Chúng tôi thông cảm với sự lưu tâm của bà và các bậc cha mẹ khác về
vấn đề này. Vậy xin góp ý như sau.
Trước hết xin thưa với quý độc giả rằng, ca dao dân gian miền Nam
Việt nam có hai câu sau đây nói về bú tay:
“Con tôi khát sữa bú tay
Ai cho bú thép, tôi dày nhớ ơn”
Bú thép là bú vào núm vú đã cạn sữa hoặc không bao giờ có sữa của
người nữ còn độc thân.
Hai câu này nói lên một thói quen hoặc nguyên nhân của bé bú tay.
Vì bú ngón tay, là chuyện thường xảy ra ở trẻ em và ngón tay cái là
ngón hay ngậm. Theo các nhà chuyên môn y học thì sau khi sanh, ngậm
ngón tay tạo cho các cháu cảm thấy thoải mái bình an là được nằm
trong vòng tay ôm ấp thương yêu của người mẹ.Ngoài ra ngậm ngón tay
có thể là bú sữa chưa đủ, trẻ cảm thấy còn đói bụng và ngậm ngón tay
cho cháu có cảm tưởng như đang bú sữa mẹ. Vì thế mẹ nên cho trẻ bú
đầy đủ. Nếu trẻ tiếp tục ngậm ngón tay thì đây lại là thói quen từ
mới sinh. Cũng vì ngậm ngón tay kích thích chất endorphin khiến trẻ
thư giãn. Lớn hơn, các cháu thường ngậm ngón tay khi sắp đi ngủ, khi
coi truyền hình, khi đói hoặc khi mệt, buồn chán hoặc không bằng
lòng vì một chuyện gì đó.
Theo diễn tiến tự nhiên, sau 6 tháng đầu tiên, ngậm mút tay của trẻ
sẽ giảm dần và hầu hết các trẻ này sẽ tự động bỏ việc ngậm mút tay
lúc được 3 - 5 tuổi.
Bình thường thì ngậm ngón tay vô hại. Nhưng nếu kéo dài thì hành
động này có thể gây ra lệch lạc hàm răng, mất vệ sinh răng miệng,
tồn thương da ngón tay, nôn trớ sau khi bú…
Điều trị ngậm ngón tay là việc khá khó khăn chứ không phải trong vài
ngày. Vì đây là một thói quen và thói quen cần thời gian để chấm
dứt.Xin các bậc làm cha mẹ cứ kiên nhẫn.
Với trẻ còn bú mẹ nên cho bú mẹ đầy đủ để bảo đảm trẻ không bị đói
để tránh thói quen trẻ tìm tay của mình để ngậm mút. Nếu trẻ thỉnh
thoảng mới mút tay, cha mẹ chỉ cần làm phân tâm trẻ, lôi cuốn sự chú
ý vào những trò chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ, giúp trẻ dễ chịu
vào những lúc sắp ngậm mút tay.
Những lúc trẻ gặp khó khăn hoặc đang căng thẳng, như: trẻ bị bệnh,
bị đau đớn sau tiêm chủng, bị người lớn dọa nạt khiến trẻ sợ hãi,
cha mẹ lúc này nên dành nhiều thời gian gần gũi bên trẻ để chăm sóc
trẻ tốt hơn, tạo sự ấm áp giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn một
cách dễ dàng, cũng là cách để hạn chế thói quen trẻ ngậm mút tay.
Những trẻ tuy lớn những vẫn còn thói quen ngậm mút tay, cha mẹ cần
có sự kiên nhẫn giúp trẻ bỏ dần tật ngậm mút tay qua lời khích lệ,
giải thích những tác hại có thể xảy ra khi trẻ ngậm mút tay kéo dài
gây bất lợi đến sức khỏe và sự vui chơi của trẻ, một cách tích cực
hơn là tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ tham gia những trò chơi mà
trẻ yêu thích như: trò chơi ô chữ, tô màu truyện tranh, nặn đất, tô
tượng, chơi cầu tụt, đá bóng nhẹ nhàng… giúp trẻ phát triển tốt thể
lực và trí não, quan trọng hơn là giúp trẻ dễ dàng quên đi “món
khoái khẩu” là ngậm tay.
Với những trẻ đã ghiền ngậm tay và ngậm đồ chơi, trong giai đoạn cai
ngậm mút tay cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý thói quen vệ sinh cần
thiết cho trẻ như nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay sạch, cắt móng
tay, vệ sinh da để tránh lây bệnh, những đồ chơi thường ngày và nơi
vui chơi của trẻ cũng phải đảm bảo việc giữ vệ sinh thật tốt. Không
nên bôi chất cay lên ngón tay vì các cháu có cảm giác là bị trừng
phạt.
Nếu những cố gắng trên của cha mẹ không giúp được gì cho trẻ, hãy
đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên về tâm lý trẻ em để điều trị hiệu quả
hơn.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức