Cám và công
dụng
Cám (Bran) là vụn của lớp
màng mỏng mầu nâu bọc ngoài hạt gạo, dưới lớp trấu. Cám có nhiều chất xơ,
tinh dầu, đạm, sinh tố B, riboflavin, niacin và các khoáng như sắt,
phosphore, potassium. Hiện nay cám gạo đang được các nhà dinh dưỡng nghiên
cứu về công dụng trị bệnh.
Vào thập niên 1960, một
bác sĩ người Anh, Dennis P Burkitt, nhận thấy dân chúng ở nhiều vùng
thuộc châu Phi rất ít mắc các bệnh tim mạch, tiêu hóa, ung thư vú, ruột già,
dạ con, nhiếp hộ tuyến. Qua sự theo dõi nghiên cứu, ông nhận ra là người
dân ở đó ăn nhiều loại hạt còn để vỏ cám. Ông ta nêu giả thuyết là cám có
công dụng giảm thiểu các bệnh kể trên nhờ chứa nhiều chất xơ. Từ đó, dấy lên
phong trào dùng thực phẩm có nhiều cám phổ biến khắp thế giới.
Các nghiên cứu cho thấy
việc dùng cám có ưu điểm nhưng cũng có mặt bất lợi cho sức khỏe. Chất xơ
trong cám lúa mì không hòa tan trong nước, khi đi qua ruột sẽ hút nhiều nước
làm cho phân lớn mềm, dễ bài tiết ra bên ngoài. Nhưng dùng nhiều quá thì nó
lại gây ra đầy bụng, no hơi.
Có nghiên cứu cho rằng
cám lúa mì có thể làm giảm nguy cơ viêm ruột già. Chất xơ trong cám yến mạch
(oat) hòa tan trong nước, dính với nhau, có công dụng làm giảm
cholesterol trong máu và giúp chuyển hóa đường glucose, giảm nhu
cầu insulin cho cơ thể. Còn cám gạo thì cũng có công dụng giảm
cholesterol trong máu nhờ chất xơ không hòa tan trong nước và chất dầu bất
bão hòa nằm trong nhân của hạt gạo.
Cám bên ta thường được
dùng để nấu thức ăn cho heo, cho lợn (cám lợn gồm có bèo ta hoặc bèo Nhật
Bản và cám) hoặc để cho gà cho ngựa ăn.
Nói chung, bổ sung các
loại cám vào thực phẩm có thể giúp giảm cân vì ăn vào mau no nên bớt được ăn
quá nhiều các món ăn khác. Tuy nhiên, dùng quá nhiều cám có thể đưa đến giảm
hấp thụ các khoáng calcium, sắt, kẽm, magnesium ở ruột; làm tắc nghẽn ruột
hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh đường ruột.
Bác sĩ Nguyễn Ý
Đức
Texas-Hoa Kỳ |