Thưa ông,
Cảm ơn ông đã nêu ra câu hỏi này vì đây
cũng là thắc mắc của nhiều người.
Caffeine là một hóa chất hữu cơ thuộc
nhóm purines. Một giờ sau khi uống, lượng caffeine từ hệ tiêu hóa
nhập vào máu lên cao nhất. Sau đó caffeine được gan chuyển hóa rồi
được thải ra ngoài qua nước tiểu trong vòng 24 giờ. Thời gian bán
hủy là từ 3-5 giờ nên caffeine không tích tụ trong cơ thể. Uống cà
phê mà hút thuốc lá thì caffeine thải ra mau hơn.
Tác dụng chính của caffeine
là kích thích hệ thần kinh trung ương, tăng sinh hoạt trí tuệ, làm
ta tỉnh táo nhất là khi con người mỏi mệt hoặc chán nản.
Năm 1970, bác sĩ J.
Murdochitchie đã nghiên cứu rộng rãi sự lợi hại cuả cà phê và ghi
trong tác phẩm The Pharmacological Basis of Therapeutics như sau:
“Cà phê kích thích phần vỏ não. Sự kích thích này làm ta suy nghĩ
sáng suốt và mau lẹ hơn, làm cơ thể bớt ngây ngất, mệt mỏi, động tác
chân tay bền bỉ hơn. Nếu uống một hay hai ly cà phê, lực sĩ đua xe
đạp thấy sức đạp xe tăng lên 7% và kéo dài lâu hơn 40%.”
Trong Executive Fitness
Newsletter ngày 13 tháng 10 năm 1984 có ghi caffeine là chất kích
thích thần kinh trung ương rất mạnh và đưa tới tăng nhịp tim, tăng
chuyển hóa căn bản, tăng dịch vị bao tử, gây khó ngủ; nếu tiêu thụ
nhiều hơn thì sẽ có trạng thái lo lắng, bồn chồn, nóng nẩy, nhức đầu
chóng mặt, buồn nôn, ói mửa. Caffeine cũng làm đường huyết lên cao
nhưng vài phút sau lại giảm xuống ngay; làm co cơ thịt trong thành
động mạch, tăng sức bóp của tim, tăng máu từ tim đưa ra, tăng huyết
áp, tăng bài tiết nước tiểu. Ngoài ra caffeine làm tăng sự dẻo dai
của lực sĩ thể thao, vì thế Ủy Ban Thế Vận kiểm soát coi họ có dùng
quá nhiều chất kích thích này.
Mỗi người có sức chịu đựng với lượng cà
phê nhiều ít khác nhau. Bình thường cơ thể chịu được khoảng 200mg
caffeine. Khi dùng trên 1000 mg thì có người thấy mất ngủ, hồi hộp,
tim đập nhanh, thở hổn hển, ù tai, buồn tiểu, sót ruột. Tử vong có
thể xẩy ra khi dùng trên 10 gram (80-100 ly) caffeine.
Hy vọng những góp ý của tôi có thể giúp
ông giải quyết chuyện tranh chấp với bà nhà về cà phê.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức