Sâu răng là một loại bệnh nhiễm khuẩn. Quan
sát các động vật không có vi khuẩn trong miệng đều cho thấy chúng không
bị sâu răng.
Trong bệnh này, các sản phẩm chuyển hóa
acid hữu cơ sinh ra do tác dụng của vi khuẩn trên thực phẩm dính kẹt
trong răng miệng, làm mất dần khoáng chất calcium ở men răng. Từ đó răng
bị sói mòn phá hủy dần dần.
Sâu răng có thể xẩy ra cho bất cứ răng nào
trong miệng cũng như bất cứ phần nào của răng. Răng mới mọc dễ hư hơn
răng đã có từ lâu, vì thế khi mới mọc răng sữa hoặc răng thường là phải
săn sóc kỹ hơn.
Sâu răng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhứt
là khi còn thơ ấu. Sự chăm sóc những răng sữa liên quan đặc biệt tới sự
tăng trưởng của hàm răng khôn sau này. Răng sữa giúp trẻ nhai thực phẩm,
giữ cho hàm ở vị trí tốt cho răng vĩnh viễn. Răng tạm thời mà rụng sớm
thì khoảng trống sẽ bị các răng khác lấp vào và choán chỗ của răng khôn.
Răng sữa có thể bị hư khi mới hai tuổi, vì thế cha mẹ cần lưu ý chăm sóc
răng cho con.
Về dinh dưỡng, thì nên cẩn thận với thực
phẩm có nhiều đường ngọt.
Mặc dù đường ngọt đã được chứng minh là
nguy cơ số một gây sâu răng, nhưng khuynh hướng chung của chúng ta vẫn
là thích các món ăn ngọt. Khuynh hướng này đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em
đang độ tuổi phát triển, khi chưa có được ý thức tự bảo vệ trong việc
chọn lựa món ăn tốt cho sức khỏe.
Nhiều bà mẹ dùng viên kẹo ngọt để khen
thưởng con. Nhiều người cho con bú bình nước pha với đường, thay cho
sữa. Có bà mẹ lại nhúng cái núm vú cao su vào mật ong rồi cho con
ngậm.Tất cả đều là nguyên nhân dễ dàng làm hỏng những chiếc răng non.
Khi ngủ, không nên cho ngậm bình sữa, vì có
thể trẻ không nuốt hết, sữa đọng trong miệng và là môi trường tốt cho vi
khuẩn. Có thể cho bé ngậm núm giả hoặc ngậm bình nước lã.
Ngoài việc sữa mẹ có nhiều bổ dưỡng, con
hút núm vú mẹ còn giúp hàm răng ngay ngắn hơn.
Trẻ em cần chế độ ăn uống đầy đủ, đa dạng
với đầy đủ calcium, phosphore để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của răng.
Fluoride, một hóa chất ngăn ngừa sâu răng rất công hiệu, cũng cần được
hiện diện trong thực phẩm, nước uống.
Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ em trong việc giữ
gìn vệ sinh răng, cách dùng bàn chải, giây cọ răng (flossing). Bàn chải
nên thay mới khi không còn bảo đảm làm sạch răng, và cần được thường
xuyên rửa kỹ để loại bỏ thực phẩm cũng như vi khuẩn dính vào. Và nhớ
nhắc các cháu: đánh răng mỗi ngày hai lần, nhất là sau bữa ăn; súc miệng
sau khi ăn hoặc uống và cọ khe răng mỗi ngày hai lần.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức