Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm C
           CHÚA CHA TUYÊN DƯƠNG CHÚA
Lm Micae Võ Thành Nhân

        Chúa hỏi những người biệt phái, luật sỹ, trưởng tế, kỳ lão là phép rửa của thánh Gioan là bởi trời hay bởi người ta để rồi Chúa mới cho họ biết là Chúa lấy quyền gì mà rao giảng Tin Mừng, làm các phép lạ chữa các chứng bệnh khác nhau trong dân, xua trừ ma quỷ, đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ ( xMt 21, 23 – 27 ). Nhưng họ làm thinh. Họ cứng lòng không nghe lời Chúa rao giảng và cả thánh Gioan rao giảng nữa. Do vậy, Chúa cũng không cho họ biết phép rửa của thánh Gioan là bởi trời hay bởi người ta luôn. Vì lúc bây giờ, tất cả mọi người đều nghe thánh Gioan rao giảng, đều tỏ lòng ăn năn sám hối, chịu phép rửa để chờ Chúa đến, còn về phần họ thì họ không chịu ăn năn sám hối: “ Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: Vây chúng tôi phải làm gì ? Ông trả lời: Ai có hai áo, hãy cho người không có, ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì ? Gioan đáp: Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi. Các quân nhân cũng hỏi: còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì ? Ông đáp: Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai, các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình “ ( Lc 3, 10 – 13 ). Riêng với Chúa, Chúa cũng theo đoàn người đông đảo đến với thánh Gioan, nghe thánh Gioan rao giảng và cũng xin chịu phép rửa của thánh Gioan.

      Phép rửa của thánh Gioan, chắc chắn không phải bởi người ta, không phải thánh Gioan tự ý làm, ngài làm theo ý của Thiên Chúa, Thiên Chúa dạy ngài làm như vậy. Phép rửa của thánh Gioan tuy cao trọng, nhưng chưa phải là bí tích Rửa tội. Vì Chúa truyền cho ngài làm như thế, Chúa ủng hộ ngài, Chúa mới đến xin chịu phép rửa của ngài. Do vậy, Chúa làm tăng giá trị phép rửa của Gioan lên qua việc:

      -Chúa đứng về phía chúng ta là những người tội lỗi để Chúa bênh vực, chuyển cầu cùng Chúa Cha, xin Chúa Cha thương xót chúng ta.

      -Chúa cũng tỏ lòng sám hối, làm việc đền tội: Vì Chúa cho Chúa thuộc về tầng lớp dân chúng, những người thuộc giai cấp bị trị trong xã hội, và một cách cụ thể, trong công cuộc rao giảng Tin Mừng, những người phụ nữ giúp đỡ tiền bạc cho Chúa, Chúa đem cho những người nghèo, đói khát, rách rưới, cơ bần ( xLc 8, 1 – 3 ).

      -Chúa không có tội, nhưng Chúa chịu phép rửa của thánh Gioan là vì Chúa thương chúng ta, Chúa sống khiêm nhường thẩm sâu vì chúng ta. Bởi vậy, Chúa Cha nhận lời cầu xin của Chúa cho chúng ta và Chúa Cha mở lại cửa nước trời để đón chúng ta vào trong đó: “ Và chính Chúa chịu phép rửa xong, Chúa còn đang cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “ Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha “ ( Lc 1, 21 – 22 ).

      Như vậy, việc Chúa chịu phép rửa của thánh Gioan tại sông Giođan, Chúa Cha đã đón nhận tất cả chúng ta vào nước Chúa. Nhưng để vào được trong đó, chúng ta phải sống như Chúa đã sống, phải nghe lời Chúa rao giảng, phải bỏ ý riêng và làm những gì Chúa muốn, phải sống khiêm nhường, phải chia cơm sẻ áo cho những anh chị em nghèo túng, đói khổ, cơ cực đang sống chung quanh chúng ta, đừng tự ý bịa ra làm bất cứ điều gì trái với lời Chúa dạy bảo.

      Ngày Chúa chịu phép rửa, cũng là ngày Chúa Cha chúc phúc cho dân của Chúa là tất cả chúng ta. Chúa Cha chúc phúc để chúng ta sống trong bình an của Chúa. Khi chúng ta sống trong bình an, lòng chúng ta không bị xao động, phân rẽ, buồn tẻ, nhịp sống của chúng ta không bị trật nhịp, lạc loài, bơ vơ giữa chợ đời này nữa. Chúng ta sống, không phải là chúng ta sống mà là Chúa Kitô sống trong chúng ta ( xGl 2, 20 ), “ Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp, chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi, và được an toàn khỏi mọi biến loạn, đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng con “ ( Lễ quy Rôma ).

      Với việc Chúa chịu phép rửa của thánh Gioan mà chúng ta mới có được như ngày hôm nay. Vì thế, chúng ta dâng muôn lời tạ ơn Chúa. Quý trọng các bí tích do Chúa lập ra để ban các ơn thánh cho chúng ta. Trong đó, phải nói về bí tích Rửa tội, vì qua bí tích này mà chúng ta được Chúa nhận làm con, được sống trong lòng Giáo Hội của Chúa, được thừa hưởng gia nghiệp nước trời với Chúa sau này. Do đó, mỗi lần tham dự thánh lễ Chúa chịu phép rửa, lòng chúng ta hân hoan vui xướng, vì chúng ta là những người yêu của Chúa, được Chúa dẫn vào nguồn sống mới. Chúng ta không còn ngơ ngác như nai vàng kia giữa đồng khô cỏ cháy mông quạnh nữa. Vì thế, chúng ta cầu xin Chúa lấy tình yêu của Chúa mà thắp sáng ngọn đèn đức tin của chúng ta để chúng ta ra đi thực hiện sứ mạng rao giảng Tin Mừng mà Chúa trao phó khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa tội bằng đời sống bác ái vị tha, từ thiện, phục vụ mọi người anh chị em của chúng ta.

       Lạy Chúa, Chúa là vua của chúng con, Chúa ngự trị trong cuộc đời chúng con, xin Chúa cho chúng con biết thờ phượng Chúa cho phải đạo làm con của chúng con, chúng con luôn ngợi khen, chúc tụng Chúa muôn đời, và sống đẹp lòng Chúa mãi mãi.

       Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Ðức Ki-tô chịu phép rửa tại sông Gio-đan và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Người là Con chí ái. Xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa. Amen.