Xuất hiện từ thời cổ Hy Lạp rồi Đế chế La Mã, tắm hơi vẫn là sinh hoạt
được nhiều người ưa thích. Phòng tắm hơi có mặt tại khắp mọi nơi như
khách sạn, câu lạc bộ thể thao, thẩm mỹ viện, phi trường, tư gia… Cần
phân biệt hai loại tắm hơi. Đó là phơi mình trong hơi nóng khô (Sauna)
và hơi nóng ẩm ướt (Steam bath).
Sauna
Sauna có nguồn gốc từ Phần Lan. Dân chúng nơi đây coi sauna như
nơi tập họp gia đình bạn bè để thư giãn, sửa soạn cho bà bầu sinh đẻ,
tẩy uế người thân mệnh một trước khi chôn cất. Hầu hết mỗi gia đình đều
có một sauna với nhiều kiểu lớn nhỏ khác nhau.
Theo truyền thống, hơi nóng của sauna phát ra từ một lò chứa
nhiều tảng đá đun nóng bằng củi gỗ các loại có mùi thơm dễ chịu. Tảng đá
giữ nhiệt. Nước lạnh được vẩy trên đá để tạo ra hơi nóng ẩm. Nhiệt độ
trong phòng thay đổi từ 80-100 độ C. Không khí thường khô hơn là
steam house.
Steam Bath
Đây là những phòng kín trong đó hơi nước được phun ra từ máy chứa đầy
nước đun sôi. Không khí trong phòng hoàn toàn ẩm ướt và nóng ở nhiệt độ
thay đổi từ 43- 45 độ C. Tiêu biểu là Turkish Bath. Hình thức
xông hơi lấy mền phủ kín người ngồi trước nồi nước sôi có cỏ cây làm
thuốc hoặc dầu nóng của người mình khi bị cảm lạnh cũng tương tự như tắm
hơi. Hiện nay, có nhiều lồng tắm hơi mà ta có thể mua về gắn thêm vào
buồng tắm thường ở nhà, rất tiện lợi.
Ý kiến khác nhau về tắm hơi nóng
- Có người nói tắm hơi nóng để tiêu mỡ, giảm cân: Thực ra tắm hơi chỉ
làm mất đi một lượng chất lỏng trong cơ thể, chứ không làm tan được
những tế bào mỡ ngự trị ở vùng mông, vùng bụng như nhiều nhà sản xuất lò
tắm hơi quảng cáo.
Mất chất lỏng là do sự bốc hơi trên da để giảm nhiệt độ cơ thể lên cao
vì sức nóng.
Do đó sẽ giảm chút đỉnh cân nặng trong vài giờ. Có nghiên cứu cho hay,
với 30 phút tắm hơi cơ thể cũng tiêu hao khoảng 300-500 calo vì cơ tim
tăng hoạt động. Các võ sĩ quyền Anh, tay đô vật tắm hơi trước khi chính
thức cân trọng lượng cơ thể sao cho đúng với tiêu chuẩn.
Nhớ có sẵn chai nước khi tắm hơi để bổ sung sự thất thoát nước này. Và
nếu muốn giảm mập phì nên thay đổi ăn uống và tập thể thao, vận động cơ
thể.
- Tắm hơi có ảnh hưởng tới huyết áp: Tại một vài nhà tắm hơi, có niêm
yết là ai bị cao huyết áp hoặc bệnh tim nên dè dặt cẩn thận trong phòng
hơi nóng. Lý do là khi cơ thể tiếp xúc với môi trường nóng, nhiệt độ cơ
thể lên cao. Để thích nghi, các mạch máu trên da mở rộng, máu dồn ra
nhiều, huyết áp hơi giảm một chút và làm nhiều người chóng mặt.
- Tắm hơi tẩy độc trong cơ thể: Tắm hơi có thể làm sạch lỗ chân lông qua
việc đổ mồ hôi. Một số muối khoáng như kali, natri, magne, calci, Cl có
thể mất đi qua mồ hôi. Nói rằng tắm hơi loại độc chất trong cơ thể thì
chắc là không đúng lắm. Nhưng da sẽ sạch sẽ, mềm mại, tăng máu lưu thông,
coi bộ hồng hào hơn. Tuy nhiên cũng không nên tắm hơi quá lâu kẻo mà da
lại quá khô vì tuyến nhờn trên da bị tổn thưong. Khoảng 15 tới 30 phút
là vừa đủ.
- Tắm hơi làm rụng tóc? Chắc là không làm rụng tóc đâu. Ngược lại, tắm
hơi làm máu lưu thông tới da đầu nhiều hơn, da đầu sạch sẽ, bớt gầu bớt
vi khuẩn, từ đó tóc có thể mọc mạnh hơn
- Có gây hiếm muộn nam giới không? Câu hỏi được nhiều người nêu ra, là
vì có nghiên cứu nói nhiệt độ quá cao sẽ giảm sản xuất tinh trùng của
ngọc hành. Chẳng hạn mặc quần lót quá chật gây cọ xát, ngồi đạp xe đạp
lâu giờ. Mà giảm tinh trùng là một trong nhiều rủi ro của hiếm muộn nam.
Do đó, ngọc hành được tạo hóa sắp đặt nằm ngoài cơ thể, nhiệt độ thấp
hơn là ở trong cơ thể. Tắm hơi chắc cũng không gây ra tác dụng không tốt
này, vì thời gian tắm không lâu. Để chắc ăn, ta cứ phủ tấm khăn lông,
che chỗ kín cho an toàn xa lộ, chẳng sợ vô sinh.
- Nghiên cứu tại Đại Học Munich cho rằng tắm hơi nóng ẩm giúp ngủ ngon
hơn, tăng cường máu lưu thông ngoài da, căng cơ, viêm khớp nhẹ, giảm ho
đàm, khó thở…
- Trong khi đó, bác sĩ Harvey Simson, Chủ biên Harvard Men’s Health
Watch lại có ý kiến là tắm hơi an toàn nhưng có ít bằng chứng rằng tắm
hơi mang lại ích lợi cho sức khỏe ngoài cảm giác thoải mái thư giãn. Ông
cũng lưu ý bệnh nhân huyết áp cao, suy tim, nhịp tim bất thường, cơn đau
tim angina, bệnh van tim nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định tắm
hơi.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức