Hỏi 209:

Tôi thấy có nhiều quảng cáo nói là sữa ong chúa có rất nhiều công dụng như bồi bổ sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, làm da mịn màng…Bác sĩ thấy có đúng không. Cảm ơn bác sĩ.

Trần văn Tùng


Đáp:

Tiếng Anh của Sữa Ong Chúa là “Royal Jelly”.

Đây là một chất lỏng như sữa do những hạch đặc biệt ở họng của ong thợ sản xuất chứ không phải do Ong Chúa làm ra. Ong thợ hòa lẫn phấn hoa với mật ong và vài loại enzym để có sữa. Thành ra có lẽ phải gọi là sữa Nuôi Ong Chúa mới chính xác.

Tất cả các ấu trùng ong đều được nuôi với sữa này trong vòng 2,3 ngày để rồi đến ngày thứ tư thì ngưng và trở thành ong thợ. Đặc biệt một vài trong số các ấu trùng được lựa chọn và tiếp tục đắm mình tiêu thụ chất dinh dưỡng này để trở thành Ong Chúa.

Ong Chúa tăng trưởng lớn nặng gấp đôi các ong khác và đẻ ra vô số trứng. Theo nhiều nghiên cứu, ong chúa sống lâu tới 5,6 năm trong khi đó tuổi thọ của ong thợ chỉ từ 35-45 ngày. Ong chúa có khả năng đẻ ra 3000 trứng mỗi ngày trong suốt mùa ong và kéo dài tới 5 năm. Đây là một số trong nhiều yếu tố mà các nhà sản xuất sữa căn cứ vào để quảng cáo ảnh hưởng có lợi của sữa lên con người. Ong chúa khỏe mạnh, tuổi thọ cao, thời gian mầu mỡ sinh đẻ phong phú.

  Sữa ong chúa có khoảng 60% nước, các chất dinh dưỡng như đạm, đường, chất béo cộng thêm các vitamin  nhóm B, niacin, folic acid, một số enzym. Sữa được thu nhận từ các ngăn trong tổ ong mà ong chúa nằm. Trung bình, trong mùa ong từ 5-6 tháng, mỗi tổ ong cho khoảng 500- 700gr sữa.

Cho tới nay, khoa học vẫn chưa tìm ra một chất dinh dưỡng quan trọng nào trong sản phẩm này mà thực phẩm thường dùng đã có. Theo nhiều nghiên cứu, dù sữa có đủ các loại enzym đặc biệt, chúng cũng không giúp ích gì cho sức khỏe vì chúng bị biến đổi trong việc tiêu hóa chứ không trực tiếp hấp thụ nguyên trạng vào các cơ quan.

Nhiều người dùng sữa ong chúa trong các bệnh như cao cholesterol, hen suyễn, khó ngủ, loét bao tử, viêm gan, tuyến tụy, tăng cường miễn dịch, hói tóc. Một vài nghiên cứu gợi ý rằng sữa ong chúa có thể làm hạ cholesterol, chống viêm, có tác dụng như chất kháng sinh, giúp vết thương mau lành, ngăn ngừa sự thành hình u bướu, xơ cứng lòng động mạch. Một số ý kiến cho là sữa có tác chung lên toàn cơ thể chứ không riêng cho một chức năng sinh học nào. Do đó,  còn cần có nhiều nghiên cứu khoa học nữa để xác định tác dụng trị bệnh của sữa ong chúa với các bệnh kể trên.

Năm 1992, Ủy Ban Thương Mại Hoa Kỳ (FTC) chịu trách nhiệm về thực phẩm, có cảnh cáo công ty CC Pollen khi công ty này quảng cáo rằng chỉ có honeybee pollen là có đủ tất cà các loại enzym với tỷ lệ hoàn toàn cân bằng. Quảng cáo này không được dẫn chứng khoa học hỗ trợ và công ty đã phải bỏ lời quảng cáo có tính cách phóng đại này.

Điều cần lưu ý là mật ong hoặc sữa ong chúa có thể gây ra dị ứng như nổi ngứa trên da, hen khó thở, viêm xuất huyết dạ dày hoặc phản ứng sốc trầm trọng (phản vệ), đôi khi tử vong. Lý do là ong lấy phấn từ nhiều loại hoa khác nhau và nhiều người có thể đã bị dị ứng với phấn hoa này. Do đó không nên dùng khi bị bệnh hen suyễn để tránh bệnh trầm trọng hơn.

Chưa có chứng minh an toàn của sữa ong chúa với phụ nữ có thai hoặc cho con bú sữa mẹ. Do đó, các nhà chuyên môn y khoa đề nghị là các vị này không nên dùng sữa ong chúa, để bảo đảm an toàn cho thai  nhi. Họ cũng khuyên là không nên dùng sữa ong chúa quá lâu để tránh các rủi ro dị ứng. Có báo cáo cho hay là người đang dùng thuốc chống đông máu Coumadin, nên cẩn thận vì sữa có thể tăng tác dụng của Coumadin, khiến  cho rủi ro bầm da, xuất huyết xảy ra nhiều hơn.

Trên thị trường, sữa được bán như một thực phẩm phụ (food supplement) dưới hình thức hơi đặc tự nhiên, cần cất giữ trong tủ lạnh, dạng khô trong viên thuốc hoặc trong các mỹ phẩm thoa da. Vì không phải là dược phẩm, nên sữa không đặt dưới sự kiểm soát của cơ quan thực dược phẩm công quyền. Nhờ đó, các nhà sản xuất tự do “khuyến mãi, quảng cáo”.

Về liều lượng, nên theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

Và cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng các chất thiên nhiên, trong đó có sữa nuôi ong chúa.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


GHI CÂU HỎI