và nhiều rủi ro khi bay?

Theo các nhà chuyên môn y tế, an toàn nhất là từ tuần lễ 18-24 của thai kỳ. Sau 36 tuần lễ sẽ có nhiều rủi ro sanh trên máy bay. Ngoài ra ở thời kỳ cuối này mà mẹ mang thai, bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, xuất huyết cửa mình thì bác sĩ thường khuyên hoãn chuyến bay và ổn định bệnh tình.

2. Các máy rà xét vũ khí tại phi trường có ảnh hưởng gì tới thai nhi không?

Máy này không dùng tia X-Ray mà dùng điện từ (electromagnetic), không có phóng xạ, để khám phá vật kim loại giấu trong người, do đó an toàn cho cả mẹ lẫn con. Máy cho hình dáng đường cong của  cơ thể. Nếu có vũ khí kim loại giấu dưới lớp quần áo là thấy rõ. Nếu mình còn e ngại thì có thể yêu cầu rà cơ thể với bàn tay của nhân viên an ninh.

3. Giảm áp suất không khí trong lòng máy bay có ảnh hưởng tới thai nhi và bà mẹ không?

Cơ quan không gian Hoa Kỳ đòi hỏi máy bay thương mại duy trì áp suất chuẩn trong lòng máy bay, cho nên nếu khỏe mạnh bình thường thì cả mẹ lẫn con đều an toàn. Tuy nhiên áp suất trong máy bay thấp hơn bên ngoài, lượng oxy trong máu hành khách hơi thấp vì vậy nhịp tim cũng như huyết áp sẽ hơi tăng cao để cơ thể có thêm dưỡng khí. Do đó nếu bà mẹ bị bệnh thiếu máu, bệnh hồng cầu liềm (sickle cell disease), tiền sử máu cục hoặc nhau thai yếu thì cả mẹ lẫn con đều có rủi ro và nên hỏi ý kiến bác sĩ.

4. Có người nói bay ở độ cao sẽ chịu ảnh hưởng của phóng xạ vũ trụ.

Phóng xạ vũ trụ ở mức độ rất thấp cho nên chưa có chứng cớ ảnh hưởng tới thai nhi. Tuy nhiên thai nhi cũng rất nhậy cảm với phóng xạ này và trong lâu dài có thể có ảnh hưởng nếu bay thường xuyên. Các nhà  chuyên môn đề nghị không nên bay quá 200 giờ trong suốt thai kỳ.

Mấy điều nên áp dụng:

1- Khi đặt vé, nên lựa chỗ ngồi phía giữa khoang máy gần cánh máy bay để giảm thiểu dao động khi phi cơ rơi vào vùng nhiễu loạn áp suất, máy bay nhồi lên xuống.

2- Lấy chỗ ngồi tại cạnh lối đi để dễ dàng đứng lên đi lại hoặc tới phòng vệ sinh. Ghế này cũng tương đối có khoảng trống để cử động cơ thể, chân tay.

3- Lâu lâu nên đứng dậy, đi tới đi lui trong lòng máy bay để xương khớp, cơ bắp chuyển động, tránh đau nhức. Ngoài ra khi ngồi bất động một thời gian lâu, sự lưu thông khí huyết các tĩnh mạch nằm sâu ở bắp chân  chậm lại, dễ dàng đưa tới kết tụ máu cục rất nguy hiểm. Khi ngồi, cũng nên thường xuyên co duỗi bàn chân cổ chân.

4-Luôn luôn cài dây an toàn khi ngồi. Đặt dây an toàn phía bụng dưới, ngang hông để dây khỏi ép vào thai nhi.

5-  Uống nhiều nước để khỏi bị  thiếu  vì không khí trong máy bay khô, cơ thể dễ bốc hơi. Trước và trong khi bay, không nên uống cà phê, nước trà vì đây là chất lợi tiểu, đưa tới tiểu tiện nhiều và mất nước. Tránh thực phẩm tạo gas như bắp cải hoặc nước giải khát có gas để tránh gas dãn nở khi lên cao độ, gây ra đầy hơi khó chịu.

6- Mặc quần áo lẻ (separates) thoáng rộng thoải mái, ít cúc, dây cột để dễ dàng trong nhà vệ sinh. Mặc nhiều lớp quần áo để thích nghi với nhiệt độ thay đổi bất thường.

Bàn chân dễ bị  tụ nước, phù sưng, nên mang giày vừa vặn. Mang theo đôi dép lê nhẹ mềm rộng (slipper) hoặc tất dầy để mang khi muốn bỏ giầy cho thoáng hơi chân.

7- Coi lại bảo hiểm sức khỏe có trả cho phí tổn sanh đẻ hay không, vì có thai là sự kiện có trước (pre-existing condition) và chi phí khẩn cấp ở nước ngoài nhiều khi rất cao. Mang thai được coi như tương đối có nhiều rủi ro, cho nên nhiều bảo hiểm từ chối khi mẹ con  bay vào 8 tuần lễ cuối trước khi sanh.

Và lời cuối là: yêu cầu bác sĩ của mình giới thiệu cho một bác sĩ sản phụ khoa ở nơi mình sắp tới, phòng hờ khi cần. Cũng nên mang theo một hồ sơ y khoa về tình trạng sức khỏe đặc biệt là các chi tiết liên quan tới thai nghén, như ngày cuối có kinh, có thai bao lâu, kết quả khám nghiệm mới đây, các thai kỳ trước  có trở ngại gì không, tình trạng thai nhi, thuốc men đang uống...

Trường hợp của bà mới có thai 5 tháng thì còn an toàn.


GHI CÂU HỎI