Bệnh Sạn Thận

Sạn Thận hoặc Sạn đường Tiết niệu là bệnh rất xưa và thường xảy ra. Chỉ cần bị bệnh  một lần là ta  nhớ mãi những cơn đau khiếp đảm mà sạn gây ra khi nó di chuyển trong đường tiết niệu. Có người nói là đau sạn thận  còn khủng khiếp hơn khi các bà đau bụng “vượt cạn chỉ có một mình”

Ngày nay, nhờ nhiều phương pháp điều trị tiến bộ, sạn được loại bỏ dễ dàng, mau lẹ và an toàn. Sau đó, với các phương pháp phòng ngừa hữu hiệu, bệnh ít có nguy cơ tái phát và con người tránh được sự ôm bụng kêu đau.

Đại cương

Sạn  là kết quả của một loạt những phản ứng hóa học, trong đó nước tiểu trở nên quá đậm đặc khiến các chất calcium oxalate, uric acid, cystine kết tinh lại thành những hạt nhỏ. Rồi với thời gian, các hạt nhỏ này  kết tụ dần dần thành cục sạn lớn

Bệnh có thể xẩy ra cho nhiều người trong một gia đình hoặc gây ra do các  rối loạn của ruột, tuyến giáp trạng hoạc do khiếm khuyết trong cấu tạo của hai trái thận.

 Đàn ông bị sạn thận gấp đôi đàn bà. Cho tới tuổi 70 tuổi thì 5% nữ giới và 9% nam giới đều mắc bệnh sạn thận ít nhất một lần. Sau đó sạn thường hay tái phát. Người da trắng bị sạn nhiều hơn người da mầu.

Bệnh thường xẩy ra cho dân cư sống ở vùng khí hậu khô nóng hơn là ở  nơi nhiệt độ ôn hòa. Không uống nước đầy đủ khiến nồng độ nước tiểu cô đặc  là một trong nhiều yếu tố đưa đến sạn kết tinh.

Một vài dược phẩm như triamterene, acetazolamide có thể gây ra sạn thận. Tiêu thụ thực phẩm nhiều oxalate cũng có thể là một nguy cơ.

Các loại sạn

Sạn thận có thể do nhiều hóa chất tạo thành.

1-Sạn calcium.

Có tới 75% sạn được cấu tạo bằng chất calcium (oxalate, phos phate , carbonate). Nam giới  bị loại sạn này nhiều  gấp hai ba lần nữ giới. Sạn bắt đầu vào tuổi từ  20 đến 30 và hay tái phát vào những năm sau đó. Calcium oxalate là nhiều nhất và thường thường là do ăn thực phẩm có nhiều hóa chất này hoặc do hậu quả các bệnh ở ruột  hoặc tăng chức năng tuyến cận giáp mà ra. 

2-Sạn uric acid.

Chiếm 10% các loại sạn thận và cũng có nhiều ở đàn ông. Người bị sạn này thường cũng bị bệnh thống phong (gout).

3- Sạn cystine. 1%, thường do di truyền gây ra.

3-Sạn struvite.

To, đôi khi làm nghẹt thận, gây ra do các bệnh nhiễm trùng đường tiểu tiện.

Các loại sạn trên  có thể nhỏ như hạt cát hoặc lớn như trái banh bóng bàn; có thể trơn tru nhẵn nhụi hay sắc cạnh.

Sạn được tạo ra trong trái thận hay trong ống dẫn nước tiểu.

Thường thường sạn thận không gây đau trừ khi nó di chuyển từ thận xuống ống dẫn tiểu. Những cơn đau này rất dữ dội khiến người bệnh nhớ suốt đời.

 Nguy cơ gây sạn:

a-Sạn thận xẩy ra khi ta không uống đầy đủ nước, nước tiểu trở nên đậm đặc, các hóa chất kể trên kết tinh;

b-Khi ta ăn quá nhiều vài thực phẩm như bơ, sữa, chocolate, đậu phọng;

c-Khi có nhiễm trùng đường tiết niệu;

 đ-Trước đây đã có sạn;

 e-Đàn ông;

g-Trong gia đình có thân nhân bị sạn.

 Triệu chứng

Cơn đau do sạn di chuyển hoặc kẹt ở thận, ống dẫn nước tiểu  đều rất dữ dội và xẩy ra  bất thình lình. Đau xuất phát  ở một bên mạng mỡ hay bụng dưới, chạy xuống bẹn, bắp đùi. Các cơn đau không thuyên giảm với thay đổi vị trí nằm, ngồi hoặc sau khi uống thuốc chống đau không có chất á phiện. Đôi khi bệnh nhân bị sốt ,  ớn lạnh, ỉ đái ra máu, ói mửa.

Bình thường, sạn hiện diện trong âm thầm. Cho nên tìm ra sạn đôi khi là do tình cờ chụp quang tuyến bụng trong lúc điều trị  các bệnh khác hoặc đi tiểu tiện ra sạn nhỏ.

Khi nghi ngờ có sạn, bác sĩ sẽ thử nước tiểu coi xem có lẫn máu và nhiễm trùng không; rồi sẽ cho chụp hình  quang tuyến các loại để xác định sự hiện diện của sạn.

Điều trị

Để chữa sạn thân, các nhà chuyên môn về khoa tiết niệu có thể áp dụng mấy cách sau đây:

a-Theo dõi-Đợi chờ.

Trong nhiều trường hợp, sạn nhỏ có thể được tiểu tiện ra ngoài, nhất là khi ta uống nhiều nước.  Mỗi lần tiểu, lọc coi có sạn nhỏ trong nước tiểu, đưa bác sĩ để phân loại. 

b- Dùng thuốc. Tùy theo loại sạn, sẽ có dược phẩm thích hợp.

Nếu sạn loại uric acid thì thuốc Allopurinol sẽ làm giảm hóa chất này trong máu, dung dịch Bicarbonate làm tan sạn. Đồng thời cần uống nhiều nước.

Sạn cystine thường rất hiếm, thuốc Penicillamine, Tiopronun thường được dùng để làm giảm cystine. Nên uống nhiều nước.

Khi sạn gây ra nhiễm trùng đường tiểu tiện, thuốc  kháng sinh được dùng trước khi sạn được lấy ra.

c-Nghiền sạn bằng sóng lực trong nước (Shock wave lithotripsy):

Đây là phương pháp trị liệu tương đối mới, được sáng chế bên Tây Đức và bắt đầu dùng ở Hoa Kỳ từ năm 1984.

Có nhiều loại máy nhưng nguyên tắc chung giống nhau: máy tạo ra những đợt sóng lực có sức mạnh làm rạn nứt, tan vỡ sạn mà không gây thương tích cho cơ thể. Phương pháp này được áp dụng cho trường hợp sạn nằm ở thận hoặc phần trên của ống nước tiểu.

Người bệnh nằm trên một cái nệm nước hay trong bể nước, các đợt sóng có sức mạnh chuyển qua nước, dội vào nơi có sạn. Trung bình cần từ 200 tới 400 đợt sóng để làm vỡ sạn, đôi khi cần tới 1500 đợt. Thời gian chạy máy lâu khoảng từ 45 phút tới một giờ.

Phương pháp  có thể thực hiện trong ngày, sau vài giờ theo dõi, bệnh nhân có thể về nhà. Thường thường không cần đánh thuốc mê, nhưng để bớt đau, bệnh nhân được cho liều thuốc an thần. Bệnh nhân cũng mang máy bịt tai để tránh âm thanh to do sóng lực gây ra.

Khi về nhà, cần uống nhiều nước, đi tới đi lui, tiểu tiện ngay khi mót đái, lọc nước tiểu để theo dõi sạn ra nhiều hay ít.

d- Giải phẫu.

Khi sạn quá lớn mà các phương pháp trên không có kết quả thì nhiều phương thức giải phẫu được áp dụng và bệnh nhân cần được nhập bệnh viện để giải phẫu.

Với sạn nhỏ, bác sĩ có thể đưa một ống plastic đầu có dụng cụ gắp sạn vào ống tiểu hoặc thận để gắp sạn ra. 

Phòng ngừa lâu dài

Mỗi lần đau sạn là một kỷ niệm đáng ghi nhớ. Cho nên để tránh sạn tái phát, người bệnh cần biết cách phòng ngừa, gồm có:

a- Uống nhiều nước để tránh tình trạng thiếu nước trong cơ thể, khiến nước tiểu cô đặc tạo ra cơ hội thuận tiện cho sạn kết tinh, đóng cục. Có bác sĩ khuyên phải uống chừng 10 ly nước một ngày.Tránh chất lỏng làm mất nước trong cơ thể như cà phê, rượu. Nhưng khi đau là lúc sạn di chuyển trong ống thì không nên uống nước. Sạn có thể làm kẹt niệu quản , đưa tới phình nở các khoang ở thận.

b- Ăn kiêng: sạn được cấu tạo bởi hóa chất có trong vài thực phẩm, nên ta cần tránh. Khi bị sạn calcium, ta cần giảm thiểu thực phẩm nhiều calcium như bơ sữa, chocolate, đậu phọng; với sạn uric acid thì ta cần bớt ăn thịt vì thịt làm tăng purine, tiền thân của acid này; còn sạn cystine thì cần giới hạn cá vì cá có nhiều chất cystine.

c- Uống thuốc theo toa bác sĩ và giữ hẹn để được theo dõi tình trạng sạn. Sự theo dõi này cần thực hiện hầu như suốt đời.

Kết luận

Trong tất cả các trường hợp sạn bộ máy tiết niệu, số lượng nước tiêu thụ hàng ngày có  một vai trò rất quan trọng. Nước uống làm nước tiểu loãng và ngăn ngừa các tinh thể gây sạn kết tụ với nhau. Cho nên, mỗi ngày, người bị bệnh sạn  thận cần uống ít nhất tám ly nước hoặc nhiều hơn.

Xin lưu ý là  một số thực phẩm làm thay đổi mức độ kiềm hoặc acid của nước tiểu ( chỉ số pH) và có ảnh hưởng tới sự kết tinh các hóa chất trong sạn thận.

Rau, trái cây( ngoại trừ trái prune, plumbs, cranberries), sữa,  làm nước tiểu có độ kiềm.

Thực phẩm có nhiều chất đạm như thịt, cá, trứng, pho mát; trái plumb, prunes, cranberries, ngô báp, đậu lentils  làm nước tiểu có độ acid.

Ngoài ra, kinh nghiệm các cụ ta là nước sắc rễ đu đủ, nước ngô và râu ngô  luộc, nước sắc cây râu mèo cũng được dùng để làm tiêu sạn.

            Xin quý thân hữu dùng thử coi xem có công hiệu không. Vừa rẻ tiền vừa  không sợ tác dụng phụ của hóa chất trong dược phẩm.          

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

Texas-Hoa Kỳ

 

GHI CÂU HỎI