Trầm
cảm là một bệnh thường thấy ở người tuổi cao, nhưng ít được chú ý và xác
định để điều trị. Lý do là người cao tuổi đôi khi không nhận mình có vấn
đề, hoặc vì triệu chứng bệnh không rõ rệt.
Trầm cảm không phải là sự thay đổi bình thường của tuổi già như nhiều
người nghĩ mà cũng không phải chỉ là triệu chứng của các bệnh về thể
chất. Bệnh Trầm cảm ở người già có một sắc thái, nguyên nhân riêng biệt.
Mỗi năm có từ 5 đến 10% người già được chữa ở phòng mạch bác sĩ gia đình
vì trầm cảm. Tỷ lệ người già sống ở viện dưỡng lão bị trầm cảm lên đến
15%.
Ở
tuổi dưới 65, nữ giới bị trầm cảm nhiều hơn nam giới, nhưng sau tuổi đó,
tỷ lệ gần như nhau vì số người nam bị bệnh tăng lên.
Nữ
giới hay bị trầm cảm hơn nam giới, với tỷ lệ 2/1. Một số giải thich cho
là nữ giới hay gặp các nghịch cảnh, bạo hành cũng như thường có những
nhận thức tiêu cực, kém tự tin. Họ thường ứng phó bằng sự suy tư về nỗi
buồn của mình, trong khi người nam tìm cách giải quyết hoặc quên đi.
Trái với tin tưởng của nhiều người, kích thích tố nữ không là nguy cơ
của trầm cảm phụ nữ, nhất là vào tuổi mãn kinh khi estrogen giảm thiểu.
Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Mặc dù có sự khác biệt về tỷ lệ trầm cảm giữa nam và nữ, nhưng các dấu
hiệu không khác biệt mấy. Nếu có khác thì chỉ ở việc người nữ hay có các
triệu chứng thể xác như là mệt mỏi, mất ngủ, kém ăn và lo âu trước khi
trầm cảm hơn là ở nam giới.
1-
Thay đổi về cảm xúc
Đây là thay đổi về khả năng cảm thấy của người bệnh. Để cho chính xác,
các thay đổi này cần được so sánh với cảm giác trước khi lâm bệnh.
Cảm xúc thông thường nhất là sự buồn bã. Nó xẩy ra mỗi ngày, kéo dài cả
tuần lễ, khiến cho người bệnh không thiết tha gì tới bản thân cũng như
mọi sự việc chung quanh. Cảm xúc bao chùm vàlan tràn trong tâm tư người
bệnh. Họ không thấy thỏa mãn với cuộc sống vì những lý do mơ hồ như kém
sức khoẻ, thiếu hụt tài chánh, đơn côi cảnh goá bụa. Những thích thú
thường lệ đều mất đi. Người ham đọc sách sẽ không còn hứng thú, đánh bài
tiêu khiển với bạn bè cũng bỏ. Ăn uống, tình dục lơ là. Họ tránh giao
du với bàn bè, thân thuộc, chỉ thích ở một mình. Đôi khi họ lại thấy
trống trải và muốn khóc. Nhiều người rơi vào tình trạng lo âu với nội
tâm bất an, sợ hãi nguy hiểm có thể xẩy ra hoặc trở nên cáu kỉnh, gắt
gỏng với mọi người.
2-
Thay đổi về nhận thức
Theo bác sĩ tâm thần AT Beck, có đến 81% người bệnh trở nên kém tự tin,
bi quan, tự trách mình bất lực, thất bại, nghi ngờ khả năng mình.
Vì
trầm cảm, người già thường nói là tương lai ảm đạm, không còn lý do gì
để sống. Họ cũng có những ảo tưởng cho là mình bị người khác hành hạ vì
mình tội lỗi hay bất xứng; có những ảo giác như nghe tiếng nói đâu đó
quở mắng họ đã phạm nhiều khuyết điểm. Họ kém tập trung trong việc làm,
đọc sách báo, coi truyền hình; rất hay quên, làm việc gì xong phải coi
đi coi lại hai ba lần. Họ cũng hay tư lự, ngẫm nghĩ vu vơ về mọi sự
việc trên đời.
3 - Thay đổi về thể chất
Thay đổi này rất quan trọng vì luôn luôn xẩy ra ở người trầm cảm cao
tuổi. Những triệu chứng thông thường nhất gồm có:
a-Rối loạn giấc ngủ
Có
tới 36% bệnh nhân bị rối loạn về giấc ngủ. Nhiều ngưòi than phiền nằm
trằn trọc, giở mình qua lại mà không vào giấc ngủ được hoặc thức giấc
giữa khuya vì ác mộng rồi không sao ngủ lại được.
Đa
số người cao tuổi thường dậy sớm, từ bốn năm giờ sáng rồi nằm nghĩ mung
lung, thức luôn cho tới sáng.
Một số nhỏ bênh nhân lại ngủ li bì.
b-Mệt
mỏi
Khoảng 34% bệnh nhân than phiền mệt mỏi, rã rời, không còn sinh lực. 29%
bị chóng mặt thường xuyên.
c-Ăn
mất ngon
Khoảng 29% bệnh nhân ăn mất ngon do đó bị xuống cân.
d.Giảm
tình dục
Ước muốn và khả năng hoàn tất tình dục giảm, gây vài sáo trộn trong tình
vợ chồng. Lão ông hay bị rối loạn cương dương.
e.Ngoài ra, người cao tuổi bị trầm cảm thường hay có những than phiền mơ
hồ như nhức đầu, đau lưng, đau bụng, táo bón, miệng khô buồn nôn, khó
thở, đau ngực, ăn không tiêu.
4 - Thay đổi về tác phong, dáng điệu
Người trầm cảm thường có nét mặt rất buồn, bước đi chậm chạp, kéo lê bàn
chân, lưng khom khom, mắt nhìn xuống đất.
Quần áo lôi thôi, lếch thếch. Nói năng chậm, đôi khi buồn chẳng muốn mở
miệng, ai gọi chẳng muốn trả lời.
Có
người đứng ngồi không yên, bồn chồn, đi tới đi lui, ngón tay luôn cử
động, soắn vào nhau.
Về
ăn uống thì “sầu riêng cơm chẳng buồn ăn, đã bưng lấy bát, lại giằn
xuống mâm ”, không muốn nhai, không muốn nuốt.
Điều trị
Khi được xác định bị bệnh trầm cảm không có nghĩa là ta phải sống trong
vòng khổ lụy suốt đời.
Thực vậy, với điều trị đúng lúc, đúng thuốc, với lời khuyên giải, hỗ trợ,
nhiều người khỏi và trở lại với nếp sống bình thường.
Hiện
nay đã có nhiều phương thức để điều trị trầm cảm rất hữu hiệu bao gồm sự
phối hợp giữa dược phẩm, tâm lý trị liệu, trị liệu theo nhóm, trị liệu
gia đình, góp ý giải quyết các về vấn đề xã hội. Điều quan trọng hơn cả
là sự hợp tác của bệnh nhân với thầy thuốc cũng như sự hỗ trợ của gia
đình,
Cho nên khi thấy mình có năm trong những dấu hiệu sau đây thì nên tham
khảo bác sĩ :
a-Buồn
suốt ngày;
b-Mất
hứng thú sinh hoạt, tiêu khiển;
c-Thay
đổi khẩu vị với ăn nhiều, ăn ít;
d-Mất
ngủ hay ngủ quá nhiều; trở nên lo lắng bôn chồn;
e-Luôn
luôn mệt mỏi, không sinh lực; cảm thấy bất lực, vô dụng;
g-Kém
tập trung, kém trí nhớ;
h-Thường
hay nghĩ tới cái chết.
Để được giúp đỡ, thuốc thang trị liệu cho cuộc đời trở lại tươi vui hơn
ngõ hầu an hưởng Tuổi Vàng mà Thượng Đế đã ban cho.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức