Thưa ông,
Chúng tôi rất tán thành chuyện đi du lịch của ông. Tuy nhiên xin ông và
gia đình lưu ý tới mấy điểm như sau.
Thực phẩm, nấu nướng là một e ngại lớn cho mỗi lần đi xa, nhất là tới
những quốc gia đang phát triển. Ngoài việc ăn theo khẩu phần đặc biệt vì
tiểu đường, cao Cholesterol, cao huyết áp, ta còn phải để ý tới cách
thức nấu nướng, phục vụ, phẩm chất của thức ăn.
Vài quốc gia Á Châu giờ đây vẫn còn dùng phân người, xúc vật tươi để
nuôi tưới rau, mà phân tươi này nhiều khi còn ký sinh trùng. Chẳng hạn
rau không rửa kỹ, nấu không chín sẽ là nguồn gốc các bệnh sán lãi, kiết
lỵ, viêm gan. Ngoài ra còn tệ trạng bón nhiều phân hóa học, rau trái
chứa nhiều hóa chất nguy hại.
Những thủy sản tôm, cua, xò, hến của vùng nước tù túng, nhiễm độc, thịt
ôi không ướp lạnh, sữa tươi không khử trùng cũng gây ra nhiều bệnh khác.
Tuy nhiên, để tránh bệnh tật do thức ăn, ta nên theo lời khuyên của bác
sĩ Vicenzo Marcolongo, Giám đốc một tổ chức chuyên về vấn đề an toàn du
lịch, ở Nữu Ước: “Cook it, peel it or forget it”.Ý giả là nếu ta không
nấu kỹ thực phẩm, không tự tay bóc vỏ trái cây, thì đừng có ăn, kẻo lại
mang họa vào thân. Ông ta cũng khuyên nên ăn vặt, nhiều bữa nhẹ trong
ngày, với lý do là ít thức ăn trong bao tử, dịch vị chua có thể giết bớt
hoặc làm giảm độc tính của sinh vật gây bệnh.
Nước uống cũng cũng là vấn đề quan trong cho khách lãng du xuyên lục điạ.
Ở một số quốc gia Âu Mỹ, nước máy hầu như rất an toàn cho moị dịch vụ
cần đến nó. Nhưng ở nhiều quốc gia Á châu, nước không được an toàn để
uống hay để đánh răng. Cho nên, để tránh trở ngại du lịch, ta nên uống
nước đun sôi, nước đóng chai có hơi, nước trái cây nguyên chất, tránh
uống nước máy, nước đá cục. Cũng có thể mua ở tiệm thuốc tây, tiệm bán
đồ thể thao, cắm trại, ít viên Halazone, Potable Aqua để làm tinh khiết
nước.
Đi tới các quốc gia có y khoa phòng ngừa cao thì ta cũng không ngại mấy.
Nhưng tới vùng đang được phát triển thì nên e dè các bệnh dễ lây lan.
Bệnh do thực phẩm, nước uống nhiễm độc gây ra có thể là viêm gan loại A
và B. Các bệnh này đều chích ngừa trước khi đi.
Riêng bệnh tiêu chẩy, tháo dạ thì thường hay xẩy ra và gây nhiều khó
chịu cho người mắc bệnh. Chả thế mà trong y học Mỹ, họ đã có danh từ
riêng cho bệnh này là Traveller’s Diarrhea. Và có người đã ví: đi du
lịch để mở rộng kiến thức và để làm lỏng đại tiện.
Để tránh tiêu chẩy, do thực phẩm nước uống nhiễm trùng gây ra, ta lại
nhớ lời khuyên của BS Marcolongo là, nếu chẳng đun sôi, chẳng nấu chín ,
chẳng tự bóc vỏ, thì đừng tiêu thụ.
Rồi phòng ngừa, điều trị. Làm hai viên Pepto- Bismol bốn lần trong ngày
khi ăn và khi đi ngủ, uống một viên trụ sinh Bactrim, Cipro một lần
trong ngày, giúp ngừa được phần nào.
Khi bị tiêu chẩy, điều cần làm là uống thật nhiều nước tinh khiết có pha
khoáng chất để bù chỗ nước mất đi, uống ít viên ImodiumA-D để giảm nhịp
co bóp của ruột già. Trầm trọng thì gặp bác sĩ thử nghiệm coi bệnh do
sinh vật nào gây ra để được điều trị bằng thuốc kháng sinh thích hợp.
Có bệnh kinh niên đang điều trị thì mang thuốc men đầy đủ. Mang theo ít
thuốc chống dị ứng, thuốc cảm.
Xin bác sĩ cho thuốc nhiều hơn số ngày định đi, phòng trường hợp vui ở
lại lâu hơn, hoặc có trở ngại, trì hoãn phương tiện giao thông.
Mang theo vài món cấp cứu như băng keo, bông gòn, cái kéo nhỏ, ống cặp
sốt, thuốc mỡ trụ sinh ngoài da, lọ thuốc đau mắt, ít viên thuốc đau
nhức, sổ mủi, dị ứng (Tylenol, Aspirin, Sudafed, Benadryl, thuốc ho
Robitussin ), thuốc trị tiêu chẩy( Immodium, Lomotil ), vài chục viên
thuốc kháng sinh đa dụng như Ampicillin, Bactrim.
Khi dùng Insulin cho bệnh tiểu đường, cần được bác sĩ chỉ cách điều
chỉnh liều lượng theo múi giờ mới.
Mang theo tài liệu ghi rõ về bệnh tình đang bị, như bệnh gì (tên bệnh
bằng tiếng Anh ), đã đau bao lâu, điều trị bằng thuốc gì, dị ứng với
thuốc hay thực phẩm gì, các giải
phẫu trong quá khứ…để nếu cần phải đi khám bệnh thì có sẵn đưa cho bác
sĩ nơi đến.
Chúc ông và gia đình đi du lịch bình an.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức