Tim là bộ phận thiết yếu trong việc nuôi dưỡng toàn
bộ tế bào trong cơ thể. Hằng ngày, tim liên tục làm việc suốt 24 giờ để
bơm một khối lượng hơn 7000 lít máu. Ðể hoàn thành công việc này, tim
cần oxy và chất dinh dưỡng do động mạch vành cung cấp.
Khi động mạch vành bị tắc nghẽn, sự lưu hành của
máu bị gián đoạn, tế bào tim sẽ bị tổn thương vì thiếu oxy. Nếu không
được điều trị tức thì để tái lập dòng máu nuôi tim thì tim sẽ bị hủy
hoại nhiều hơn và đưa tới cơn đau tim.
Nguyên nhân cơn đau tim
Trong đa số các trường hợp, cơn đau tim gây ra do
bệnh của động mạch vành.
Vì nhiều lý do khác nhau, mặt trong của động mạch
bị các mảng chất béo bám vào, làm cho động mạch trở nên cứng và hẹp, máu
lưu thông giảm. Một máu cục có thể thành hình và gây tắc nghẽn hoàn toàn
sự lưu hành của máu. Tế bào tim không nhận được chất dinh dưỡng và oxy,
sẽ bị hủy hoại. Ðó là sự nhồi máu cơ tim (myocardial infarction). Thời
gian thiếu máu càng lâu thì sự hủy hoại của tế bào tim càng lan rộng và
cơn đau tim càng trầm trọng hơn.
Ðôi khi, cơn đau tim cũng xảy ra khi động mạch vành
co thắt tạm thời làm cho lưu lượng máu tới tim giảm đi. Các cơn co thắt
tạm thời này có thể gây ra do căng thẳng tâm thần, tiếp xúc với thời
tiết lạnh, khói thuốc lá hoặc khi sử dụng vài loại thuốc như bạch phiến...
Những rủi ro đưa tới cơn đau tim
Có hai loại nguy cơ có thể đưa tới cơn đau tim:
a-Các nguy cơ không thay đổi được:
-Nam giới từ 45 tuổi trở lên, nữ giới từ 55 tuổi
trở lên thường hay bị cơn đau tim;
-Trong gia đình có người bị bệnh tim (cha hoặc anh
em có bệnh trước 55 tuổi, mẹ hoặc chị, em có bệnh trước 65 tuổi);
-Ðã từng bị cơn đau thắt tim (angina) hoặc cơn đau
tim;
-Ðã được thông mạch máu tim (angioplasty) hoặc giải
phẫu cầu vượt động mạch vành (coronary artery bypass surgery)
b-Các nguy cơ có thể thay đổi được gồm có hút thuốc
lá, béo phì, ít vận động cơ thể, huyết áp cao, cholesterol trong máu cao,
bệnh tiểu đường..
Ða số cơn đau tim là do bệnh của động mạch vành
(coronary artery disease) gây ra. Vì thế, để phòng ngừa cơn đau tim,
phải giảm thiểu, loại trừ các nguy cơ đưa tới bệnh của mạch máu nuôi
dưỡng trái tim này.
Ðó là:
-không hút thuốc lá,
-giảm tiêu thụ quá nhiều chất béo động vật,
cholesterol, ăn nhiều rau trái cây, giảm muối, giới hạn tiêu thụ rượu,
bia
-uống thuốc hạ cao cholesterol trong máu, giữ huyết
áp ở mức trung bình 120 / 80mm Hg,
-giảm cân nếu béo phì,
-giữ mức đường huyết dưới 110mg/dl,
-năng vận động cơ thể,
-tránh các căng thẳng tinh thần, ngủ nghỉ đầy đủ...
Nếu đã có tiền sử cơn đau tim, cần phải lưu ý chăm
sóc sức khỏe, theo lời hướng dẫn của bác sĩ trong việc dùng thuốc và tập
luyện phục hồi chức năng tim, thay đổi nếp sống.để tránh cơn đau tim tái
phát.
Cần giữ hẹn tái khám với bác sĩ để theo dõi tình
trạng trái tim và thay đổi thuốc nếu cần...
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức