Hỏi 28:

Kính gửi bác sĩ Đức

Chúng tôi thấy quảng cáo ca tụng “thuốc” Đông Trùng Hạ Thảo là một thần dược, chữa được nhiều bệnh nan y. Xin bác sĩ vui lòng giúp chúng tôi tìm hiểu coi xem có đúng như vậy hay không, trước khi mua về dùng. Chúng tôi tuổi cũng gần 70, chỉ bị bệnh tiểu đường mà thôi. Liệu có nên uống thuốc này thay vì chích insulin mỗi tuần.

Thành thực cảm ơn Bác sĩ.

Trần Ngọc Tân


Đáp:

Thưa ông,

 Thực ra chúng tôi cũng ít hiểu biết về loại “thuốc” này, mà cũng chỉ thấy quảng cáo trên truyền thanh truyền hình, báo chí. Nhờ có ông hỏi cho nên chúng tôi vào internet tìm đọc và gửi ông và độc giả coi cho rộng tầm kiến thức.

Trên internet, có một số bài nói về sản phẩm này, mà đa số do các tác giả Đông phương viết. Điều này cũng dễ hiểu vì sản phẩm có nguồn gốc từ các quốc gia châu Á và đã được dân chúng nơi đây dùng thừ nhiều ngàn năm về trước. Sản phẩm được gọi là “Đông Trùng, Hạ Thảo”, tiếng Việt mình có thể gọi là “mùa Đông là côn trùng mà mùa Hạ trở thành loại thảo”.

Nguyên lai như sau.

Một loại trùng có tên khoa học khó đọc khó nhớ là Cordicep Sinensis, mà chúng tôi xin tạm gọi là “Trùng Đặc Biệt” và một loại nấm cũng đặc biệt, “Nấm đặc biệt”. Cả hai đều có tự nhiên dưới mặt đất ở các vùng núi cao cả mấy ngàn mét, tại các quốc gia giá lạnh Châu Á như Tây Tạng, Hi Mã Lạp sơn, Vân Nam bên Tầu, Nepal…

Trùng nằm dưới đất cả dăm năm và sống bằng chất dinh dưỡng từ rễ cây trong suốt mùa Hạ để sửa soạn cho giấc ngủ trong mùa Đông. Cũng trong tiết Đông này, trùng tiêu thụ một số lớn “Nấm Đặc Biệt”. Nấm ký sinh và lớn lên trong cơ thể trùng khiến cho trùng chết vì “bội thực”.

Tới đầu Xuân vào Hạ, một loại nấm mọc ra từ đầu của Trùng, lớn lên thành hình một củ rễ dài ngắn trên dưới mươi cm, lớn ½ cm.

Đó là nguồn gốc tạo thành của “Đông Trùng Hạ Thảo”, mùa đông là côn trùng, mùa hạ là loại thảo. Cái tên cũng rất là hấp dẫn và mang tính cách hơi huyền bí.

Và thổ dân hái mang về dùng, như một thực phẩm hoặc chữa bệnh, thấy tốt cho sức khỏe.Tiếng lành đồn xa, dân chúng nô nức tìm kiếm, trước là tự dùng sau mang bán.

Vì là một sản phẩm hiếm, lâu năm mới thành hình cho nên nguồn cung cấp cạn dần, mà người tìm kiếm ngày càng đông. Càng hiếm thì càng quý, và giá cả cũng tăng theo, tùy nơi sản xuất và tùy cách “khuyến mãi”, hình thức trình bày.

Vào đầu thập niên 1980, Trung Hoa đã bắt đầu nuôi một loại nấm Cordyceps sinensis nhân tạo, khác với C. sinensis thiên nhiên và giới thiệu nấm này có tác dụng mạnh hơn. Tuy nhiên, dân chúng vẫn ưa chuộng loại Đông Trùng Hạ Thảo thiên nhiên mọc lên từ mặt đất hơn.

Giới thiệu, “khuyến mãi” sản phẩm

Có những giới thiệu rằng ĐTHT có thể chữa được rất nhiều thứ bệnh, từ tim, phổi, thận tới ngoài da, tình dục, tăng cường khả năng miễn dịch, giúp sống trường thọ... ĐTHT đã được giới thiệu như là một Tiberian Viagragiúp tăng cường khả năng “làm tình “của nam giới, rằng đã được nhiều nghiên cứu công nhận giá trị chữa bệnh…Nhưng rất tiếc là chúng tôi chưa có cơ duyên đọc kết qủa nghiên cứu có tính cách khoa học nào về sản phẩm này.

Một số bài viết khác được khách du lịch tới thăm các nơi đó, thấy dân chúng dùng giới thiệu chữa bệnh, cho dùng thử, tấm tắc khen, về nhà viết tường thuật, làm quà cho bạn bè, bà con ở nhà. Đi xa về phải có câu chuyện gì hấp dẫn kể lại chứ.

Một vài bài nêu ra thành phần hóa học chung chung của sản phẩm, như là: “Theo Y học Trung Hoa, ĐTHT là 1 trong “Tam bảo Trung Hoa”, gồm nhân sâm, ĐTHT và nhung hươu.

ĐTHT có 17 acid amin, có D-mannitol, có lipid, có nhiều nguyên tố vi lượng và khoáng chất như Al, Si, K, Na....

Quan trọng hơn là nó nhiều hoạt chất sinh học như cordiceptic acid, cordycepin, adenosine, hydroxyethyl-adenosine và nhóm hoạt chất HEAA (Hydroxy-Ethyl-Adenosine-Analogs). Bên cạnh đó, nó còn chứa nhiều loại vitamin (trong 100g ĐTHT có 0,12 g vitamin B12; 29,19 mg vitamin A; 116,03 mg vitamin C, ngoài ra còn có vitamin B2, vitamin E, vitamin K...), nhưng không nói rõ kết quả này là do khoa học gia nào tìm ra.

Trong khi đó thì lại có bài viết nói: “Sách Y học cổ truyền Trung Hoa”  coi Đông Trùng Hạ Thảo là vị thuốc có tác dụng “Bổ phế ích can, bổ tinh điền tủy, chỉ huyết hóa đàm”, “Bổ phế ích thận, hộ dưỡng tạng phủ”, “Tư âm tráng dương, khư bệnh kiện thân”, có thể chữa được “Bách hư bách tổn”.

 Các nghiên cứu cổ truyền cũng như các thực nghiệm hiện nay đều xác định ĐTHT hầu như không gây ra tác dụng phụ đối với cơ thể người và động vật.

Trên Internet, tôi thấy có một bác sĩ chuyên về điều trị ung thư Hoa Kỳ, Brian D. Lawenda, đưa ra ý kiến như sau về tác dụng liên quan tới tính miễn dịch cùa Đông Trùng Hạ Thảo:

“ Cordiceps Sinensis đã được giới thiệu và dùng như một loại kích thích hệ miễn dịch, (cũng như chống ung thư, chống oxi hóa). Nhưng vị bác sỹ này lưu ý độc giả là có nghiên cứu lại nói rằng sản phẩm này cũng có tác dụng làm giảm khả năng miễn dịch. Tại sao vậy? Theo ông, có thể là có nhiều loại nấm khác nhau: có thứ tăng có thứ lại giảm khả năng miễn dịch tùy theo cách trồng và cách thu hái Đông trùng hạ thào.. Thành ra phải hết sức cẩn thận khi mua về dùng”. Mà bệnh nhân ung thư lại có tính miễn dịch khá thấp sau khi được điều trị với thuốc hóa học.

Thưa ông Trần Ngọc Tân

Chúng tôi xin có đôi  lời nhắc nhở ông và độc giả là trước khi dùng Đông Trùng Hạ Thảo, nên thông báo cho bác sĩ gia đình biết:

-là mình đang dùng dược phẩm nào và đang bị dị ứng với bất cứ dược phẩm hoặc chất dinh dưỡng phụ thêm nào;

-Đang có thai hoặc dự trù sẽ có thai trong tương lai gần;

-Đang cho con bú sữa của mình;

-Đã từng bị các bệnh về tinh thần như Trầm cảm, ung thư nhũ hoa, bị loét dạ dày…

-Đang điều trị bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch…

Vì Đông Trùng Hạ Thảo có thể có những ảnh hưởng không tốt lên các hoàn cảnh vừa kể.

Chúc ông và gia đình bình an.


GHI CÂU HỎI