Hỏi 265:

Thưa bác sĩ,

Nhà tôi rất quan tâm tới dáng đi và chúng tôi cũng hỏi thăm nhiều người về vấn đề này, nhưng mỗi người nói một cách khác nhau. Chi bằng hỏi ngay bác sĩ cho tiện việc sổ sách. Vậy xin bác sĩ nói cho chúng tôi biết với.

Đinh Tố Quyên


Đáp:

Thưa bà Quyên,

Chúng tôi xin mạo muội trả lời như sau và đây là ý kiên chung của y giới chứ chẳng phải của riêng tôi.

            Thay đổi dáng đi là một triệu chứng rất thường thấy ở người cao tuổi. Nó có thể là dấu hiệu cuả một bệnh trầm kha, cũng như là nguy cơ gây té ngã, tạo ra thương tích, bất lực, cô lập trong xã hội. Số người cần được giúp đỡ vì rối loạn dáng đi hiện lên rất cao ở Hoa kỳ, trong đó có một số lớn đồng hương mình.

            Để có một dáng đi vững chắc, ngay thẳng cho cơ thể, cần có sự phối hợp chức năng giữa hệ thần kinh, hệ thống xương- thịt , thị giác, thính giác và cảm giác ngoài da. Ở người cao tuổi, khi một trong ba chức năng thiếu sót, chức năng còn lại sẽ gắng sức hơn trong công việc giữ thăng bằng cho cơ thể.

            Cơ thịt thay đổi nhiều ở người cao tuổi. Khối lượng bắp thịt giảm và kém nhậy cảm với kích thích. Tế bào thịt teo được thay thế bằng loại tế bào xơ, ít co dãn và trở nên cứng nhắc. Thêm vào đó, khớp xương bớt chơn tru, lại thay đổi hình dạng, khiến cử động bị giới hạn.

            Cảm giác ngoài da cho ta biết vị trí cuả đầu, chân tay trong không gian, xuyên qua các giây thần kinh tận cùng nằm trong cơ bắp, gân và đầu xương. Khi cảm giác này giảm thì cơ thể mất thăng bằng: hai chân dạng ra, bước đi ngắn, không đều, thân mình ngả về phía trước, hai tay đưa ngang ra để cố giữ vững cơ thể.

            Bộ phận tiền đình ở tai trong có nhiệm vụ cho biết vị trí của đầu trong không gian. Khi tiền đình bị tổn thương, bước đi sẽ không vững, đồng thời thấy tĩnh vật xung quanh như đang di động, mà khi ngồi yên, ta lại không nhận biết được sự di động của sự vật. Vì thế, người bị chứng này gặp trở ngại khi lái xe vì không đọc được dấu hiệu chỉ đường, cũng như không đọc được sách báo khi ngồi trong xe. Khi đi lại ban đêm, họ sẽ ngã vì tối trời, mắt không thích nghi được.

            Thị giác giúp giữ thăng bằng cơ thể, khiến bước đi vững chắc. Nhắm mắt rồi đứng trên một chân, thân sẽ nghiêng ngả vì ta không thấy được tương quan vị trí của sự vật chung quanh với cơ thể. Người bị khiếm thị có thể vẫn bước tới được. Nhưng bước đi ngắn, không vững, kéo lê trên mặt đất và họ phải vịn hoặc tưạ vào một vật gì để giữ thăng bằng, đồng thời hai tay dang rộng ra.          

             Nguyên nhân gây rối loạn của dáng đi.

            Sau đây là một số nguyên nhân đưa đến sự thay đổi dáng đi:

1- Biến chứng của bệnh tiểu đường, ghiền rượu, thiếu sinh tố B12.

2- Chấn thương cột tủy sống, não bộ.

3- Người bị bệnh Parkinson, như võ sĩ Mohamed Ali.

4- Phong thấp khớp.

5- Do tác dụng phụ của một số dược phẩm.

6- Khiếm khuyết thị giác và giảm cảm giác ngoài da.

7- Biến chứng của tai biến mạch máu não.

8- Không nguyên nhân: Đây là diễn tiến tự nhiên nhưng quá mức của người già khi đi đứng, với  tốc độ di chuyển giảm, mất thăng bằng cơ thể, cử động kém nhịp nhàng. Khi đi, chân họ dạng ra, bước ngắn, thân ngả về phía sau nên dễ ngã, mặc dù chân không yếu, không có dấu hiệu nào chứng tỏ có sự rối loạn về thần kinh vận động.

            Dáng đi của người bị những bệnh kể trên diễn ra theo một số kiểu, đôi khi đặc thù cho từng bệnh.

Có người khi di chuyển, các khớp xương hông, đầu gối và cổ chân duỗi thẳng,  bước chân dang ra ngoài, đi khó khăn, chậm chạp, yếu, móng chân đôi khi quệt xuống đất. Đây là dáng đi thường thấy ở người bị tai biến mạch máu não.

Bệnh nhân bị Parkinson có những bước đi ngắn, cứng nhắc, kéo lê chân trên mặt đất. Họ cất bước khó khăn, bước đi nhanh, chậm bất thường khiến dễ ngã. Ở người này, khớp hông, đầu gối, cổ chân và khuỷu tay co lại, cánh tay ghìm sát vào thân, thân ngả về phía trước.

Trong bệnh tiểu đường, các biến  chứng thần kinh khiến bệnh nhân đi không vững, thân ngả về phía  trước, chân dạng ra, bước đi không mềm mại, ngắn dài khác nhau, bàn chân nhấc cao rồi đập mạnh xuống đất.

Nhiều người sau khi mổ mắt cườm, hoặc đổi kính hai tròng (bifocal ) cũng có dáng đi không vững này trong một thời gian ngắn.

Người bị bệnh phong thấp, nhất là ở hạ chi, khớp xương cứng, hao mòn, giảm mức độ cử động, cơ thịt teo yếu. Họ đi không vững, thân ngả về phía bình thường để bớt đau.

            Dáng đi bắt đầu thay đổi từ tuổi ngoài 30. Khi tới tuổi cao, bước đi sẽ ngắn, bàn chân không nhấc cao lại giữ lâu trên mặt đất, nhịp đi lạch bạch, cánh tay ít đu đưa, vung vẩy, khớp vai ít nhúc nhích, thân ngả về phía trước để giữ thế thăng bằng.

Người cao tuổi thường đứng không vững  khi muốn xỏ một chân vào ống quần, và vì sợ ngã, nên phải kiếm vật gì để vịn.      

            Hậu quả thay đổi dáng đi.

Rối loạn dáng đi là một trong những nguy cơ khiến người cao tuổi hay bị ngã, tạo ra thương tích như gẫy xương chân tay, chấn thương não bộ, đưa đến tàn tật.

Ngoài việc điều trị căn nguyên bệnh, sự phục hồi khả năng di động cuả bệnh nhân rất quan trọng. Có những chương trình y khoa phục hồi, làm tăng khẩu độ cử động các khớp, cũng như huấn luyện điều chỉnh dáng đi cho thăng bằng trở lại, hướng dẫn cách xử dụng xe lăn, gậy, nạng .

Ngoài ra cũng cần khuyến khích, nâng cao tinh thần của người cao tuổi sợ ngã, để họ tự tin hơn và trấn áp sự sợ ngã khi di chuyển.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


GHI CÂU HỎI