Hỏi 182:

Thưa bác sĩ, Tôi hơi tò mò về việc sâu răng tại sao và diễn tiến sâu răng thế nào. Xin bác sĩ giải thích cho nhé. Và nếu có thể xin cho biết cách ngừa sâu răng.

Vân Lan


Đáp:

Thưa bà,

Sâu răng là một loại bệnh nhiễm gây ra do các loại vi khuẩn. Quan sát các động vật không có vi khuẩn trong miệng đều cho thấy chúng không bị sâu răng.

Trong bệnh này, các sản phẩm chuyển hóa acid hữu cơ sinh ra do tác dụng của vi khuẩn trên thực phẩm dính kẹt trong răng miệng, làm mất dần calcium ở men răng. Từ đó răng bị sói mòn phá hủy dần dần.

Sâu răng có thể xẩy ra cho bất cứ răng nào trong miệng cũng như bất cứ phần nào của răng. Răng mới mọc dễ hư hơn răng đã có từ lâu, vì thế khi mới mọc răng sữa hoặc răng thường là phải săn sóc kỹ hơn.

Vi sinh vật trong miệng làm hư răng nhiều nhất là loại Streptococcus Mutans, rồi đến loại Lactobacillus casein và Streptocoocus sanguis.

Sâu răng diễn ra như sau:

Sau khi ăn một món thực phẩm nào đó, thì một phần nhỏ thực phẩm dính lại trên răng hoặc giữa các kẽ răng, tạo ra một mảng bựa (plaque). Bựa này là môi trường dinh dưỡng tốt cho vi khuẩn sinh sản. Bựa là hỗn hợp của 70% vi khuẩn và 30% chất đường, acid. Lâu ngày, calcium đóng vào bựa, bựa cứng hơn, bám chặt vào răng và nướu răng. Tại đó, vi khuẩn làm thực phẩm lên men, sinh ra acid lactic. Acid ăn mòn chất bảo vệ men răng nhờ đó vi khuẩn xâm nhập được vào cấu tạo răng để hủy hoại. Nửa giờ đầu sau khi ăn với mức độ acid lên cao nhất là lúc răng bị hư nhiều nhất. Diễn tiến này xẩy ra rất âm thầm, đôi khi kéo dài cả vài năm và không gây đau đớn gì cho nạn nhân cho tới khi răng hỏng.

Vệ sinh răng miệng, nói chung, gồm có:

- Đánh răng mỗi ngày hai lần, nhất là sau bữa ăn.

- Súc miệng sau khi ăn hoặc uống;

- Nhai kẹo cao su không đường trong 15 phút sau bữa ăn để nước miếng ra nhiều;

- Cọ khe răng mỗi ngày hai lần;

- Dùng kem đánh răng có fluoride;

- Súc miệng bằng dung dịch chlorexidine;

-Bớt ăn thực phẩm ngọt hoặc có nhiều carbohydrate dễ lên men. Uống nước lạnh thay vì nước có hơi.

-Tới nha sĩ 2 lần trong một năm để rửa răng và chữa bệnh răng miệng.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


GHI CÂU HỎI