Nắng Sài Gòn-Nắng Viễn Phương
Nắng tháng
Tám, rám trái bưởi.
Kinh
nghiệm dân gian.
Viễn cư, chẳng nghe tiếng Cuốc quê hương mà
sao Hè cũng nóng:
“Cái nóng nung người, nóng nóng ghê”. Quốc
Văn Giáo Khoa Thư
Mới đầu tháng 7, mà nóng nắng miền Tây Hoa
Kỳ đã lên tới 44 độ C, gây hỏa hoạn cho cả ngàn mẫu đồng cỏ tại Arizona và
tử vong của 19 nhân viên cứu hỏa. Tại Los Angeless, một lão nhân lìa đời vì
sống trong căn nhà không có máy điều hòa không khí.
Tia nắng gắt cũng có thể gây tác dụng xấu
cho lớp da nếu không được che trở, bảo vệ.
Với diện tích 17 thuớc vuông, da là bộ phận
trải rộng lớn nhất của cơ thể. Về phương diện cấu tạo, da đã làm ngạc nhiên
nhiều kiến trúc sư vì tính cách bền bỉ, nhậy cảm, đàn hồi mà Thượng đế đã
tạo cho da. Lại còn những chức năng quan trọng mà da chịu trách nhiệm để bảo
vệ cơ thể. Nào là rào cản chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật gây bệnh,
hóa chất độc hại. Nào là điều hòa thân nhiệt trước thay đổi phũ phàng của
thời tiết nóng lạnh. Lại còn mang khỏi cơ thể, qua mồ hôi, những chất phế
thải trong người. Cũng như mang cảm giác mềm mát cho bàn tay người tình mơn
trớn, nâng niu.
Nhưng da cũng chịu chung số phận hóa già
của các bộ phận trong cơ thể, cũng dễ dàng hư hao trước rủi ro của không
gian và thời gian. Da khô nhăn nheo với tuổi đời chồng chất. Da ban đỏ, ung
thư, cháy xém dưới tia nắng mặt trời.
Nhìn qua lăng kính, tia nắng mặt trời có
bẩy mầu hòa hợp: tím, chàm, da cam, xanh dương, xanh lục, vàng và đỏ. Đó là
những tia tương đối lành mà mắt thường có thể nhìn thấy. Nhưng cái tia tử
ngoại, cực tím mà ta không nhìn thấy mới là đáng ngại, mới là rủi ro làm da
khô, da ngứa, ung thư da.
Cực tím A chui sâu vào da, tiêu hủy sự đàn
hồi, khiến cho da sớm nhăn già và cũng là rủi ro của ung thư;
Cực tím B giảm khả năng bảo vệ cháy nắng và
là thủ phạm chính của ung thư da.
Cực tím C là nguy cơ tử vong cho cho mọi
sinh vật, từ cỏ cây cho tới động vật.
Nói vậy chẳng lẽ nắng chỉ mang tới rủi ro
hay sao?!
Ánh nắng rất cần cho sự sinh tồn của mọi
sinh vật. Không có nắng làm sao có sự quang hợp để biến khí carbon và nước
thành thực phẩm nuôi thảo mộc. Mà không có thảo mộc thì con người và súc vật
lại khốn đốn, thiếu thức ăn.
Ánh nắng cũng cần cho sức khỏe thể xác và
tinh thần nữa chứ. Thường xuyên âm u là ta dễ rơi vào tình trạng trầm cảm,
mất ngủ, rối loạn chuyển biến dưỡng chất cũng như sản xuất kích thích tố
trong cơ thể. Cho nên mới có “ Nỗi buồn Mùa Đông”-Blue Winters của cư dân
các vùng hiếm nắng.
Mà không có nắng Mai thì sao có:
“ Nắng vàng giỡn trên má,
Cô mơ tình nhân hôn” Nắng
mai-Thanh Tịnh
Và
“ Nắng lên nửa bãi chiều rồi...” để cho
Huy Cận
“ Ru em sẵn tiếng thùy dương đôi bờ” Ngậm
ngùi.
Nhưng, chỉ năm mười phút, vài giờ thì không
sao, chứ nhiều ngày nhiều tháng dưới nắng chang chang, không áo quần che trở
thì cũng có nhiều vấn đề lắm đấy.
Ung thư da là vấn đề đáng ngại hơn cả.
Hàng năm, số người bị ung thư da tăng. Theo
Viện Da Liễu Hoa Kỳ, tỷ lệ ung thư da vào thập niên 1930 là 1/1500; tới thập
niên 1980 con số nhích lên là 1/250. Hiện nay có thể là 1/70. Vì môi trường
càng ngày càng xấu, khí quyển càng mất chất bảo vệ ozone trước tia tử ngoại
của nắng...\
Nguy cơ ung thư tăng theo với số tuổi của
con người, nhất là từ 50 tới 70 tuổi. Cứ một trong ba người Mỹ trên 65 tuổi
là ít nhất cũng bị ung thư da một lần trong suốt cuộc đời. Vùng mặt và đầu
là nơi mầu mỡ cho ung thư tàn phá.
Tùy theo chủng tộc, giống tính,
cũng như địa dư mà ung thư nhiều ít. Nam giới dễ ung thư hơn các bà các cô.
Có lẽ các ông mình trần, phơi nắng cắt cỏ, bón cây hơi nhiều, để cho vườn
nàng đẹp. Da mầu ít hơn da trắng vì họ có nhiều tế bào sắc tố che trở. Dân
mắt xanh, tóc đỏ, người sống gần xích đạo, trên cao độ cũng dễ bị ung thư.
Chín mươi phần trăm trường hợp ung thư da
là do chất độc hại ảnh hưởng vào da.Nhất là tia tử ngoại của ánh nắng mặt
trời.
Mà muốn bảo vệ, tránh ung thư vì nắng gắt
thì cũng dễ thôi.
Ta cứ mặc quần áo trùm kín như mấy trự
Trung Đông Ả Rập là xong. Lại mang thêm chiếc mạng phủ mặt của kiều nữ
Taliban, là tha hồ ra nắng.
Nhưng, hãy coi chừng. Mấy ngài an ninh phi
trường là hay nghi ngờ, hỏi thăm lắm đấy ạ. Có dấu khí cụ trong quần không?
Có cài chất nổ trong áo ngực. Xin vào phòng kín. Thoát y. Kiểm soát nắn sờ.
Đôi giầy tây mà còn phải tháo ra, đi chân không qua máy rà kim khí cơ mà. Rõ
rắc rối.
Sao ta chẳng theo những nàng mặt phấn da
hồng Sài Gòn, Hà Nội. Lái Honda Dream, quần áo thùng thình gió bay, bao tay
lụa cao cao tới nách, mạng nhung che mặt, nghiêng nghiêng vành nón rộng. Để
bảo vệ nền da ngà ngọc. Thêm cặp kính râm thời trang nữa thì tha hồ mà liếc
dọc nhìn ngang.
Rồi gửi xe, ta vào mỹ viện, lựa vài chai
kem chống nắng. Để thoa ngăn ngừa tia tử ngoại phá hủy gen DNA và khả năng
miễn nhiễm của da.
Bôi trên da, mỹ phẩm có công dụng phản
chiếu tia nắng, nhất là các loại có 30 Yếu Tố Bảo Vệ (Sun Protection
Factor-SPF) trở lên. Độ càng cao thì sự bảo vệ càng lâu. Phơi nắng càng
nhiều thì cứ vài giờ nên thoa lại, nhất là khi đổ mồ hôi. Cũng là cơ hội tốt
cho những người tình xích lại. Gần nhau.
Các mỹ phẩm chống nắng thường thường rất an
toàn, nhưng khi dùng thì có đôi điều nên để ý:
- Trẻ em từ 6 tháng trở lên đều có thể thoa
kem chống nắng; dùng loại hơi đục hoặc kem hơn là dung dịch trong suốt;
-Trước khi thoa, thử một chút kem trên mu
bàn tay coi xem có bị dị ứng, đỏ da hay không. Mỗi nhà bào chế dùng các gia
phụ khác nhau;
-Thoa mỹ phẩm lên toàn thân, trừ vùng da
quanh mắt;
-Thoa từ 15-30 phút trước khi phơi nắng để
chất chống tử ngoại thấm vào da;
-Lựa mỹ phẩm không tan trong nước nếu ta
bơi lội;
-Tham khảo bác sĩ nếu trẻ em bị mụn trứng
cá, để coi dùng kem nào không làm bệnh tăng lên.
Rồi an toàn tắm biển-phơi da...
Biết bao giờ có nhân hòa để trở về với nắng
Hè quê hương.
Mà trèo me hái sấu Hàm Long;
Mà trộm ổi, tắm sông Nghi Tàm, Quảng Bá.
Hoặc nhớ lại những năm 55- 57. Theo thầy
trẻ Nguyên Sa, mới ở Pháp về, lang thang chợ Thái Bình, Cống Quỳnh- Phạm Ngũ
Lão. Đi trong nắng... mà không cần nón mũ. Vì:
“ Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát;
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Nguyên Sa
Ôi! Hà Đông. Chùa Trầm. Động Nhũ.
Một thời đã qua...Biết bao nhiêu là kỷ niệm...
...Và có người thấm lệ, nhìn xa...
Bác
sĩ Nguyễn Ý Đức |