Thưa ông Phúc,
Câu hỏi của ông khá hấp dẫn vì nhiều người
cũng muốn biết đau là gì. Tuy nhiên đây là một đề tài khá phức tạp, hy
vọng những lời giải thích sau đây giúp ông cũng như độc giả hiểu rõ đau
là gì. Và chúng tôi chỉ nói tới cái đau thể chất chứ không nói tới cái
đau tinh thần, chẳng hạn nỗi đau của một người mẹ mất con, chồng mất vợ...
Đau là một cảm giác bình thường được xuất
phát từ hệ thần kinh nhằm báo cho ông về chấn thương có thể xảy ra và
nhu cầu chăm sóc cho bản thân.
Còn theo Hội Quốc Tế Nghiên Cứu về Đau thì
“Đau là một kinh nghiệm khó chịu về mặt cảm giác và cảm xúc liên quan
tới sự tổn thương của các tế bào”.
Thành ra Đau là một cái gì mà ta cảm thấy
rồi diễn tả qua xúc động và là một sự việc khá phức tạp do hệ thần kinh
chịu trách nhiệm.
Tác
nhân gây Đau có thể là một vật sắc bén, một hóa chất, nhiệt độ cao quá
hoặc thấp quá hoặc một sức va chạm ép mạnh vào phần nào đó của cơ thể.
Giả
thử dột nhiên ta bị ai đó tặng cho một cái tát nẩy đom đóm mắt. Cảm giác
đầu tiên là Đau điếng nơi gò má. Ta sững sờ, dơ tay soa nơi bị đánh và
thấy bớt đau. Phản ứng xúc động vì bị đánh có thể là tức giận “uýnh” lại
hoặc thản nhiên chìa má kia để người ta tát cho cân bằng, như lời Chúa
dậy.
Chỉ với một hành động bị “tát”, mà một
chuỗi phản ứng nối tiếp: Giây thần kinh chuyển cái đau do tát gây ra về
não bộ qua một cửa mở nơi tủy sống. Những xúc động chủ quan lần lượt
diễn ra. Bàn tay soa má truyền tín hiệu lên đóng cửa chặn lối về của cảm
giác đau. Và ta thấy bớt đau.
Thần kinh cảm giác phân phối khắp nơi trên
mặt da: ít ở chỗ không hiểm nghèo như gan bàn tay, bàn chân; nhiều nơi
sinh tử như cổ và bẹn. Chất xám của não không có thần kinh cảm giác
nhưng mạch máu tiếp tế não lại nhiều, cho nên nhức đầu là do đau ở mạch
máu bị căng co chứ não không cảm thấy đau.
Cảm giác đau báo hiệu một hiểm nguy và cơ
thể sẽ có những phản ứng khác nhau để đối phó: máu dồn về não, phổi, bắp
thịt; huyết áp lên cao, tim đập nhanh.
Nếu đau từ nội tạng thì huyết áp giảm, mệt
mỏi, muốn nằm nghỉ để phục hồi.
Tế bào não bộ cũng tiết ra vài hóa chất như
endorphins, encephalins để chặn đường về của cảm giác đau.
Phản ứng cơ thể với
Ðau
Đau nhiều hay ít tùy thuộc một vài yếu tố.
Có người chịu đựng đau nhức cao hơn người
khác, hoặc coi đau là chuyện nhỏ, không đáng kể.
Có văn hóa dậy con người đè nén biểu lộ sự
đau đớn thì cũng có nơi khuyến khích nói ra cơn đau để cùng nhau chia xẻ.
Trong tâm tư buồn bã, bất mãn thì cảm giác
đau đớn nhiều hơn là khi ta đang hớn hở, hạnh phúc.
Công
Chúa đứt tay một chút thì kêu gào khóc lóc chẳng bù với bác thợ cầy bị
trâu điên húc lủng da vẫn cắn răng làm việc.
Khi ta đang say mê chơi một sét quần vợt,
thì không để ý tới cái đau gây ra do một vấp đụng ở đầu ngón chân, cho
tới khi về nhà, cửi giầy ra mới xít xoa.
Mới
đây các khoa học gia còn khám phá ra rằng có một gene tính khiến cho có
người cảm thấy đau nhiều, có người thấy ít với cùng cường độ kích thích.
Cơn đau có thể là cấp tính, ngắn hạn nhưng
hữu ích để báo hiệu một tổn thương của tế bào. Còn kinh niên thì kéo dài
đôi khi vượt qua thời kỳ điều trị. Nạn nhân có thể quen với cảm giác đau
trong khi đó thì tổn thương tế bào vẫn âm thầm tiếp diễn.
Theo bác sĩ James D Hardy, Đại Học Y khoa
Pennsylvania, Đau Đớn là thước đo tốc độ sự hủy hoại của tế bào. Nó tùy
thuộc rất ít vào số lượng tế bào bị tổn thương nhưng rất nhiều vào tốc
độ của thương tích. Tế bào bị hủy hoại mau nhiều thì đau nhức trầm
trọng hơn.
Lại còn đau chỗ không bị tổn thương
(referred pain) như là viêm tụy tạng ở dưới da mà lại thấy đau da thịt
thắt lưng hoặc viêm xoang mặt thì lại đau ở trên đầu.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức