Thưa ông,
Cơ quan thính giác hoặc Tai có ba phần chính: tai ngoài, tai giữa và tai trong.
1-Tai ngoài
Tai ngoài có vành tai giống như một ống loa, mở rộng để đón nhận âm thanh, tiếng động, đưa vào trong tai. Ở loài người, vành tai cố định hướng về phía trước cho nên ta nghe âm thanh từ đằng trước rõ hơn từ đằng sau. Trong khi đó, vài súc vật như chó, lừa…có vành tai phe phẩy nên chúng đón được âm thanh từ nhiều phía khác nhau.
Cuối tai ngoài là màng nhĩ, phân cách tai ngoài với tai trong. Đây là một cái màng rất mỏng, lớn khoảng 10mm và dày khoảng 0,1mm, nhưng rất bền bỉ. Màng nhĩ do màng lót xoang tai giữa và da lót ống tai ngoài kết hợp với nhau mà thành.
Khi có âm thanh đến tai, màng nhĩ rung động và chuyển các dao động đến xương búa, một trong các xương nhỏ ở tai giữa, rồi chuyển âm thanh vào tai trong. Xương búa dính liền với màng nhĩ.
Một tiếng động hoặc áp suất mạnh có thể làm màng nhĩ rách và đưa đến mất thính giác. Màng nhĩ rách, nước hoặc vi khuẩn ở tai ngoài có thể khiến cho tai giữa bị lây nhiễm. Vì thế, khi bơi lội nên phòng tránh nước vào tai với cục bông gòn có tẩm sáp không thấm nước.
Ống tai ngoài cũng có chất dầu nhờn gọi là ráy tai. Khi quá nhiều, ráy tai có thể cản trở sự dẫn truyền âm thanh. May là ráy tai tự tan biến. Nếu chẳng may ráy tai lấp kín, nên nhờ bác sĩ lấy ra để tránh tổn thương màng nhĩ.
Nhiều người có thói quen dùng tăm quấn bông gòn để ngoáy ngoáy, chùi chùi lỗ tai lấy làm thích thú lắm. Nhưng làm như vậy nhiều khi lại đẩy ráy sâu vào trong tai. Chỉ cần lau ống tai hàng ngày bằng khăn mặt cũng đủ sạch rồi.
2-Tai giữa
Tai giữa thông với cuống họng qua ống Eustache. Vì thế khi cuống họng nhiễm độc thì tai giữa cũng bị lây và thính giác có thể tạm thời gián đoạn.
Tai giữa có ba miếng xương nhỏ nối tiếp với nhau để chuyển âm thanh vào các giây thần kinh. Các xương này rất dễ bị hư gẫy khi sọ bị chấn thương hoặc nhiễm trùng, gây ra mất thính giác. Xương bị chấn thương có thể điều trị bằng giải phẫu.
3-Tai trong
Tai trong chứa bộ phận quan trọng nhất của thính giác là các sợi tóc với các dây thần kinh tiếp nhận âm thanh và điều hòa sự thăng bằng của cơ thể.
Tai trong được bao che bởi một hệ thống xương rất kiên cố, chỉ hư hao khi xương sọ bị chấn thương nặng.
Tuy nhiên, với các tiếng động liên tục và mạnh, như tiếng động cơ máy bay, tiếng súng lớn, tiếng nhạc khí rock, các giây thần kinh thính giác có thể bị suy yếu dần và đưa tới mất thính giác. Sự mất này không chữa được, dù bằng giải phẫu hay dược liệu tân tiến.
Khác với khứu giác và vị giác (nếm và ngửi) là do tác động hóa chất chemical), thính giác hoàn toàn có tính cách cơ động thể chất (mechanical)
Sự nghe diễn ra khi những làn sóng của âm thanh tiếp cận với các cấu trúc ở trong tai. Tai sẽ chuyển sóng này ra các tín hiệu thần kinh, nhờ đó não bộ có thể nhận biết là âm thanh.
Sóng âm thanh vào tai ngoài, gây rung động màng nhĩ. Màng nhĩ và ba xương nhỏ ở tai trong khuếch đại rung động đó rồi chuyển vào tai trong. Nơi đây, sóng âm thanh được cả ngàn sợi tóc nhỏ và dung dịch chất lỏng phiên dịch thành các tín hiệu điện năng trước khi lên não bộ để được nhận diện là tiếng nói, tiếng cười, tiếng ta hoặc tiếng tây.
Xin nhắc lại là muốn nghe, âm thanh được thu vào tai ngoài, tới màng nhĩ, làm rung màng này rồi chuyển vào tai giữa với hệ thống xương nhỏ. Các xương rung động chuyển âm thanh vào tai trong. Nơi đây có những sợi dây thần kinh mảnh mai như sợi tóc và một chất lỏng với nhiệm vụ là tiếp nhận tín hiệu âm thanh, chuyển lên não bộ.
Não sẽ phân tích rồi tổng hợp các tín hiệu thành những âm thanh khác nhau và sự nghe (thính giác) được thực hiện.