Âm Nhạc
với Sức Khỏe
Nếu nói rằng ngôn ngữ đã tách rời loài
người ra khỏi những động vật khác thì âm nhạc chính là cái nôi của ngôn
ngữ và mãi mãi là một thứ ngôn ngữ chung của mọi chủng tộc, mọi nền
văn hóa.
Thiên tài âm nhạc Beethoven có viết: “Âm
nhạc phải làm trái tim người nam sôi sục và khóe mắt người nữ đẫm lệ”.
Heinrich Heine-Poet lại nói
“Âm nhạc là một cái gì khác lạ mà hầu như tôi muốn nói nó là một phép thần
diệu. Vì nó đứng nửa đường giữa tư tưởng và hiện tượng, tinh thần và vật
chất, một thứ trung gian mơ hồ thế đó mà không là thế đó giữa các sự vật mà
âm nhạc hòa giải”
Theo Plato: “Âm nhạc là một
trò chơi thực tế. Nhạc ghép linh hồn cho vũ trụ; lắp cánh cho tâm trí; đưa
sáng tạo cho trí tưởng tượng; mang lại sự hấp dẫn, hài lòng cho buồn chán,
sự vui vẻ và sống động cho mọi sinh vật”
Ngày nay, âm nhạc đã được dùng trong y học
như một phương thức trị liệu phụ thêm với dược phẩm, giải phẫu, y khoa phục
hồi...
Vài hàng lịch sử
Như đã nêu ở trên, kể từ khi loài người
biết phát âm, những nốt nhạc đầu tiên đã được hình thành trước khi những từ
ngữ có ý nghĩa được quy định để có thể truyền đạt tư tưởng đến đồng loại. Và
thực tế là tất cả những ngôn ngữ hiện nay đều mang tính chất âm nhạc, cụ thể
nhất là tiếng Việt của chúng ta.
Tác động của âm nhạc có thể chỉ đơn thuần
từ nhu cầu cần biểu lộ tình cảm, vui buồn của một cá nhân và nếu “đúng tần
số” có thể làm cho những người chung quanh rung động theo những suy tư trầm
mặc của người khởi xướng ra những thanh âm trầm bổng ấy.
Đi xa hơn, những thanh âm có thể làm kích
động người nghe từ sự suy nghĩ cho đến hành động, từ những tế bào nhỏ li ti
cho đến những bộ phận trong cơ thể.
Từ ngày xửa ngày xưa, sức mạnh lành bệnh
của âm nhạc đã đươc dân chúng biết tới. Họ dùng lời ca và nhạc cụ như trống,
lúc lắc để hỗ trợ cho tác dụng của thuốc cỏ cây thiên nhiên. Họ nhẩy múa,
hát ca để nâng đỡ tinh thần người bệnh cũng như chính bản thân họ Những âm
điệu nhịp nhàng như thấm vào tiềm thức. Phương thức này vẫn còn tồn tại ở
nhiều bộ lạc trên thế giới.
Cựu Ước có ghi là David chơi đàn lyre để
giảm bệnh trầm buồn của King Saul.
Thời Cổ Hy Lạp, Apollo vừa là thiên thần âm
nhạc vừa là nhà y học. Với Hy Lạp và Ai Cập xưa, âm nhạc là một khoa học rất
thiêng liêng và có sức mạnh thấm nhuần vào các góc cạnh rất thâm sâu của tâm
hồn. Khoảng thế kỷ thứ 15, dân Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã mời các nhạc sĩ tới
giúp vui cho những người mắc bệnh tâm thần.
Vào triều đại nữ hoàng Anh Elizabeth I, y
sĩ Thomas Campion dùng lời ca để chữa trị trầm cảm và vài bệnh tâm thần.
Ðầu thế kỷ trước, bác sĩ John Kellog, Hoa
Kỳ, dùng âm nhạc như một phương thức trị bệnh tại viện lao sanatorium của
ông ở Michigan.
Năm 1914, bác sĩ Evan O’Neil Kane đã thấy
rằng nhạc làm bệnh nhân đang được giải phẫu ít lưu tâm tới cơn đau và cảm
thấy bình thản hơn.
Ý niệm về âm
nhạc như phương thức trị liệu bắt nguồn từ thế chiến I và II, khi các nhạc
sĩ được mời tới giải khuây cho thương binh điều trị tại các bệnh viện. Sau
đó nhạc trị liệu trở nên phổ thông hơn như là một thành phần của sự điều trị
các bệnh tâm thần và thể chất.
Bên Mỹ, khóa huấn luyện chuyên viên trị
liệu bằng âm nhạc được mở tại Ðai học Michigan năm 1944 rồi sau đó tại Ðại
học Kansas, Texas, vào năm 1946.
National Association of Music Therapy thành
lập năm 1950 với trên 5000 hội viên. Ngày nay đã có tới gần 70 chương trình
huấn luyện Chuyên Viên Nhạc Trị Liệu Music Therapist tại các trường đại học
bên Mỹ. Các chuyên viên này có thể làm việc tại nhà thương, viện dưỡng lão,
trung tâm phục hồi, bệnh viện tâm thần, trường học, nhà người già hoặc hành
nghề tư.
Bác sĩ Raymond
Bahr, Giám đốc Coronary Care tại bệnh viện St Agnes Baltimore, Maryland phát
biểu:“Không còn nghi ngờ nào về sự hữu hiệu của nhạc trị liệu với sự chăm
sóc bệnh nhân trong tình trạng trầm trọng. Tác động thư giãn, giảm căng
thẳng của âm nhạc khiến bệnh nhân khỏe lại mau hơn bằng cách giúp họ vui vẻ
chấp nhận hoàn cảnh của mình và sẵn sàng nhận sự điều trị”
Âm nhạc tác
dụng lên cơ thể bằng cách nào?.
Theo nhiều nghiên cứu, ít nhất có hai cách
để lời ca điệu nhạc đi vào lòng người nghe:
a-Tác dụng lôi cuốn, hòa hợp, đi vào
tiềm thức con người. Khi ta bước vào một căn phòng có âm nhạc, thì bao nhiêu
ưu tư trong đầu chợt như dừng lại và cơ thể như hòa với điệu nhạc, toàn thân
như đu đưa, nhún nhẩy theo nhịp đàn, miệng âm ư theo lời hát.
b-Làm lạc hướng khiến ta không để ý
tới hoàn cảnh hoặc cảm xúc đau đớn, không vui, không muốn.
Giáo sư âm nhạc Arthur Harvey, Ðại Học
Hawaii, cho hay não bộ có bốn cách để tiếp nhận và đáp ứng với nhạc điệu:
a-Não bộ trái tiếp nhận, phân tích, thưởng
thức nhạc điệu;
b-Não bộ phải đáp ứng với nhạc điệu bằng
các xúc cảm khác nhau;
c-Cơ thể đáp ứng âm nhạc bằng sự thay đổi
các chức năng sinh học như nhịp tim, hơi thở, huyết áp, sức căng bắp thịt,
cảm giác đau, sản xuất kích thích tố;
d-Trong đáp ứng xuyên thân transpersonal,
âm nhạc được dùng để thiền suy, thư giãn, phản hồi sinh học biofeedback, học
hỏi.
Vài nghiên cứu mới đây còn tìm ra sự liên
hệ giữa tần số vài điệu nhạc với sinh hoạt điện năng của tế bào não. Nếu
dùng một tần số nhạc nào đó, ta có thể tăng khả năng học hỏi, thư giãn cơ
thể, giúp ngủ ngon giấc. Do đó, theo nhiều nhạc sĩ, để hưởng ích lợi của
nhạc điệu không những chỉ nghe mà còn để toàn thân rung động theo điệu nhạc.
Phúc lợi của nhạc trị liệu với con người
Những nghiên cứu xưa nay đều cho thấy là âm
nhạc trước hết làm cho con người được phát triển toàn diện ngay từ trong
bụng me.
Các thai nhi được cho “nghe nhạc” thuờng
khoẻ khơn các thai nhi khác và khi sanh ra đời ít bệnh hoạn hơn.
Các bác sĩ hiện nay vẫn khuyên các bà mẹ
đang mang thai nên nghe nhạc êm dịu và cho thai nhi cùng nghe.
Em bé được mẹ hát và ru cho nghe từ thuở
còn thơ thường thường thông minh và sau này ít bị những bệnh về tâm trí.
Dân tộc ta là một dân tộc thông minh, cần
cù hiếu học phải chăng là nhờ vào những "tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi"? Những
lời ca dao thắm thiết mà các bà mẹ Việt Nam ta ru con từ thế hệ này qua thế
hệ khác.
Kinh nghiệm
cũng như quan sát, nghiên cứu cho thấy âm nhạc có nhiều phúc lợi cho con
người.
Âm nhạc giúp giải quyết một số vấn đề như
thương tiếc khi mất người thân yêu; tăng tự tin bằng cách giúp ta tự diễn tả,
lựa chọn và sáng tác; diễn tả xúc động hoặc bằng lời nói hoặc cử chỉ; thư
giãn, giảm thiểu lo âu, giảm đau đớn; giảm cô lập với xã hội; tăng sự chú ý,
tập trung; kích thích cảm xúc và nhận thức; nhìn vào sự thực.
Âm nhạc cũng làm cơ thể nhiều sinh lực;
kích động não bộ; làm thức tỉnh các cảm xúc; tháo gỡ các xúc động; phục hồi
tâm hồn; làm hứng khởi hành động; giúp ngủ ngon; giúp lý luận tốt cũng như
giúp tránh lao tâm suy nghĩ.
Lãnh hội ảnh hưởng tốt
Dùng đúng cách, âm nhạc có thể giúp ta khỏe
mạnh.
Khỏe mạnh không phải chỉ là không có bệnh
tật mà còn bao gồm một tâm hồn thanh thảnh, một hài hòa gia đình, xã hội.
Nhạc nào cũng cũng có ảnh hưởng nhất là khi
ta dùng nhiều loại khác nhau. Ðiều cần là dùng một cách khôn ngoan.
Nhạc trị liệu không chỉ là nghe nhạc mà còn
viết nhạc, thảo luận về âm điệu, trình bầy hoặc tham dự các sinh hoạt liên
quan tới âm nhạc. Nhiều người cho là muốn hưởng phúc lợi của nhạc thì phải
có hiểu biết về nhạc. Nhưng thực ra không phải vậy, ai cũng có thể tận
hưởng các lợi điểm của nhạc miễn là để toàn thân rung động, hòa nhịp theo
lời ca tiếng hát.
Tâm lý chung cho là nhạc cổ điển rất khó
thưởng thức nhưng lại là thứ nhạc giúp con người thư giãn, tập trung và trị
bệnh hay hơn cả. Người ta đã dùng nhạc của Mozart để giúp bệnh nhân có triệu
chứng lo âu cũng như giúp trẻ em bị chứng kém tập trung ADHD.
Cũng nên nhớ rằng toàn bộ cơ thể ta được
coi như là tập hợp một hệ thống có nhịp điệu với nhau. Trong khi nghe nhạc
trị bệnh, ta phải hết sức cảm nhận và để ý coi xem vùng nào của cơ thể đáp
ứng với điệu nhạc. Vì mỗi âm điệu có một tác dụng riêng vào từng thớ thịt
hoặc bộ phân cơ thể. Một điệu nhạc làm nhẩy múa cơ thịt ở người đẹp có bụng
thon nhỏ belly-dancer sẽ không gây ra rung động nào ở bạn ta mập phì bụng mỡ
la de.
Chẳng có một quy luật nào về thưởng thức
nhạc, vì nhạc vốn bay bổng tự do mà người nghe thì cũng không kém phần phóng
khoáng. Cho nên nghe khi hứng,khi muốn, nghe sao cũng được, chẳng ai bắt
buộc được ai. Nhưng theo nhiều người sành điệu, để tận hưởng tác dụng thư
giãn hoặc nâng cao tinh thần của nhạc thì cũng có vài điều lưu ý:
·
Chẳng nên mở nhạc quá to và cũng
không nên nghe quá lâu;
·
Ðể hữu hiệu hơn, nên tập trung nghe
với ống nghe chụp tai headphone;
·
Nghe khi có một mình thì dễ relax
hơn;
·
Ðể ý coi xem ảnh hưởng của nhạc trên
cơ thể như thế nào; nếu điệu nào không thích hợp thì thay bằng điệu khác;
·
Cũng nên tập viết nhạc bằng cách hát
theo hoặc tập một nhạc khí.
Áp dụng thực tế
Ngày nay, nhạc trị liệu là lãnh vực trong
đó âm nhạc được xử dụng như một phương thức phục hồi, duy trì và hoàn thiện
đời sống của người bệnh về thể chất, tinh thần cũng như cảm xúc.
Nhạc được coi như một nghệ thuật sáng tạo
trị liệu tương tự như vũ trị liệu, trị liệu khéo tay art therapy, và cũng có
thể phối hợp với nhiều phương thức trị liệu như thiền, xoa bóp, thôi miên…
Với người khỏe mạnh, âm nhạc được dùng như
một phương thức thư giãn, giảm căng thẳng ở phòng cấp cứu, phòng sanh, phòng
trẻ sơ sanh vì tác dụng êm dịu của nó, hoặc trong khi tập luyện cơ thể.
Với một số bệnh đặc biệt là ở trẻ em và
người lớn có rối loạn về cảm xúc, hành vi, ít khả năng học hỏi, suy giảm các
cử động, âm nhạc trị liệu thường được dùng đồng thời với các phương thức trị
liệu căn bản để làm bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.
a-Trong giải phẫu, âm nhạc giúp giảm
thiểu cảm giác đau đớn, giúp bớt lo âu sợ hãi trước và sau giải phẫu, giúp
hồi phục lại sức lực và khả năng diễn đạt tư tưởng. Nhiều phụ nữ đã thư
giãn nghe nhạc mà nhẹ nhàng sanh con không cần đến thuốc tê. Nhiều nghiên
cứu cho hay sự kích thích của nhạc điệu đôi khi lấn át được các kích thích
tạo ra cảm giác đau, nhờ đó bệnh nhân tập trung vào điệu nhạc và trấn áp
được cơn đau.
Ngày 27 tháng 6, 2005, bác sĩ Suleyman
Ganidagly, Ðại học Y Khoa Harran bên Thổ Nhĩ Kỳ, công bố một kết quả nghiên
cứu tương tự: Trước khi giải phẫu mà bệnh nhân được nghe nhạc thì tác dụng
giảm đau, thư giãn của thuốc an thần tăng lên.
Các nhà nghiên cứu tại Ðại học Ðiều Dưỡng
Atlantic, Florida cho hay nghe nhạc 20 phút có thể giảm đau nhức trong viêm
xương khớp. Họ đã thử nghiệm với 68 bệnh nhân cao tuổi: một nửa nghe 20 phút
nhạc mỗi ngày, nhóm kia ngồi lặng thinh tĩnh tại. Ðo cường độ đau cho thấy
nhóm nghe nhạc ít nhức nhối khớp hơn nhóm kia tới 50%. Nhóm này cho biết họ
cảm thấy được khích lệ với điệu nhạc và đứng lên nhún nhẩy đi qua đi lại. Ta
biết rằng sự cử động rất cần để ngừa viêm xương khớp.
Giáo sư Ruth McCaffrey, người đứng đầu cuộc
nghiên cứu cho hay âm nhạc dường như kích thích cơ thể tiết ra nhiều
endorphins là chất làm giảm cảm giác đau, giảm huyết áp, nhịp tim và nhịp
thở cũng như giảm tiêu thụ oxy.
Bệnh hoạn có thể khiến ta mệt mỏi, rã rượi,
không muốn sinh hoạt, cử động. Nhưng khi nghe những điệu nhạc có âm điệu
khích lệ, thúc dục, ta thấy muốn lắc lư cử động theo điệu nhạc, quên cả đau
đớn, tê cứng.
b-Nhạc điệu cung cấp phương tiện để hòa
nhịp với xã hội.
Bệnh nhân ở trong bệnh viện hoặc các vị cao
niên sống trong nhà người dưỡng lão thường cảm thấy cô đơn, trầm buồn. Nếu
có một nhóm người tới trình diễn âm nhạc rồi bệnh nhân cùng ca hát, sẽ làm
họ vui vẻ, hòa nhập với người khác. Thân nhân cũng có thể thâu băng nhạc
riêng mà bệnh nhân thích để họ nghe.
c-Sau cơn tai biến não, nhiều bệnh nhân rơi
vào tình trạng mất khả năng vận động, cần tập luyện để phục hồi chức năng.
Âm nhạc có vai trò quan trọng giúp bệnh nhân phấn khởi, lần lần mấp máy cử
động theo điệu nhạc cũng như giảm cảm giác buồn chán, ngồi không chẳng làm
gì được. Kinh nghiệm cho hay nhiều người mất tiếng nói lấy lại được phát âm
sau khi ầm ừ hát theo.
c-Âm nhạc trị liệu được dùng trong các
trường hợp như: trẻ em tật nguyền giúp khôi phục sự phối hợp các hoạt động
thể chất cũng như sự khéo léo của các bắp thịt chân tay; người bị bệnh sa
sút trí tuệ người có rối loạn hành vi lấy lại sự bình thường hành động..
Bác sĩ Pascal Belin và cộng sự viên tại
bệnh viện Frederic Joliot ở Orsay, Pháp đã dùng loại nhạc điệu đặc biệt
Melodic Intonation Therapy để giúp phục hồi khả năng nói ở người bị tai
biến não, không nói được. Theo các tác giả này thì điệu nhạc này đã kích
thích phần não Broca tại bán cầu não trái là nơi điều khiển ngôn ngữ.
d-Âm nhạc giúp thư giãn tâm hồn và các cơ
thịt ở người đang có căng thẳng với stress, với lo âu.
Âm nhạc làm giảm stress bằng nhiều cách.
Nhạc giúp tâm hồn ta cởi mở và giải thoát
những cảm xúc khiến ta cảm thấy stress. Khi ngả bệnh, bệnh nhân thường rơi
vào tình trạng lo âu, sợ hãi, cảm thấy đau đớn, buồn rầu, đôi khi kém tự
tin. Âm nhạc có thể giúp họ khuây khỏa, giảm thiểu các cảm xúc tiêu cực,
khiến họ vui hơn, tự tin hơn, có nhiều phấn khởi trong đời sống.
e-Không ngủ được: xin hãy nghe những điệu
nhạc chậm dãi, êm dịu. Âm nhạc tác dụng như một chất an thần giúp ngủ mà
không cần thuốc, nhất là với người cao niên, đã uống nhiều thuốc cho các
bệnh khác nhau.
Xin nhớ là nhạc êm dịu chứ không phải rock,
rap ồn ào kích thích thần kinh.
f-Khi đi bộ mà nghe âm nhạc thì thật là
tuyệt vời: ta sẽ đi lâu hơn và hăng hái hơn vì âm nhạc giúp ta quên với sự
cố gắng cất bước và làm cuộc đi bộ trở nên hào hứng.
g-Vài loại nhạc giúp hạ huyết áp, nhịp tim,
điều hòa hơi thở .Vận động làm tăng máu lưu thông trên não, có ích cho não
nếu lại nghe nhạc trong khi vận động làm các chức năng của khối óc ta mạnh
hơn . Nghiên cứu tại Ðại học Ohio cho hay bệnh nhân tim phục hồi mau hơn nếu
khi đi treadmill mà lại nghe nhạc, so với người không nghe nhạc.
Chuyên viên âm nhạc trị liệu Barry
Bernstein đã thực hiện cuộc cuộc nghiên cứu ảnh hưởng của nhạc với bệnh nhân
Alzheimer tại Bệnh viện Cựu Chiến Binh Topeka, Kansas. Ông ta dùng trống.
Với hai lần mỗi tuần nghe nhạc trong 10 tháng, bệnh nhân có thể tăng khả
năng tập trung và phối hợp các cử động, ít nhất trong khi nghe.
h-Năm 1996, British Medical Journal có đăng
kết quả nghiên cứu của bác sĩ Lars Olov Bygren, Ðại học Umea Thụy Ðiển, về
ảnh hưởng sinh hoạt văn hóa với sống lâu. Ông ta theo dõi 12,675 người tuổi
từ 16- 74 trong mười năm và thấy rằng âm nhạc dường như có ảnh hưởng tốt
trên tuổi thọ. Và đề nghị nên có nhiều nghiên cứu hơn về tác dụng này.
i-Âm nhạc cũng được dùng với bệnh nhân ở
giai đoạn cuối cuộc đời tại các cơ sở Chăm Sóc Cận Tử Hospice để tạo ra
khung cảnh thương yêu, thanh thản của người sẽ ra đi cũng như của thân nhân.
Trong hoàn cảnh này, đôi khi giữa người
bệnh và gia đình có một cái gì ngập ngừng, dè dặt, không nói cùng nhau được.
Nhưng theo Hans Christian Anderson “When words fail, music speaks”, âm nhạc
có thể thay lời nói.
Riêng với các lang y thì thi nhạc cũng có
nhiều ảnh hưởng trong khi làm công việc được người đời gán cho là “cứu nhân
độ thế” đối với thân chủ.
Khi phải đương đầu với những căng thẳng
hằng ngày trong việc trị liệu, kẻ sống người chết, bệnh nan y khó chữa v.v...,
chính người thầy thuốc đôi khi cũng rất dễ rơi vào tình trạng căng thẳng tâm
thân rồi trầm cảm, tuyệt vọng. Người thầy thuốc có lòng thường dễ "mang bệnh
của người vào mình", "mang bệnh ở phòng mạch về nhà".
Nhưng " Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt
vọng!". Vì ca nhạc cũng đóng một vai trò rất quan trọng làm lắng dịu tinh
thần của người làm công tác chăm lo sức khoẻ. "Physicians heal yourselves!"
Người thầy thuốc có khỏe thì mới chữa cho người bệnh được khoẻ!
Trong phòng cấp cứu, phẫu thuật gia và
người cộng tác vẫn thường nghe nhạc cùng với bệnh nhân, vậy mà tâm trí không
những không xao lãng, lại còn có thể chú tâm nhiều hơn đến những vấn đề cần
giải quyết cấp thời trên bàn mổ. Những ca “cắt xén” như thế thường kết thúc
êm đẹp và ít gặp khó khăn hơn. Và hầu hết bệnh nhân cũng mau hồi phục.
Ngoài ra khi được tận mắt chiêm ngưỡng sự
huyền diệu về cấu tạo và chức năng của cơ thể con người, thầy thuốc cũng
chợt nhận ra sự nhỏ bé của chính bản thân mình. "The physicians treat you
but only God can heal you!"
Ca nhạc trở thành một phương tiện để người
điều trị giải bày những bức xúc, những cảm tình chợt đến, chợt đi như vậy.
Lang y với tinh thần nghệ sĩ sẽ nhìn bệnh nhân qua lăng kính của một sự tôn
trọng và nâng niu như là một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại được tạo hoá nắn nót
thành hình và mình chỉ là người tu bổ, gìn giữ.
Kết luận
Ca-Nhạc có sẵn khắp nơi như không khí ta
thở cho nên mọi người chúng ta cũng nên lợi dụng sức mạnh của nó. Chúng ta
không cần phải là một nhạc sĩ, một chuyên viên ca-nhạc trị liệu để thấy được
giá trị này. Chỉ cần thoải mái hát lên những lời nhạc ...là đã thấy người
nghe cũng như người diễn tả sảng khoái vui đời rồi...
Vì hát hay không bằng hay hát.
Vậy thì xin cùng nhau:
“ Nào anh em ta cùng nhau vang ca....”
“Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố
thân yêu...”
Bác
sĩ Nguyễn Ý Ðức |