Hỏi 190:

Thưa bác sĩ

Tôi năm nay 76 tuổi, thường hay bị mất ngủ, mỗi đêm chỉ ngủ được khoảng  4 hoặc 5 giờ rồi cứ nằm thao láo mắt. Xin bác sĩ cho biết phải làm sao bây giờ.

Mr Văn Vượng.


Đáp:

Thưa ông,

Mất ngủ có thể là khó đi vào giấc ngủ, không ngủ một mạch tới sáng hoặc giấc ngủ trằn trọc, nhiều mộng mị, không êm dịu bình an. Theo các bác sĩ, mất ngủ chỉ là dấu hiệu chứ không phải là một bệnh. Nguyên nhân thông thường gây ra mất ngủ gồm có tác dụng phụ của một số dược phẩm trị bệnh, thay đổi hoàn cảnh, thay đổi môi trường và căng thẳng tinh thần. Mất ngủ có thể tự điều chỉnh bằng cách thay đổi nếp sống, dùng thuốc trợ ngủ mua tự do hoặc thuốc cần bác sĩ biên toa.

Về thay đổi nếp sống, chúng tôi đề nghị với ông là nên sắp xếp lại giờ ngủ, tạo ra một thói quen. Cơ thể có một đồng hồ sinh học, trong đó một số các sinh hoạt của con người đựoc “thảo trình”, cứ tới giờ nào đó là phải thực hiện công việc thường lệ. Có người cứ 7 giờ tối là đã có thói quen đi ngủ rồi thức dạy lúc 2 hoặc 3 giờ sáng làm việc. Có người ngủ trễ hơn và dạy trễ hơn. Tạo ra thói quen này rất tốt để duy trì thức ngủ bình thường. Chứ mà bất chợt hứng thú nằm coi phim Đại Hàn tới quá nửa khuya rồi mới đi ngủ thì nhịp ngủ sẽ bị rối loạn.

-Phòng ngủ phải yên tĩnh, thoáng khí, nhiệt độ vừa phải, nệm không cứng hoặc quá mềm.

-Phòng tối hoặc hơi có ánh sáng nhẹ đo đỏ hoặc tím tím dễ kéo dài giấc ngủ hơn là ánh sáng trắng.

-Phòng ngủ chỉ được dùng để ngủ, chứ không là nơi vợ chồng mang chuyện gia đình vào bàn luận gay go, hoặc nằm coi những phim ảnh kinh hoàng, tội ác, tình cảm quá thương tâm mủi lòng khóc lóc. Tránh những chuyện “lẩm cẩm” này để ta có thể đi vào giấc ngủ một cách thảnh thơi, bình an.

-Nếu đang ngủ mà vì một tiếng động, một ác mộng, một ý nghĩ quấy rầy hoặc phải đái đêm mà không ngủ lại được thì đừng nằm trằn trọc trên giường, trở mình qua lại. Hãy đứng dạy, kiếm miếng nước uống rồi làm một công việc nhẹ nào đó trong vòng mươi mười lăm phút, cho tới khi thấy buồn ngủ là vào giường nằm ngủ.

-Tránh ăn quá no trước giờ ngủ. Ăn căng bụng, vào giường nằm thì thực phẩm trong bao tử hàng giờ đòi được tiêu hóa, làm sao mà ngủ cho được. Một chút trái cây, một ly sữa ấm tốt hơn cho giấc ngủ. Sữa có chất tryptophan, rất tốt để đưa ta vào giấc ngủ bình an. . Nhụy sen cũng được nhiều người tin dùng và thấy có công hiệu. Đề nghị ông có thể dùng nhụy sen hoặc uống nước nụ vối cũng giúp ngủ ngon hơn,

-Tránh những chất gây kích thích thần kinh như rượu, cà phê thuốc lá, thực phẩm chứa nhiều gia vị quá cay chua.

-Tránh tập luyện cơ thể quá sức, kích thích thần kinh khiến ta khó đi vào giấc ngủ. Các nhà chuyên môn khuyên nếu muốn, có thể tập vài động tác co duỗi cơ bắp nhẹ nhàng 3 giờ trước khi lên giường. Có người khuyên làm mấy động tác như xoa mặt, xoa gáy, xoa tai, xoa bụng xoa ngực mỗi nơi mươi lần, chà hai bàn chân bàn tay cho máu huyết lưu thông, tinh thần thư dãn rồi thảnh thơi vào giường nằm ngủ.

Vị thế nằm ngủ cũng quan hệ.

Vị thế nằm ngửa vẫn được coi như tốt hơn cả vì không gây ra đau cổ đau lưng, ít gây nhăn da mặt, giảm trào ngược chất chua từ dạ dày lên thực quản. Nhưng có thể khiến nhiều người ngáy nhiều hơn. Nên có một cái gối mềm ôm đỡ lấy đầu và cổ.

Nằm nghiêng cũng tránh được đau cổ đau lưng, bớt trào ngược thực quản, ít ngáy nhưng có thể tạo ra vài nét nhăn trên má áp vào gối và xệ ngực vì cơ thịt căng về một phía.

Tránh nằm ngủ úp xấp, vì cột sống không ở vị trí ngay thẳng bình thường, mặt và cổ đè lên gối, vẹo về một phía suốt mấy giờ đồng hồ, sáng dạy thấy đau đau.

Tóm lại, ngủ là một trong “tứ khoái” của con người: ăn, ngủ, sinh lý và đại tiện. Một khoái nào đó trong tứ khoái này rối loạn là gây ra rối loạn chung cho sức khỏe.

Và để kết luận, xin nêu ra ý kiến của nhà ngoại giao kiêm khoa học gia Hoa Kỳ Benjamen Franklin (1706-1790) về giờ leo lên giường đi vào giấc ngủ khò khò: “Ngủ sớm, dạy sớm làm con người khỏe mạnh, giàu có và khôn ngoan”.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


GHI CÂU HỎI