Cách lựa và
cất giữ trái cây
Trái cây hay quả được thành hình từ phần
bầu nhụy của hoa. Trái cây thường có hai phần: phần thịt mọng nước có thể ăn
được và hột cứng.
Ngược lại với rau được
dùng như món ăn chính, trái cây thường là món ăn thêm, điểm tâm, tráng miệng
hoặc ăn vặt. Trái cây là thực phẩm ưa thích của loài người vì tính cách bổ
dưỡng và tiện lợi của nó.
Nhiều nhà dinh dưỡng
quả quyết rằng trái cây là “bạn đường của sức khỏe” vì nó có đầy đủ những
chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì một đời sống lành mạnh. Hơn nữa trái
cây là sản phẩm mà thiên nhiên cung cấp, sẵn sàng để con người sử dụng mà
không cần nhiều thời gian biến chế, sửa soạn.
Để trái cây thêm ngon,
cần có sự lựa chọn kỹ càng, cất giữ đúng cách, rồi ăn đúng lúc.
Khi bầy bán trên thị
trường, người ta thường phun hóa chất lên trái cây để giữ trái lâu hư cũng
như để trái cây có vẻ tươi, đẹp, hấp dẫn. Vì thế, cần rửa sạch hoặc gọt vỏ
trước khi ăn.
Mùa nào trái đó. Mua
đúng mùa đúng lúc thì trái cây ngon hơn và rẻ hơn.
Lựa trái cây không khó
khăn nếu ta để ý một chút. Điều cần nhớ là không mua vì giá rẻ nhưng mua vì
dùng được hoặc để dành được. Nếu không có nhu cầu trang trí, chưng bầy cho
đẹp mắt thì bề ngoài của trái hơi có tì vết một chút cũng không ảnh hưởng
tới phẩm chất của trái.
Cũng nên nhớ rằng, hầu
hết trái cây được xịt một lớp hóa chất để tăng mầu tươi, tạo vẻ ngoài đẹp
hơn, nên nhiều khi “thấy vậy mà không phải vậy”.
Khi mua về, trái chín
cần được giữ trong tủ lạnh để tránh mau hư. Trước hết, lựa riêng trái hư,
trái chưa chín hẳn. Không nên làm trái mau chín bằng cách phơi nắng vì các
tia tử ngoại, hồng ngoại có thể làm phân hủy vài loại sinh tố.
Rửa và lau khô những
trái cây có vỏ cứng và trơn tru. Trái có vỏ mỏng như nho, quả anh đào
(cherry), các loại trái nhỏ mọng nước (berry) như phúc bồn tử (rasberry), ô
rô (holly berry), trái mâm xôi đen (black berry)...thì không cần rửa khi cất
giữ vì nước đọng làm trái mau hư, nhưng đừng quên rửa trước khi ăn.
Đừng vặt bỏ cuống hoặc
chóp của trái, tránh làm tổn thương tới tế bào của trái.
Tủ lạnh cần giữ ở
nhiệt độ từ 15ºC tới 21ºC, không ẩm. Tốt hơn hết là giữ trái trong hộp kín
để không khí không làm khô trái, nhưng nếu đựng trong túi nylon thì lại nên
chọc thủng vài lỗ nhỏ để thoát hơi và độ ẩm. Giữ kỹ như vậy, trái có thể để
dành được khá lâu.
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
Texas-Hoa Kỳ |