Hỏi 258:

Thưa ông bác sĩ,

Nhà tôi vẫn thắc mắc là các nhà y học để nhắc nhở mỗi ngày cần phải uống khoảng một lít nước, nhất là buổi sáng khi thức dậy.Vậy thì tôi  phải giải thích ra sao cho chàng rõ để chàng khỏi thắc mắc. Xin cảm ơn bác sĩ.  

Lê thị Thu Vân.


Đáp:

Thưa bà Vân,

Vai trò của nước trong cơ thể như sau:

Nước chiếm khoảng 65% tổng số trọng lượng cơ thể. Một người cân nặng 60kg có trên 45 kg nước.

Tỷ lệ nước  còn tùy vào độ tuổi: càng ít tuổi thì tỷ lệ nước nước càng cao. Bào thai 5 tháng có 85% nước, trẻ sơ sinh  có 75%, và khi trưởng thành còn 65%.

Nhu cầu nước cũng cao hơn ở trẻ em so với người lớn tuổi.

Nước trong cơ thể phân bố theo hai khu vực chính:

1-Trong các tế bào chiếm từ  65% toiớ 80%;

2-Ngoài tế bào, như trong huyết tương (4%); ruột, bao tử (15%), ở  mắt, não, khớp xương (2%).

 Mỗi thành phần cơ thể lại có một tỷ lệ nước khác nhau tùy theo nhu cầu riêng của thành phần đó. Trong nước miếng 95%, dịch bao tử 95.5%, não  có 86% nước,  thận có 83%; xương có 22%;  cơ tim có 79% nước.

 Bắp thịt có nhiều nước hơn tế bào mỡ. Cho nên người có bắp thịt nở nang thì có nhiều nước hơn người béo phì. Và khi tế bào mỡ lên cao thì nước giảm xuống.

Chỉ cần thiếu hoặc dư nước  chừng vài phần trăm là đã có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nếu nước trong cơ thể giảm đến 20% thì tử vong có thể xẩy ra.

Phần lớn nước thừa được ra trong nước tiểu, số còn lại thoát ra trong mồ hôi, hơi thở, phân.

Khi cơ thể bình thường, lượng nước tiêu thụ cân bằng với nước phế thải khỏi cơ thể. Vì thế, khi  uống nước nhiều thì ta sẽ đi tiểu nhiều và khi giảm uống nước, thì nước tiểu sẽ ít đi.

Trung bình một ngày người lớn cần bổ sung khoảng từ 2 tới 2.5 lít rưỡi nước theo đường ăn uống.

 Nước được phân bổ ở nhiều vùng khác nhau trong cơ thể, nhung liên tục luân lưu qua sự thẩm thấu và hòa tan. Nước đưa vào cơ thể được ruột non hấp thụ, chuyển vào máu rồi từ đó được đưa đi khắp các mô, tế bào.

Nước có một số nhiệm vụ như:

a-Nước cần cho sự sinh tồn của mọi tế bào qua việc chuyên chở chất bổ dưỡng,  chuyển hóa thức ăn và bài tiết  những chất cặn bã của thức ăn cũng như từ các phản ứng sinh hóa học như dioxid carbon, ure, ammoniac.

b-Nước giữ nhiệt độ cơ thể bình thường tương tự như nước chứa trong bình tản nhiệt xe hơi. Chẳng hạn khi nhiệt độ trong cơ thể lên cao, vì nhiễm trùng sốt, vì đi trong nắng nóng, da sẽ đổ mồ hôi, làm giảm nhiệt độ trong người;

c- Nước làm chất “bôi trơn” để giảm ma xát trong sự vận động các khớp xương;

d- Nước  giúp các bộ phận cơ quan trong cơ thể hoạt động hữu hiệu và làm “chất đệm” để tránh sự cọ xát giữa cơ quan này với cơ quan khác;

e-Nước là môi trường trung gian qua đó cả ngàn phản ứng hóa học cần cho sự sống liên tục diễn ra trong cơ thể;

g- Nước chứa đựng nhiều khoáng, chất dinh dưỡng, kích thích tố,  các diêu tố, tất cả theo một tỷ lệ cân bằng mà nếu có xáo trộn thì bệnh tật sẽ xẩy ra;

h- Nước giúp cơ thể loại chất phế thải, cặn bã từ sự tiêu hóa cũng như từ các phản ứng sinh hóa học như phân, carbon dioxide, urea, ammonia;

i-Nước là thành phần cấu tạo của mọi tế bào, mô và các chất dịch  của cơ thể. Nếu không có nước thì sẽ không có nước miếng, dịch vị bao tử, mật để tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng.

Bởi vậy, nước rất cần cho cơ thể cho dù tự nó không cung cấp năng lượng. Điều may mắn  là nước có sẵn trong  tự nhiên ở khắp mọi nơi. Cơ thể chỉ thiếu nước khi ta thiếu hiểu biết và không quan tâm đến nhu cầu này Trong thực tế, không ít người đã vô tình không uống đủ lượng nước mà cơ thể cần.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


GHI CÂU HỎI