Thưa ông,
Thường thường, khi nói tới hôi miệng
thì nhiều người cứ cho là do bao tử mà nên nỗi. Nhưng thực ra những
85% trường hợp hôi miệng lại chính từ miệng, còn lại 15% đến từ
nhiều lý do khác nhau, trong đó có vấn đề dinh dưỡng, ăn uống. Sau
đây là các nguyên nhân đưa tới hôi miệng
a-Từ miệng
Miệng được một số khoa
học gia ví như một sở thú, trong đó chen chúc sinh sống cả dăm ba
trăm loại vi sinh vật lành dữ khác nhau, đặc biệt là ở phần sau của
lưỡi. Đa số các vi khuẩn này thuộc nhóm kỵ khí nghĩa là chúng chỉ
tăng sinh trong môi trường không có oxy như trong bựa răng, khe răng,
túi nha chu nhất là ở mặt sau của lưỡi.
Khi há miệng soi vào
gương, ta thấy lợn cợn những vệt trắng với nhiều vi khuẩn phủ trên
lưỡi. Thức ăn sót lại trong miệng hoặc ở các kẽ răng là món ăn hấp
dẫn đối với chúng và sẽ bị phân hóa tạo ra mùi hôi.
-Nhiễm trùng ở nướu răng cũng lại mấy
cô cậu vi khuẩn bám vào các cục bựa chất béo, calci ở chân răng mà
ra. Bựa vôi đóng vào chân răng là môi trường tốt cho vi khuẩn tác
dụng vào và đưa đến hôi miệng.
-Khi miệng khô, như ngủ ban đêm thở
bằng miệng hoặc dưới tác dụng của vài dược phẩm, hút thuốc lá khiến
cho miệng khô, đóng bựa, vi khuẩn tác dụng vào và tạo ra mùi hôi.
-Các bệnh nấm trong miệng tạo mùi ngọt
trái cây
-Răng giả không được chùi rửa sạch sẽ.
b-Một số thực phẩm có chất dầu gây hôi
cho hơi thở như tỏi, hành. Các thực phẩm này sau khi được tiêu hóa,
chất bay hơi của chúng đều được hấp thụ vào máu, lên phổi và theo
không khí hít thở mà bay ra cửa miệng.
Mùi rượu sau khi uống vào cũng thoát ra
như vậy trong hơi thở.
c-Một số bệnh về bộ máy hô hấp như
nhiễm trùng phổi kinh niên, viêm xoang mãn tính, chất lỏng ở sau
miệng nhỏ giọt xuống cuống họng, ung thư phổi, viêm cuống họng, tiểu
đường với mùi trái cây hư ủng, bệnh gan mùi trứng thối, thận mùi
tanh cá ươn, rối loạn tiêu hóa cũng tạo ra hơi thở hôi. Đặc biệt là
bệnh nhân tiểu đường là hay bị bệnh nớu răng, máu lưu thông giảm.
dinh dưỡng kém, nớu mau hư.
Những bệnh về bao tử ít gây ra hôi
miệng vì van thực quản-dạ dày luôn luôn khép kín, hơi không bốc lên
được ngoại trừ khi ói mửa hoặc ợ chua, trào ngược nước chua từ bao
tử vào thực quản, thoát vị khe thực quản (hiatal hernia) hoặc hẹp
môn vị (pyloric stenosis)
Nhiễm trùng tổng quát, bị nóng sốt làm
cho miệng khô
d-Rối loạn về sự co bóp của bao tử,
thực phẩm chậm tiêu hóa ở lâu trong dạ dầy, bị lên men cũng tạo ra
mùi hôi, nhất là khi ta ợ.
e-Một nguyên nhân Tâm Lý là nhiều người
quá chú tâm tới dung nhan mình, có ảo tưởng là cơ thể mình hư hao,
phát tiết ra mùi khó chịu. Nhiều người mỗi khi nói chuyện là che
miệng, như thể là miệng mình hôi.
g-Trong thời kỳ kinh nguyệt cũng hay có
mùi hôi lưu huỳnh từ miệng gây ra do thay đổi kích thích tố trong cơ
thể.
h-Dược phẩm gây ra khô miệng cũng gián
tiếp tạo mùi hôi như thuốc chống dị ứng benadryl, trị tâm thần, trầm
cảm, thuốc lợi tiểu tiện, trị bệnh Parkinson, cao huyết áp.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức