Khoai lang

            Khoai lang là món rất quen thuộc với người Việt nam, một món ăn bình dân, rẻ tiền, rất dễ kiếm, nhưng cũng là một món ăn rất bổ dưỡng và có tác dụng trị bệnh. Khoai lang (sweet potato) còn có tên gọi khác như cam thự, hồng thự hoặc phan thự.

            Nguồn gốc của khoai là từ Peru rồi được trồng ở Âu châu vào thế kỷ thứ 16, sau đó lan sang Á châu. Các quốc gia trồng nhiều khoai là Trung Hoa, Nam Dương, Việt Nam, Nhật, Ấn Độ. Khoai thích hợp với khí hậu vùng nhiệt đới.

Giá trị dinh dưỡng

Khoai lang không có chất béo và cholesterol, nhưng chứa một lượng lớn beta carotene, sinh tố A và C, sinh tố B 5 hay pantothenic acid, khoáng chất kali và chất xơ.

 Một củ khoai lang nướng có 117 calor, 2gr chất đạm, 28 gr carbohydrat, 32 mg calci, 63 mg phospho,  0,5 mg sắt,  400 mg kali,  3 g chất xơ, 750mcg sinh tố A,  30 mg sinh tố C,  8 mg sinh tố B 1.

 Công dụng y học

Khoai lang có nhiều sinh tố B5 và beta-caroten, nên được coi như có nhiều tác dụng y học tốt.

Sinh tố B 5 giúp cơ thể chống mệt mỏi  vì những căng thẳng (stress ), cho nên còn được gọi là “sinh tố chống stress”  qua việc thúc đẩy sự chuyển hóa carbohydrat, chất đạm và chất béo.

Vitamin này kích thích nang thượng thận, làm tăng sự biến hóa căn bản, tạo ra năng lượng từ chất béo, chất carbohydrate; làm da bớt nhăn và làm chậm sự lão hóa; làm hệ thần kinh khỏe mạnh; làm giảm độc tính của thuốc kháng sinh và tia phóng xạ; làm bớt dị ứng, nhức đầu, đau khớp xương, chống mất ngủ, hen suyễn.

Một củ khoai lang có khoảng 14 mg beta-carotene. Beta- carotene là một chất có khả năng chống ung thư nhất là ung thư phổi ngay cả ở người ghiền thuốc lá.

Khoai còn làm tăng tính miễn dịch, làm giảm nguy cơ bị cườm mắt (catarracts), làm giảm nguy cơ tai biến động mạch não, chứng kích tim, và làm giảm cholesterol trong máu.

Các cụ ta tin là khoai lang có thể chữa được bệnh phong nhức khớp xương và chứng đau bụng.

Nhiều người còn cho là khoai lang có thể làm giảm chứng ói buồn nôn ở phụ nữ có thai, làm kinh nguyệt điều hòa, lợi tiểu tiện, ngăn ngừa sẩy thai, làm giảm cơn hen suyễn...

Theo giáo sư Đỗ Tất Lợi, khoai lang có tác dụng nhuận tràng và trong dây khoai lang có một chất giống như Insulin, rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường.

Khoai lang có chứa oxalate nên người bị sạn thận cần giới hạn tiêu thụ.

Các loại khoai

Có hai loại khoai lang chính:

-Loại vỏ mầu nâu vàng, ruột mầu cam, sau khi nấu, cho nhiều vị ngọt, mềm và có nhiều nước.

-Loại có vỏ mầu hồng lợt, thịt vàng và khô, ít ngọt, ít hương vị hơn.

Lựa và cất giữ khoai

Khi mua khoai, ta nên chọn củ còn chắc nịch, cầm thấy nặng tay, vỏ trơn tru, không trầy xát; tránh mua khoai bị nứt, hà rỗ vỏ hoặc bị cắt mất đầu mất đuôi.

Mang về nhà, nên cất khoai trong bóng tối, không để trong tủ lạnh và nên dùng trong vòng hai tuần lễ để hưởng thụ được tất cả chất bổ dưỡng của khoai.

Khoai cũng được đóng hộp sau khi nấu chín với đường hoặc được phơi sấy khô.

Món ăn với khoai lang

Khoai lang thường được dùng để nấu chè, nướng hoặc luộc.

Nên rửa sạch củ khoai bằng bàn chải trước khi luộc. Giữ nguyên vỏ khi luộc để khoai khỏi đổi mầu và cũng dễ bóc hơn. Vỏ khoai có nhiều chất xơ pectin ăn được.

Khoai lang cũng được nấu với mật ong, mật mía, đường hoặc mật ngô.

Khoai chín nghiền nát được dùng làm bánh, kẹo.

Ngọn non của dây khoai lang (đọt lang) được dùng như một loại rau ăn phổ biến, còn dây khoai lang được dùng trong chăn nuôi gia súc. 

Ngọn khoai lang luộc chấm mắm cáy đặc là món ăn ngon.

Cáy tương tự như cua, sống dưới nước, có nhiều ở những vùng duyên hải như Kinh Môn, Thanh Miện, Thanh Hà tỉnh Hải Dương. Tại các địa phương này đều có nghề làm mắm cáy ngon nổi tiếng.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Texas-Hoa Kỳ

 

GHI CÂU HỎI