Thưa bà,
Cà phê là một loại nước uống đã được phổ biến từ thế kỷ thứ 11 tại
các quốc gia Ả Rập cho tới bây giờ. Ý kiến về loại nước uống này
cũng là vấn đề được nghiên cứu thảo luận. Có ý kiến cho là uống cà
phê tốt thì cũng có những ý kiến không đồng ý cho là caffein gây ra
nghiện và có nhiều tác dụng không tốt cho sức khỏe. Họ đưa ra những
nghi ngờ là uống nhiều caffein gây cao huyết áp, là nguy cơ của cơn
suy tim, bao tử bị lở loét, phụ nữ sanh thiếu tháng và thai nhi
thiếu cân, có thể gây ra ung thư bọng đái, tụy tạng, vú ruột già, tử
cung…
Tạp san của American Medical Association ngày 26-1-1994 cho biết có
sự liên hệ đáng kể giữa uống nhiều cà phê với giảm tỷ trọng đặc của
xương hông, cột sống phụ nữ. Nhưng thay đổi này không xẩy ra nếu các
bà uống với một ly sữa mỗi ngày.
Caffein cũng được nói là làm tăng các triệu chứng khó chịu trước mỗi
kinh kỳ của phụ nữ như là mất ngủ, lo âu, gắt gỏng, bất an, căng
vú... và làm tăng sự sản xuất kích thích tố cortisol từ nang thượng
thận, làm đàn bà giảm khả năng thụ thai, đàn ông sinh ra tinh trùng
bất thường.
Tập san y học của Hội Thần kinh Tâm Trí Hoa Kỳ kể lại trường hợp
khá hi hữu như sau: Một vị Đại Tá 37 tuổi than phiền với bác sĩ là
từ hơn hai năm nay, ông ta luôn luôn ở trong tình trạng lo âu, bồn
chồn, không tập trung được trí nhớ, đôi khi dễ cau có gắt gỏng với
đồng bạn, hay đau bụng, ói mửa, đại tiện không thông, đêm mất ngủ...
Các thử nghiệm máu, nước tiểu đều không tìm ra bất thường nào.
Một bác sĩ thần kinh bèn hỏi là ông có uống nhiều cà phê không. Vị
Đại Tá nhận là mỗi ngày ông ta uống tới mươi ly cà phê, cộng thêm
vài lon coca cola, buổi tối uống thêm ly sữa nóng pha với chocolate.
Ông ta nói vì công việc nhiều quá nên cần uống cà phê để tỉnh táo
làm việc.
Các bác sĩ bèn yêu cầu vị Đại Tá ngưng tất cả nước uống có caffein,
thì các triệu chứng trên giảm lần và hết hẳn.
Nhiều người còn than phiền là vào buổi tối mà uống cà phê làm họ ngủ
không ngon giấc, rồi buổi sáng dậy cứ thấy mệt mỏi, nhức đầu, phải
uống một ly cà phê mơí làm việc được. Điều này là do trong giấc ngủ,
chất adenosine gây ra êm dịu bám vào các tế bào thần kinh, làm
hoạt động của chúng giảm và ta đi vào giấc ngủ. Do có cấu trúc tương
tự, nên khi uống cà phê, thì tế bào thần kinh nhầm tưởng caffein là
những phân tử adenosin, nên thu hút caffein. Tế bào trở nên năng
động, kích thích não thùy tiết ra epinephrine. Epinephrine làm tim
đập nhanh, hơi thở dồn dập, con ngươi mở rộng, huyết áp tăng, bắp
thịt cương co, con người ở trong trạng thái năng động, tỉnh táo.
Nhưng khi epinephrine tan biến thì các thay đổi trên xìu xuống, con
người mệt mỏi. Muốn lấy lại sự năng động, nhiều người phải uống một
ly cà phê để tỉnh táo trở lại. Những người thường xuyên dùng cà phê
sẽ phụ thuộc vào chất này cũng như người hút thuốc lá cần nicotin.
Một thắc mắc nhiều người thường nêu ra là: nếu như caffein có thể
gây ra tác hại thì tại sao các loại nước uống có chất này lại được
bán khắp nơi? Câu trả lời rất giản dị: Lượng caffein trong các thức
uống thông thường không cao đến độ có thể gây rủi ro. Vì thế mà nước
trà, cà phê đã trở nên phổ biến ở khắp mọi gia đình.
Một ly cà phê C Arabica có khoảng từ 80 mg tới 120mg caffein Cà phê
C Robusta nhiều caffein gáp đôi. Cà phê được uống với cream hay
đuờng, uống sau khi ăn cơm, nên tác dụng của cà phê cũng giảm phần
nào
Có nhiều người nói là mỗi buổi sáng, họ phải uống một ly, uống để
nâng tinh thần, nếu không thì không làm việc được. Một số than phiền
là nếu không uống thì họ bị nhức đầu, nóng nẩy, đứng ngồi không yên,
kém tập trung. Một số khác cho hay phải tăng số lượng cà phê uống
mỗi buổi sáng thì mới cảm thấy tỉnh táo.
Những trường hợp này đều do dùng quá nhiều cà phê. Cho nên giới chức
y tế vẫn nhắc nhở dân chúng là nếu không uống cà phê thì tốt, mà
nếu thấy cần phải uống, thì uống vừa phải, vài ly một ngày thôi.
Vì sự quá thông dụng của caffein, nên cơ quan Thực Phẩm và Dược Phẩm
Hoa Kỳ và các nhà y khoa học đã dành nhiều thì giờ theo dõi, nghiên
cứu xem chất này có an toàn cho người tiêu thu không. Caffein đã
được cơ quan này đặt vào danh sách những chất an toàn và tái xác
nhận là nước giải khát có caffein không có hại cho sức khỏe. Tuy
nhiên, với sự dè dặt thường lệ, các cơ quan y tế đều khuyến cáo mọi
người nên uống nước có caffein vừa phải với sức chịu đựng của mỗi cá
nhân.
Các nhà sản xuất cà phê vẫn tìm đủ mọi cách để thuyết phục dân
chúng về tính cách vô hại của caffein. Nhưng giới tiêu thụ vẫn e
ngại nên họ đòi hỏi thực phẩm có caffeine đều phải ghi rõ trên nhãn
hiệu. Và họ cũng đòi hỏi loại cà phê không có caffein. Do đó mà các
nhà sản xuất cho ra đời loại cà phê được gọi là decaffeined không
có
caffein.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức