Hỏi 212:

Thưa bác sĩ,

Chúng tôi có cháu gái năm nay 21 tuổi. Từ hơn ba tháng nay, cháu bỗng nhiên biếng ăn, hay tư lự buồn rầu. Bác sĩ gia đình nói cháu bị bệnh trầm cảm và đang chữa cho cháu. Chúng tôi muốn biết rõ hơn về bệnh này, liệu có chữa khỏi không và chữa bằng cách nào. Cảm ơn bác sĩ.

Vợ chồng Lê Minh Phương


Đáp:

Cũng như các bệnh khác, trầm cảm có thể chữa khỏi nếu bệnh được tìm ra  và điều trị sớm.

Có nhiều phương thức để điều trị trầm cảm. Phương thức thường dùng nhất là dược phẩm, tâm lý trị liệu hoặc phối hợp cả hai.

Tâm lý là những tình cảm, nhận thức, ý chí của mỗi người. Tâm lý trị liệu tìm hiểu hoàn cảnh đưa tới rối loạn tâm thần và các vấn đề tâm lý rồi giúp người bệnh phát tự hiểu mình hơn để tự giải quyết khó khăn của chính mình. Các nhà chuyên môn y học không điều khiển các quyết định của bệnh nhân.

Về dược phẩm thì có cả vài chục loại khác nhau được dùng để điều trị trầm cảm. Để lựa chọn thuốc thích hợp cho tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ lưu ý đến mấy điểm sau đây:

a-Nếu đã bị trầm cảm và đã được điều trị thuyên giảm với một loại thuốc nào đó thì bác sĩ sẽ tiếp tục cho dùng thuốc đó.

b-Thuốc trị trầm cảm nào cũng cho một vài tác dụng phụ, có ảnh hưởng trên sức khỏe và bệnh hiện đang có. Cho nên khi lựa thuốc, bác sĩ cũng phải cân nhắc ở điểm này và lựa thuốc có càng ít tác dụng phụ càng tốt;

c-Tâm lý bệnh nhân là rất ngại uống thuốc. Do đó bác sĩ sẽ lựa thuốc nào để  uống ít lần mà vẫn giảm triệu chứng trầm cảm;

đ-Thuốc bây giờ rất đắt nên bác sĩ cũng lựa loại hợp với túi tiền của bệnh nhân hoặc các hãng bảo hiểm sức khỏe đồng ý trả tiền thuốc;

e-Vì phải theo dõi kết quả điều trị cũng như tác dụng tốt xấu của thuốc, thường thường thì bác sĩ cũng lựa thuốc mà họ đã biết rõ và thường đã cho bệnh nhân. Như vậy cũng tránh được sự dò dẫm, khiến bệnh nhân không nản lòng;

g-Thuốc phải sớm có tác dụng, giảm triệu chứng của như là bớt buồn rầu, có nhiều nghị lực hơn, ăn ngủ bình thường...

h-Có thể là bệnh nhân đang dùng vài thuốc của vài bệnh nào khác. Bác sĩ cũng phải cân nhắc coi các thuốc đó có tác dụng qua lại với nhau, có làm giảm hiệu lực của nhau hay không;

i-Thuốc và thực phẩm đôi khi cũng có ảnh hưởng lên nhau, nên bệnh nhân phải hỏi bác sĩ xem uống thuốc lúc nào: khi ăn hoặc khi đói bụng? Kiêng cữ món ăn nào không?

 7-Nếu không chữa thì hậu quả sẽ ra sao?

Nhiều người bệnh cho hay trầm cảm tựa như một tấm màn đen đầy những thất vọng, phủ lên cuộc đời của họ. Nếu không điều trị, bệnh nhân sẽ rơi vào tâm trạng buồn rầu suốt đời, tinh thần sa sút, sức khỏe yếu kém, mất ăn mất ngủ, chán nản. Lâu ngày, người bệnh đi đến tuyệt vọng có thể tự hủy hoại thân mình.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


GHI CÂU HỎI