Hỏi 188:

Thưa Bác Sĩ.

Mới đây con thường hay bị đau ở xương bả vai.Con có đi chụp hình và Bác sĩ nói con bị gai ( calcium) ở chổ khớp xương nên mỗi khi cử động thì bị thốn và đau lắm.xin Bác Sĩ cho con biết nguyên nhân tại sao và cách điều trị hay là chỉ có mổ thôi ( con nghe nói là sau khi mổ nó có thể mọc lại nữa ).Xin cảm ơn Bác Sĩ !

Triều Giang


Đáp:

Gai cột sống là bệnh trong đó có sự phát triển không mong muốn của xương hoặc sụn đã bị thoái hóa.

Gai thường có ở xung quanh khớp xương và đĩa liên sống. Nhiều người than phiền bị gai cột sống và cho là gai gây ra đau lưng, đau cổ.

Thực ra, gai là do sự hóa già của xương và sụn và bản thân gai không gây đau. Đa số người trên 60 tuổi thường có những chồi xương này mà không biết và chỉ tình cờ tìm ra khi chụp hình X-quang cơ thể trong khi chẩn đoán một bệnh nào khác.

Tuy nhiên, 42% những trường hợp gai này một lúc nào đó có thể đưa tới đau cổ, lưng, lan ra tứ chi, yếu bàn tay bàn chân.

Chữ Gai cũng không chính xác vì chồi xương trơn tru, dài vài mi li mét và là phần nhô ra của xươngNguyên nhân   

Có ít nhất 3 nguyên nhân để giải thích sự hiện diện của gai:

1-Gai xương có thể là kết quả của việc xương tự tu bổ sau khi liên tục bị chấn thương như sức ép, va chạm, cọ xát. Thí dụ những người làm nghề khuân vác nặng, người quá kí tăng áp lực lên xương khớp, người có dáng đi đứng không ngay ngắn khiến cột sống xiêu vẹo.

2-Khi đĩa liên sống hư hao, xẹp xuống, dây chằng giữa các đốt sống sẽ chùng giãn, khớp chuyển động nhiều hơn. Phản ứng tự nhiên của cơ thể với sự chùng giãn này là làm cho dây chằng dầy lên để có sức giữ vững cột sống-Lâu ngày, calci sẽ tụ lại trên dây chằng và tạo ra các gai hoặc chồi xương. Dây chằng ở trong ống cột sống cũng có thể dày lên, ống thu hẹp, ép vào dây thần kinh và gây ra các dấu hiệu bệnh.

3- Gai là một phần của sự hóa già. Khi đĩa sụn và xương bị thoái hóa, hao mòn, mặt xương khớp gồ ghề và gai mọc ra. Đó là bệnh viêm xương khớp, thường thấy ở người tuổi cao.

Điều trị

Nếu gai không gây đau, không cần điều trị.

Bệnh nhân tìm tới bác sĩ khi các cơn đau và các khó khăn khi cử động khiến cho họ phải giới hạn các hoạt động bình thường và ảnh hưởng tới nếp sống.

Khi gai gây đau thì sự điều trị tập trung ở nguyên nhân gây ra gai, dấu hiệu bệnh hoặc sự hiện diện của gai.

-Với nguyên nhân, việc giảm cân để giảm sức nặng lên xương khớp là điều cần làm.

-Điều trị dấu hiệu đau gồm có nghỉ ngơi khi sưng viêm, chườm nước đá, uống thuốc chống viêm không có steroid như paracetamol, ibuprofen.

Trong trường hợp đau nhiều, bác sĩ có thể chích thuốc steroid tại chỗ để giảm viêm và đau của cơ bắp.

Thuốc viên steroid là thuốc chống viêm rất mạnh và rất công hiệu để trị viêm. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng không muốn nếu dùng không đúng cách và không có chỉ định của bác sĩ. Dùng lâu, steroid có thể đưa tới mục xương, cao huyết áp, giữ nước trong cơ thể.

Xin lưu ý là, hiện nay tại Việt Nam, có nhiều thuốc chống đau nhập cảng hoặc sản xuất tại chỗ gọi là đông dược mà lại có pha thêm steroid. Tác dụng chống viêm sẽ mau hơn nhưng tác dụng phụ có hại cũng rất nhiều. Bộ y tế Việt Nam đã nhiều lần báo động dân chúng về vấn đề này. 

-Gai cột sống có thể được cắt bỏ với vi phẫu thuật rất chính xác. Nhưng sau khi cắt, gai có thể mọc trở lại.

Cắt bỏ chỉ được dùng khi gai chèn ép vào hệ thần kinh, gây ra các dấu hiệu như tê chân tay, rối loạn đại tiểu tiện, đau lan tới tứ chi và ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt thường nhật

Châm cứu có thể làm giảm đau một phần nào ở phần mềm nhưng không có tác dụng vào tình trạng viêm sưng cũng như khi gai tác động lên rễ dây thần kinh não tủy.

 Vật lý trị liệu, thoa bóp, luyện tập xương khớp, thực hành yoga cũng giúp giảm ảnh hưởng của gai.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


GHI CÂU HỎI