Hỏi 251:

Xin bác sĩ cho hỏi.

Con năm đã 40 tuổi là phụ nữ, có gia đình.  Trong cuộc sống gia đình luôn có những xung đột và lo lắng nên cách đây 10 năm con đã bắt đầu căn bệnh gọi là "stress" mất ngủ và không đói, lúc nào nước mắt cũng trào ra tuy không muốn khóc và muốn chết nhưng chồng con không hề biết và cũng không quan tâm đến, con có đi bác sĩ lấy thuốc uống nhưng biết sẽ bị phản ứng phụ nên ngưng thuốc. Sau vài năm chống chọi với bệnh stress con dần dần khỏe hơn và suy nghĩ tích cực hơn.

Cách dây 3 năm, con có những uất ức không nói ra được và triệu chứng cũ lại tái phát và từ đó nó không còn gọi là stress mà con nghĩ là bệnh, đầu con bị căng thẳng tê buốc mỗi khi suy nghĩ, lo lắng hay gặp trở ngại chuyện gì không như mình muốn, thì cảm giác rất khó chịu cái đầu như là bong bóng bơm thật căng muốn nổ ra, cảm giác tê buốt như là đang để đầu trong tủ đá, mắt mệt mỏi chỉ muốn lấy đầu ra khỏi cổ mình. 

Khi con sinh em bé trong năm đầu tiên con bị stress rất nặng, ngày nào trong lòng con cũng thấy buồn bã, bi quan, mệt mỏi chán cuộc sống hiện tai, nước mắt lúc nào cũng trào ra tuy không có muốn khóc, lúc đó cuộc sống gia đình có những xung đột, khi thấy con như vậy chồng con không quan tâm và càng căng thẳng hơn. Con có nói với chồng về bệnh tình này và muốn tìm bác sĩ để chữa nhưng chồng con không xem như là bệnh cần chữa. Con không biết tìm bác sĩ nào ở đâu có thể gặp trong vùng DFW này.

Xin bác sĩ chỉ dẫn cho con. Cảm ơn bác sĩ.      

Thien-Nga Doan 


Đáp:

Tôi thông cảm trường hợp của bà lắm vì nếu stress cứ liên tục tái diễn hoặc kéo dài sẽ đưa tới nhiều ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe. Tiền nhân ta vẫn nói: “Đời là bể khổ”.

Khổ là hoàn cảnh trong đó con người chịu nhiều khó khăn thiếu thốn về vật chất hoặc bị giày vò bất an về tinh thần. Như vậy thì “Khổ” cũng là một trong những cái stress mà con người phải sống với. Nếu stress cứ liên tục tái diễn hoặc kéo dài sẽ đưa tới nhiều ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe. 

Sống không có stress là điều khó có thể thực hiện được, nhất là trong hoàn cảnh xã hội có nhiều biến đổi, kinh tế khó khăn, đạo đức xuống dốc như hiện nay. Làm sao để đối phó với stress mới là điều cần thiết. Mỗi người có những phương cách riêng để giải quyết khó khăn của mình.

Sau đây là một vài gợi ý:

1-Tìm hiểu nguồn gốc của stress. Có thể là do gập ghềnh trong giao tế nhân sự, khó khăn trong công việc làm ăn, thất thoát tài chánh, suy yếu sức khỏe, gia đạo bất an…Biết để tìm cách xả stress.

2-Sắp đặt lại công việc hàng ngày, theo thứ tự ưu tiên, quan trọng.

3-Đặt giới hạn cho các tham gia, cam kết với các sinh hoạt trong đời sống, tránh ôm đồm quá sức. Đừng cố quá để rồi thành “quá cố”.

4-Đừng coi thường sức khỏe, lắng nghe tiếng cầu cứu của một cơ thể bị lạm dụng lao động quá mức.

5-Cân bằng đời sống, chia thì giờ cho việc làm, ăn uống, ngủ nghỉ.

6-Năng vận động cơ  thể. Đang căng thẳng mà làm mươi phút đi bộ, bơi lội, hít thở thì stress cũng giảm cường độ khá nhiều.

7-Dành thì giờ để giải trí với gia đình bạn bè.

8-Áp dụng các phương pháp đối phó với stress như thư giãn thiền định, hít thở xâu, thoa bóp; tạm rời công việc để “xả xú báp” và “tái nạp bình điện”;

9-Tâm sự chia sẻ khó khăn của mình với người đáng tin cậy để nhờ góp ý.

10-Duy trì một tâm trạng hài hước. Cười là 10 thang thuốc bổ.

11-Đề cao cảnh giác, nhận diện và chú ý tới các dấu hiệu báo động sự xuất hiện của stress và sẵn sàng giải quyết.

12-Ghi nhớ các hoàn cảnh stress xảy ra, ở đâu, vào thời điểm nào, tại sao xảy ra. Biết để tránh.

13-Tránh những stress nào có thể tránh được.

14- Giải quyết stress với các khả năng hiện có. Với những stress bướng bỉnh, không giải quyết được thì để một bên, giải quyết sau. 

Xin ghi nhớ là những cảm giác không vui như sợ hãi, lo âu, giận dữ, bực tức phát xuất từ phản ứng của ta mà ra chứ không phải từ stress. Nếu ta kiểm soát được các phản ứng này là ta đã tạo được một tâm trạng bình an, thoải mái trong đời sống.

Chúng tôi rất tiếc mà thưa cùng bà là hiện nay ở vùng DFW tôi chưa thấy một bác sĩ VN nào mở phòng mạch tư để bà tham khảo. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng khi bà kể chuyện của mình cho một người bạn thân nào hoặc bác sĩ gia đình thì có thể giải quyết được vấn đề Stress của bà.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


GHI CÂU HỎI