Hỏi 142:

Thưa bác sĩ! Tôi có một thắc mắc như sau muốn bác sĩ giải thích cho: bệnh Cúm và bệnh cảm lạnh có khác gì nhau không? Xin cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Thanh Nhàn


Đáp:

Cảm Lạnh và Cúm, mà dân gian mình gọi là “Bệnh Thời Khí”, thường xảy ra nhiều hơn vào những ngày Ðông tuyết lạnh, mưa bay.

Cúm  Flu hoành hành từ tháng 11 tới tháng 3 dương lịch, đôi khi quyến luyến tới đầu Xuân.

Cảm Lạnh Common Cold có quanh năm nhưng cũng hay xuất hiện vào mùa lạnh. Trung bình mỗi người mỗi năm có thể bị cảm lạnh ba, bốn lần.

Thời tiết lạnh không gây ra Cảm và  Cúm, nhưng vào thời điểm này, có nhiều lễ hội nên người ta thường gặp gỡ nhau và cũng vì mưa lạnh nên họ sống ở trong nhà nhiều hơn, tạo cơ hội tốt cho Cảm Cúm lây lan.

Cảm lạnh và  Cúm là bệnh của cơ quan hô hấp phía trên, ảnh hưởng tới niêm mạc của miệng, mũi, cuống họng và phổi. Cảm-Cúm rất dễ lây lan. Ngay từ một ngày trước khi có triệu chứng, người bệnh đã có thể truyền virus cho người khác và tiếp tục truyền lan dăm ngày kế tiếp.

Các dấu hiệu của Cảm Cúm đôi khi trùng hợp nên khó mà biết khi nào bị Cúm, khi nào bị Cảm.

Sau đây là mấy điểm khác biệt để tiện bề so sánh:                         

    Triệu chứng                Cảm Lạnh                          Cúm

 

Nóng sốt

Ít khi có

Thường có

Đau nhức

Nhẹ thôi

Thường có, nặng

Ớn lạnh

Ít có

Thường có

Mệt mỏi

Nhẹ

 Từ nhẹ tới trầm trọng

Xuất hiện

Từ từ

Khá nhanh, trong 2-3giờ

Ho

Ho ra đàm

Ho khan

Hắt hơi

Thường có

Ít khi có

Nghẹt mũi

Thường có

Ít khi có

Ðau cuống họng

Thường có

Ít khi có

Nặng ngực

Nhẹ tới vừa phải

Thường rất nặng

Nhức đầu

Ít khi có

Thường có

Cảm Cúm thường tự hết trong thời gian từ mười ngày tới hai tuần lễ, nếu không có các biến chứng như viêm phế quản, sưng phổi. Chính những biến chứng này mới khiến cho người bệnh phải nhập viện và mới gây ra một số tử vong, đặc biệt là ở người tuổi cao, có bệnh mãn tính.

Phòng ngừa Cúm hữu hiệu nhất vẫn là tiêm ngừa. Cho tới hôm nay thì chắc là hầu hết mọi người đều đã làm rồi. Nói hầu hết vì cũng có một số người vì lý do này lý do khác hoặc quên chưa kịp chích, thì nên đi chích ngay. Bây giờ mới tháng Giêng, Flu còn hoành hành vài ba tháng nữa.

Cảm lạnh thì vẫn chưa có vaccin ngừa. Cho nên để tránh bệnh, ta cần phải áp dụng các phương thức phòng chống ngăn ngừa giống như với Cúm.

Virus Cảm Cúm có rất nhiều trong mũi trong miệng người bệnh. Khi họ ho hoặc hắt xì hơi là virus theo nhau bay ra không khí từng đàn. Chúng sống trong không khí, bám trên bàn ghế, vật dụng người bệnh dùng cả mấy tiếng đồng hồ, có khi cả vài ngày. Ðụng chạm vào các vật này, hít phải không khí đó là nhiễm bệnh dễ dàng.

Nếu người bệnh lịch sự đưa tay che miệng che mũi mỗi khi hắt hơi hoặc ho thì bàn tay của họ sẽ phủ kín những virus Cảm, Cúm. Bàn tay đó cầm chiếc điện thoại đưa cho người khác hoặc bắt tay đón tiếp bạn bè là bạn bè lãnh đủ tác nhân gây bệnh.

Kết quả nghiên cứu của Ðại học Y tế Virginia phổ biến vào tháng 9 năm 2006 tại Ðại hội Vi Trùng Học họp ở San Francisco, cho hay, bệnh nhân bị cảm lạnh, rời khách sạn sau vài ngày trú ngụ, đều để lại nhiều virus trên vật dụng trong phòng như điện thoại, nắm cửa, nút điều chỉnh TV...Khách vãng lưu kế tiếp có thể dễ dàng nhiễm bệnh, nếu sờ mó vào các vật dụng đó rồi đưa tay lên dụi mắt, lau mũi..

Vậy thì xin chịu khó rửa tay mỗi khi thấy cần. Chỉ mười lăm giây đồng hồ xoa vò đôi bàn tay trong nước ấm với chút xà bông là trăm phần trăm công hiệu phòng chống lây lan Cúm Cảm. Có người gợi ý vừa rửa tay vừa lẩm bẩm vui vẻ hát hết mấy câu của bài “Happy Birthday To You”là vừa đủ sạch sẽ đôi bàn tay mà khỏi phải nhìn đồng hồ...Ðây cũng là ý kiến hay hay, ngộ nghĩnh nên theo.

Có thể lau tay với dung dịch có chất cồn khi không có xà phòng.

-Người thân chẳng may bị Cảm Cúm thì ai cũng sẵn lòng chăm sóc, thuốc thang. Nhưng nên cẩn thận giữ gìn khi tiếp xúc. Chẳng nên chung chiếu chung giường, bắt tay ôm hôn từ biệt. Mang khẩu trang khi phải tới gần phục vụ người bệnh. Lau rửa vật dụng người bệnh dùng, buồng tắm, cầu tiêu, bàn ghế với nước sát trùng mua ngoài chợ hoặc pha một phần chất tẩy mầu sát trùng (chlorox), mười phần nước lã là có dung dịch loại trừ virus.

-Tránh đưa bàn tay dù ngà ngọc nhưng dính chùm virus Cảm Cúm lên mũi, lên miệng, lên mắt.

-Khi bắt đầu thấy có dấu hiệu Cảm Cúm thì nên ở nhà, vừa để nghỉ ngơi vừa để tránh truyền lan bệnh cho bạn đồng sở, cho học sinh cùng trường. Cảm Cúm lây lan mạnh nhất vào mấy ngày đầu sau khi nhiễm bệnh.

Cũng xin bà con nhớ cho là:

-Ta không “bắt cảm lạnh” (Catch a cold) vì nằm gần cửa sổ gió lùa.

-Không “bắt cảm lạnh” khi ra ngoài trời với đầu tóc ướt.

-Không “bắt cảm lạnh” vì thời thiết giảm nhiệt độ bất thình lình.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


GHI CÂU HỎI