Thân gửi em Ðinh Xuân
Tú
Kể từ khi được phát
minh và sản xuất từng loạt, máy vi tính đã trở thành một dụng cụ điện tử
gắn liền với nhu cầu đời sống con người. Tại các cơ quan chính quyền
cũng như cơ sở tư nhân, gia đình học đường, đâu đâu cũng thấy sự hiện
diện của máy. Người sử dụng ngày một gia tăng trong mọi sinh hoạt, dịch
vụ, từ chuyển tin tức tới tìm tài liệu, tàng trữ hồ sơ, soạn thảo chương
trình, thu phát âm thanh, hình ảnh. Rồi lại còn giải trí, đọc văn thơ,
nghe nhạc, coi tiểu thuyết phim ảnh đủ loại trên vi tính.
Ý kiến về Rủi Ro Vi
Tính
Với sự gia tăng sử
dụng thì cũng đã có nhiều thắc mắc về rủi ro sức khỏe do màn hình gây
ra. Người thì than phiền nhức đầu đau vai vì gò lưng lâu giờ trên vi
tính, có người lại nói mắt mờ, thị giác giảm vì nhìn chăm chú vào màn
hình. Cũng có nghiên cứu nói màn hình với tia phóng xạ gây ra khó khăn
sinh đẻ cho nữ giới hoặc nan bệnh ung thư. Các rủi ro thường thấy là:
1-Khó chịu ở mắt-
Sử dụng vi tính lâu
có thể đưa tới một rối loạn về mắt gọi là Hội Chứng Vi Tính Thị Lực
(Computer Vision Syndrome -CVD).
Theo Hội Bác sĩ Chỉnh
Quang Hoa Kỳ thì người sử dụng vi tính có thể thấy các dấu hiệu như mỏi
mệt mắt, giảm thị giác hoặc nhìn một hóa hai, chẩy nước và sót mắt, nhức
đầu và phải thay kính nhiều hơn. Lý do là họ đã liên tục đọc tài liệu
trên màn hình, mắt mở rộng, tiếp xúc với nhiều với không khí, nước mắt
bốc hơi mau nên mắt khô, nước mắt ít ra.
Chưa có bằng chứng vi
tính gây ra mất thị giác vĩnh viễn nhưng rối loạn thị giác dù tạm thời
cũng giảm sản xuất, mất thời gian và công việc trở nên không hài lòng.
Thường thường các khó khăn của mắt là do mệt mỏi vì nhìn lâu hoặc do
phản chiếu ánh sáng, ánh sáng trên màn hình không đủ, ánh sáng chiếu vào
từ cửa sổ.
Sau đây là vài mẹo
vặt để giảm khó chịu cho mắt.
Luyện mắt bằng cách
đôi khi tập trung nhìn vào các vật ở tầm xa khác nhau; chớp mắt thường
xuyên để tăng ướt mắt, sạch bụi (phương thức 20 phút đọc rồi 20 giây
nhìn đó đây); giữ không khí trong phòng hơi ẩm, chẳng hạn với vài khóm
cây, một chậu nước, để thu hút hơi hóa chất; điều chính độ cao để cạnh
trên của màn hình ngang với tầm mắt khi ta ngồi ngay ngắn làm việc; điều
chỉnh ánh sáng trên màn hình cho thích hợp; đừng để ánh sáng rọi vào màn
hình (chẳng hạn từ cửa sổ); giữ màn hình sạch sẽ; đặt màn hình và giá
giữ giấy tờ cùng khoảng cách với mắt; sửa hoặc thay màn hình khi hình
ảnh nhẩy hoặc mờ. Nhỏ vài giọt nước mắt nhân tạo để mắt bớt khô. Khám
mắt ít nhất hai năm một lần hoặc thường xuyên nếu có khó khăn thị giác
mỗi khi dùng vi tính. Quý vị cao tuổi và người mang kính hai tròng
thường gặp trở ngại thị giác khi nhìn tài liệu trên màn hình.
2- Ðau nhức cơ
xương.
Nhiều người than
phiền đau nhức ở cánh tay, cổ tay, lưng, cổ, nhức đầu.
Các khó khăn này
thường xẩy ra khi ta ngồi không ngay ngắn trước màn hình, không có dựa
lưng, ngồi quá lâu trong cùng vị thế hoặc do bàn ghế không thích hợp với
công việc.
Trong chương trình
giải đáp y tế cho đài VOA, một bạn trẻ ở Việt Nam than phiền đau thắt
lưng vì ngồi sổm trên nền nhà, làm việc với vi tính cả mấy giờ liền.
Ngồi bó gối như vậy thì lưng phải mỏi, vai phải nhức.
Ðể giảm thiểu các khó
khăn này, nên cứ mỗi giờ ngưng công việc vài phút, thư giãn cơ thể, xen
kẽ công việc để tránh nhắc đi nhắc lại cùng động tác quá lâu.
3- Hội Chứng Ðường
Hầm Cổ Tay
Thường xẩy ra và trầm
trọng hơn cả là Hội Chứng Ðường Hầm Cổ Tay (Carpal Tunnel Syndrome).
Bệnh liên quan tới
dây thần kinh giữa (median nerve) và gân co gập (Flexor) ngón tay. Gân
và dây thần kinh chạy từ cánh tay xuống lòng bàn tay, trong đường ống do
các xương cổ tay họp thành. Khi ta liên tục co ngón tay, gân cọ xát vào
xương, sưng lên và đè lên dây thần kinh giữa.
Bệnh nhân có cảm giác
như kim châm, tê tê và đau đau ở ngón tay trỏ và ngón giữa và làm yếu
mỏi cơ thịt của ngón cái.
Hội chứng thấy ở nữ
nhiều hơn là nam giới, và thường có trong các bệnh như viêm thấp khớp,
tiểu đường, giảm chức năng tuyến giáp.
Với nghề nghiệp thì
bệnh là hậu quả việc co ruỗi cổ tay liên tục khi dùng bàn phím vi tính
hoặc máy đánh chữ, thư ký biên chép, nhạc sĩ bấm phím đàn, công nhân dây
truyền lắp ráp, thợ sửa xe hơi...
Hội chứng có thể chữa
được bằng thuốc steroids, thuốc chống viêm, vật lý trị liệu, hoặc giải
phẫu giải tỏa sức ép trong hầm.
Ngoài ra, nên có vài
giây phút xả hơi giữa công việc để cổ tay nghỉ, tránh bàn tay nắm con
chuột quá chặt, kê cổ tay trên cục mềm cũng giúp giảm thiểu khó khăn này.
Cũng nên ghi nhận
thêm là có trường hợp máu cục hạ chi ở một người liên tục dùng vi tính
trong cả chục giờ. Trường hợp này cũng giống như rủi ro xẩy ra cho hành
khách ngồi quá lâu trên máy bay, vì chân tay không vận động.
Nói chung, đa số các
khó khăn khi sử dụng vi tính là do cách thức làm việc và có thể tránh
được với một vài điều chỉnh./.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức