Hỏi 242:

Mẹ em  năm nay 47 tuổi. Cách đây 5 năm, các ngón ngón tay  thỉnh thoảng bị cứng  và có  triệu chứng như bị vọp bẻ, ban đêm hay bị tê, các khớp tay chân, đầu gối bị mỏi, dần dần vận động khó khăn. Có đi khám các bác sĩ ở Sai Gòn, nghi là bị khớp nhưng không xác định được bệnh.

 Sau 2 năm  mẹ em đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh ở Saigon  và được xác định là bị bệnh Parkinson độ III.  Thời gian đầu bác sĩ cho uống Tant?  madopa 65 Betasetam rồi  tăng liều  lên và đã uống 3 năm rồi.

Xin giải đáp cho về Căn bệnh Parkinson  và loại thuốc có đúng không  hiệu quả ra sao. Mẹ vẫn uống thuốc như bác sĩ dặn, không bỏ quên liều nào.

Mẹ em hiện tại  hay bị cứng cơ đi lại khó khăn trong ngày thỉnh thoảng cơ có mềm ra; vận động khá dễ dàng nhưng vài tiếng đồng hồ sau lại bị cứng cơ, đi đứng lựng khựng xin giải giáp giùm em.

Cô Bảo Vi ở Houston


Đáp:

Trả lời cô Bảo Vi ở Houston về bệnh Parkinson của bà mẹ.

Cô cho biết là bác sĩ đã xác định mẹ cô bị bệnh Parkinson độ III và xin giải đáp về căn bệnh cũng như cách chữa. Chúng tôi xin đáp ứng yêu cầu của cô.

Bệnh Parkinson mà ta goi là Hội Chứng liệt rung Parkinson là một bệnh  thoái hóa, vô căn, phát triển dần dần của hệ thần kinh não bộ với các đặc trưng như cơ run, cứng, rất ít các cử động tự phát, và dáng đi không vững. Bệnh thường thấy ở tuổi trung niên và tuổi già.Cứ 100 người trên 65 tuổi thì một người bị.

Bệnh có thể vô căn tức là không biết căn nguyên với rối loạn ảnh hưởng tới hạch đáy của não hoặc do các nguyên nhân ngoại nhập như sau khi dùng thuốc về tâm thần, thuốc cao huyết reserpine. Đôi khi hội chứng có thể là  do ngộ độc với khí  than (carbon monoxide), khoáng manganese, chấn thương với u máu dưới màng cứng (subdural hematoma), tác động muộn của viêm não.

Triệu chứng.

Bệnh bắt đầu một cách âm thầm với run, thường ảnh hưởng tới một tay, rồi lan đến chân cùng bên rồi sau đó lan tới các chi khác. Run tối đa khi nghỉ, giảm khi cử động và khi ngủ thì lại không xuất hiện, nhưng tăng khi có xúc động hoặc trong người mệt mỏi. Run gây trở ngại cho các động tác như cầm đũa bát và cơm, hoặc cầm bàn chải đánh răng.

Nhiều người bệnh không run nhưng cơ cũng cứng đơ khiến các động tác khó khăn, đi đứng không vững, có khuynh hướng khom xuống, khi chạy thì lê chân để giữ thăng bằng.Bệnh nhân có vẻ mặt vô cảm như mang mặt nạ, miệng mở , mắt ít chớp, tiếng nói yếu, đều đều , nhịu cứng.

Điếu trị

Về điều trị thì tôi thấy các thuốc mà mẹ cô đang dùng cũng là thuốc mà các bác sĩ bên đây cho bệnh nhân. Đó là thuốc  Carbidopa, Levodopa, Bromocriptine, Pergolide, SElegiline, benzotropine, Amantadine. Thuốc Propanolol cũng thuong được dùng để giảm run khi cử động.

Hiện nay, phương pháp giải phẫu để ghép tế bào thần kinh, kích thích não cũng đang được thử nghiệm để trị hội chứng liệt run này.

Chúng tôi được biết ở bệnh viện Chợ Rẫy, Sai gòn có một số bác sĩ  đã tu nghiệp chuyên khoa thần kinh nội khoa và giải phẫu. Cô có thể mang mẹ cô lên xin khám và hỏi thêm về các phương pháp giải phẫu này.

Ngoài ra chúng tôi đề nghị với cô là khuyên bà mẹ cố gắng sinh hoạt  bình thường tới mức tối đa có thể được, vận đong cơ thể nhất là cơ bị cứng. Bên nhà cũng có các chuyên gia phục hồi, cô có thể xin họ chỉ cho mẹ cô cách cử động để duy trì chức năng cơ bắp. Một điểm khác cũng cần lưu ý cô là người bị hội chứng này thường hay táo bón, nên đề nghị cô nói với bà mẹ ăn nhiều thực phẩm có chất xơ như rau, trái cây.

Chúc cô VUI MẠNH và Mẹ cô mau hồi phục.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


GHI CÂU HỎI