Hỏi 226:

Thưa bác sĩ

Tôi làm việc ở nhà giữ trẻ. Có nhiều cháu bé luôn luôn nghịch ngợm, không chịu ngồi yên mà cứ chạy từ chỗ này sang chỗ kia, chọc ghẹo bé khác. Các bà mẹ nói là các cháu bị chứng hiếu động và đang được điều trị. Xin bác sĩ giải thixh1 về hiện tượng này và chữa như thế nào. Cảm ơn bác sĩ.

Ngọc Tình


Đáp:

Các cháu bị như vậy là do bị bệnh hiếu động và kém tập trung. Đây là một rối loạn về hành vi với các đặc điểm là người bệnh có khó khăn tập trung tư tưởng, rất hiếu động và cư xử hấp tấp bốc đồng

Bệnh rất phổ biến. Nước Mỹ hiện có 4.4 triệu trẻ em từ 4- 17 tuổi được xác định có bệnh. Bệnh cũng thấy ở người trưởng thành. 

                                                                                                               

Nguyên nhân

Nguyên nhân đưa tới hiếu động-kém tập trung chưa được biết rõ. Theo các nhà tâm lý học, bệnh có thể là do:

-Gen di truyền

-Yếu tố môi trường như là người mẹ hút thuốc lá hoặc uống rượu trong khi có thai

-Tổn thương não bộ của người bệnh

-Mất cân bằng vài hóa chất trong cơ thể

-Thiếu vài chất dẫn truyền thần kinh điều hòa hành vi

 

Các dấu hiệu chính của bệnh:

 

1-Hiếu động.

Trẻ ngồi đứng không yên, luôn luôn di chuyển, lấy vật này, sờ vật kia, nói liên hồi.

Ngồi tại chỗ để ăn hoặc nghe bài là cả một khó khăn với các em.

Các em cũng muốn làm nhiều việc một lúc

 

2-Không kiểm soát được hành động, hay hấp tốc, bốc đồng, nói không kịp suy nghĩ, diễn tả lung tung, không để ý tới hậu quả lời nói và việc làm, không chờ đợi tới lần mình, trả lời trước khi nghe hết câu hỏi, không kiên nhẫn, hay đòi hỏi.

 

3-Kém tập trung.

-không hoàn tất công việc được giao phó  hoặc các bài vở ở trường

-chưa xong việc này đã nhẩy sang việc khác

-dễ chia trí vì tiếng động hoặc sự việc nhỏ nhặt ở xung quanh

-không theo hướng dẫn và dễ dàng lầm lỗi

-không biết sắp đặt công việc

-quên đồ chơi, bút viết, sách vở

-khó khăn hoàn tất một công việc

-không để ý tới chi tiết hoặc làm theo hướng dẫn

-hay bị chia trí và hay quên việc thường làm mỗi ngày.Ngoài ra, sự phát triển trí tuệ cũng giảm, học hành kém, không có óc tổ chức, hay bướng bỉnh, chống đối.

Xác định bệnh: cần các dấu hiệu vừa kể và đã kéo dài trên 6 tháng.

Bệnh không được cha mẹ phát hiện cho tới khi trẻ có vấn đề khó khăn ở trường học.

Vì trẻ có hành vi khác thường ờ trường, nên thầy cô giáo nhận ra rối loạn của trẻ.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu kể trên, nên đưa tới bác sĩ gia đình để khám nghiệm. Sau khi loại trừ nguyên do thể chất, bác sĩ sẽ giới thiệu tới nhà chuyên môn tâm bệnh để tìm hiểu xác định bệnh và điều trị.

Ðiều trị

Bệnh có thể điều trị bằng dược phẩm với các loại thuốc kích thích như Ritalin, dexedrine.

Tâm lý trị liệu, liệu pháp hành vi, huấn luyện kỹ năng, nhóm hỗ trợ cũng có nhiều tác dụng tốt để điều trị bệnh nhân.

Ngoài ra, các nhà chuyên môn tâm lý cũng hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc con.

Cần giải thích cặn kẽ rõ ràng cho con về mọi công việc và theo dõi kết quả việc làm.

Giúp con sắp xếp công việc cho có thứ tự. Khuyến khích con tự kiểm soát và tự học hỏi.

Bệnh nhân cũng được theo học các chương trình giáo dục đặc biệt để thay đổi hành vi.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


GHI CÂU HỎI