Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta đều có một tủ thuốc
gia đình để cất giữ các loại dược phẩm do bác sĩ biên toa khi khám bệnh
cũng như do mình tự mua. Lý do là nếu không cất giữ cẩn thận, các thuốc
này có thể bị hủy hoại vì nhiều nguyên nhân khác nhau như là:
- Thủy phân khi thuốc tiếp xúc với nước.
- Sự oxy hóa là nguyên nhân chính của thoái hóa
dược phẩm. Để tránh oxy hóa, thuốc cần được gói đậy kín.
- Ánh sáng cũng làm thuốc hư hao vì thế cần được
cất giữ trong bình chứa không cho ánh sang đi qua.
Thuốc từ dược phòng về nhà nhiều khi không được cất
giữ trong điều kiện thuận lợi, mở nắp chai thuốc nhiều lần khiến cho
thuốc ẩm mốc, dễ hư, biến chất.
Nhiều người chúng ta có thói quen là đặt tủ thuốc
gia đình trong phòng tắm. Thực ra, đây là nơi cất giữ thuốc xấu nhất vì
thường xuyên ẩm ướt rồi nhiệt độ trong phòng lên cao khi ta tắm bằng
nước nóng.
Nên cất giữ thuốc nơi khô mát, không có ánh sáng
mặt trời như trong ngăn kéo tủ quần áo, tại phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp
(nhưng đừng gần lò nấu), thuốc có thể an toàn công hiệu lâu hơn. Nhưng
nhớ đậy kín nắp chai lọ.
Nhiệt độ có ảnh hưởng rất lớn lên sự thoái hóa của
hoạt chất thuốc: Cứ mỗi tăng 10 độ thì sự thoái hóa lại tăng gấp đôi.
Ngoài ra:
-Nên loại bỏ thuốc đã đổi mầu, vụn bột, có mùi;
thuốc nước vẩn đục, thuốc thoa đã cứng rắn.
- Nên loại bỏ các thuốc trị bệnh trầm trọng đã quá
hạn vì công hiệu có thể giảm.
-Không để thuốc viên này lẫn lộn với thuốc viên
khác vì có thể có tương tác giữa các hóa chất.
-Cất thuốc xa tầm tay trẻ em để tránh các cháu
tưởng là kẹo dùng nhầm.
-Vứt bỏ cục bông gòn trong chai thuốc. Bông gòn là
để hút nước.
-Các thuốc dễ hư như insulin hoặc vài loại dung
dịch kháng sinh rất dễ thoái hóa,vì vậy nên dùng theo đúng hạn và để
trong tủ lạnh.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức