Đúng như bà nói: vi trùng có khắp mọi nơi, kể cả trên đôi bàn tay của ta
cũng như trên các dụng cụ bàn ghế trong bếp, trong thực phẩm sống cũng
như thực phẩm nấu chin, để ngoài tủ lạnh. Chúng chỉ chờ cơ hội để lưu
truyền từ chỗ này sang chỗ khác, đặc biệt là qua hai bàn tay.
Đang viên thịt bò cắt nhỏ thành từng viên mà thò ngón tay lên gãi ngứa
trên đầu thì vi khuẩn từ tóc sẽ vào bàn tay mà dính xuống bò viên.
Trên cái thớt thái cá tươi mà để lẫn với miếng thịt heo vừa nấu chín
ngay cạnh thì vi khuẩn từ cá sẽ nhào vào miếng thịt.
Sau khi vào nhà cầu, xả bầu tâm sự rồi ra cầm đũa bát ăn cơm ngay mà
không rửa tay thì vi khuẩn từ phẩn dính vào tay sẽ được đưa trở lại
miệng, vào thực quản, dạ dày…
Cho nên cần phải rửa tay sạch sẽ:
-Trước khi cầm thực phẩm để pha chế, nấu nướng;
-Trước khi ăn cơm;
-Sau khi đi vệ sinh;
-Sau khi cầm miếng thịt miếng cá còn tươi sống;
-Sau khi thay tã cho con;
-Sau khi che miệng hắt hơi, xì mũi, chơi với súc vật;
-Sau khi đụng chạm tới các hóa chất, như nước lau nhà, dầu nhớt, thuốc
xịt muỗi gián, phân bón cây cảnh…hoặc sau khi hút thuốc lá.
-Không được chạm tay vào đĩa sắp đựng thức ăn;
-Luôn luôn dùng đũa, thìa hoặc lót tay bằng giấy để bầy thức ăn đã nấu
chín;
-Khi bỏ nước đá vào ly, phải dùng thìa hoặc cái gắp nước đá, chứ không
dùng ngón tay;
-Không đụng ngón tay, nhất là ngón tay cái, vào đĩa đựng thức ăn. Cầm
đĩa bằng cách để đĩa trên lòng bàn tay xòe ra.
-Luôn luôn cầm thìa, nỉa ở cán, đũa ở đầu to.
-Luôn luôn cầm ly ở chân ly chứ không cầm ở viền ly.
-Làm việc trong bếp phải vén cao hoặc che đầu để tóc khỏi rũ vào thức
ăn;
-Không ăn, nhai kẹo cao su khi nấu hoặc phục vụ thức ăn để tránh giọt
nước miếng bắn vào món ăn;
-Không hút thuốc khi nấu hoặc phục vụ thức ăn để tránh tàn thuốc rơi vào
món ăn;
-Không ngoáy mũi trong khi làm bếp, dọn thức ăn;
-Không gãi đầu gãi tai trong khi nấu hoặc bày thức ăn;
-Khi cần hắt hơi, ra xa nơi có thức ăn, lấy giấy che mũi hoặc hắt hơi
vào khuỷu tay để tránh nước mũi bắn vào thức ăn.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức